Nam Đàn: Khởi sắc đời sống văn hóa cơ sở

08/04/2013 12:32

Xác định xây dựng văn hóa nông thôn mới là một trong những nhiệm vụ quan trọng để phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội nhằm nâng cao đời sống cho nhân dân; Đến nay, Nam Đàn đã có 204/330 khối, xóm, đơn vị văn hóa, 90 CLB hoạt động thường xuyên, tỷ lệ gia đình văn hóa đạt 82%.

(Baonghean) - Xác định xây dựng văn hóa nông thôn mới là một trong những nhiệm vụ quan trọng để phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội nhằm nâng cao đời sống cho nhân dân; Đến nay, Nam Đàn đã có 204/330 khối, xóm, đơn vị văn hóa, 90 CLB hoạt động thường xuyên, tỷ lệ gia đình văn hóa đạt 82%.

Là một trong những làng văn hóa tiêu biểu của Nam Đàn có đời sống văn hóa khá phong phú, Làng văn hóa Trung Cần gắn liền với di tích lịch sử đình Trung Cần - một trong những di tích có kiến trúc nghệ thuật được xếp vào hàng đầu bảng của hệ thống di tích Nghệ An. Đình Trung Cần được xây dựng vào thời hậu Lê. Làng Trung Cần vốn có 3 người họ Nguyễn đi thi đều đỗ tiến sỹ, đó là Nguyễn Trọng Đương, Nguyễn Trọng Đường và Nguyễn Trọng Thường; để đón 3 ông, làng tổ chức mở hội ăn mừng, quyết định dựng đình để lưu truyền công trạng của họ và cũng để ghi nhớ ngày trọng đại nhất của làng. Từ đó, cứ 2 năm một lần, làng lại mở hội (Lễ hội kỳ Yên vào Rằm tháng 2 và Lễ hội kỳ Phúc vào Rằm tháng 6 âm lịch). Phần lễ được tổ chức long trọng, có đoàn rước lọng, kiệu, bài vị 3 ông tiến sỹ. Phần hội có đủ các trò chơi dân gian như đu tiên, hội vật, cướp cù, đánh cờ tướng, cờ người, kéo co … kéo dài 3 - 4 ngày liền. Thế rồi chiến tranh, thời gian, 60 năm liên tục làng không có điều kiện tổ chức lại hội làng.

Ông Lê Văn Cường - Bí thư chi bộ, Xóm trưởng cho biết: Việc gìn giữ di sản văn hóa là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong phong trào xây dựng Làng Văn hóa. Được sự đồng lòng, nhất trí của bà con, đình Trung Cần đã được trùng tu, tôn tạo 3 lần. Nhất là sau khi xóm được công nhận danh hiệu Làng Văn hóa (năm 2007), Ban cán sự xóm đã quyết định khôi phục lại các hoạt động văn hóa tại đình như tổ chức gặp mặt gương học sinh giỏi, học sinh đậu đại học, cao đẳng; tổ chức mừng thọ cho các cụ nhân dịp đầu Xuân, năm mới; tạo điều kiện cho con cháu tới dâng hương vào ngày Rằm, mồng Một hàng tháng…

Đặc biệt, năm 2011, được sự nhất trí của UBND xã, xóm Trung Cần đã tổ chức lễ dâng hương tưởng nhớ công trạng của các tiến sỹ đã có công gây dựng lên mảnh đất Trung Cần. Dịp này, xóm đã huy động nhân dân đóng góp được 70 triệu đồng mua sắm một số nội thất cho đình. Thể theo nguyện vọng của nhân dân, bắt đầu từ năm 2012, định kỳ 5 năm làng tổ chức đại lễ một lần và hằng năm tổ chức dâng hương vào ngày Giỗ tổ Hùng Vương 10/3.

Ông Lê Xuân Tám - Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa Nam Đàn cho biết: Một trong những phong trào mà huyện hết sức quan tâm trong thời gian qua, đó là “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Trong đó tập trung xây dựng các thiết chế văn hoá, thông tin, thể thao nhằm đáp ứng nhu cầu tổ chức các hoạt động VHTT-TT cho người dân trên địa bàn. Từ chỉ có 114 nhà văn hóa xóm (hội quán) kiểu dáng cũ, quy mô chưa đạt chuẩn (vào năm 2001), đến năm 2012, toàn huyện đã có 330 nhà văn hóa xóm, khối; 12 xã, thị có thiết chế VHTT-TT đạt chuẩn quốc gia; 90 CLB hoạt động thường xuyên, trong đó hơn 1/2 là các CLB văn nghệ quần chúng, CLB dân ca phường vải. Nhờ sự hoạt động tích cực của các CLB này mà các buổi họp xóm, lễ, tết có nhiều chương trình văn nghệ phong phú, hấp dẫn hơn. Tuy chỉ là những tiết mục “cây nhà lá vườn”, nhưng thực sự đã đem lại sức sống mới cho văn hóa cơ sở.



Đình làng Quang Thái.

Để từng bước đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân, nhiều di tích lịch sử văn hoá trên địa bàn được tu bổ, tôn tạo từ nguồn kinh phí do dân đóng góp. Đơn cử như đình Đông Châu đã được dân làng Quang Thái, xã Nam Trung đóng góp tiền chuyển đình về nền đất cũ và tu bổ lại khang trang hơn. Nhiều xã hoàn thành hệ thống điện chiếu sáng công cộng. Tiêu biểu như xã Vân Diên hoàn thành nâng cấp tất cả các NVH xóm. Xã Nam Kim tuy điều kiện kinh tế khó khăn, song đã vận động và phát huy tốt nội lực của dân, chỉ trong thời gian ngắn, 100% NVH xóm được xây dựng đạt tiêu chuẩn. Xã Hồng Long là xã đầu tiên trong huyện khép kín lưới điện chiếu sáng công cộng. Ngoài ra còn xây dựng các đề án: Nâng cao chất lượng đời sống văn hoá, gia đình văn hoá; vệ sinh môi trường… Từ một xã có đời sống văn hoá kém phát triển, hiện nay Hồng Long vươn lên đạt loại xuất sắc trong xây dựng đời sống văn hóa.

Bên cạnh huy động nội lực trong xây dựng các công trình văn hoá, thể thao, Nam Đàn còn huy động được sức dân trong việc tổ chức các hoạt động văn hoá tinh thần. Người dân tự nguyện đóng góp kinh phí và tích cực tham gia các hoạt động văn nghệ, thể thao. Ngoài các dịp lễ, tết, một năm với 2 mùa lễ hội lớn là Lễ hội vua Mai và Lễ hội Làng Sen - kỷ niệm Ngày sinh của Bác Hồ, người dân Nam Đàn tưng bừng vào hội mà không ngại ngần về các khoản đóng góp. Những hoạt động này không chỉ góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nông dân, mà còn góp phần tạo nên nét văn minh hiện đại cho nông thôn ngày nay.


Thanh Thủy