Bài 1: Nhân lực qua đào tạo khát việc làm

06/03/2013 14:39

(Baonghean) - Mỗi năm Nghệ An có hàng chục ngàn sinh viên tốt nghiệp Đại học, Cao đẳng, nhưng trong số đó rất ít người tìm được việc làm. Niềm mong mỏi tìm được công việc ổn định… đối với nhiều em ngày càng trở nên xa vời…

Tốt nghiệp đại học, về… làm ruộng


Lên Tân Kỳ công tác, tôi được em Trương Thị Vân (sinh năm 1984), người dân tộc Thổ ở xóm Vĩnh Thành, xã Đồng Văn kể cho nghe hoàn cảnh buồn của mình: “Em là sinh viên khóa 45 Khoa Lịch sử Đại học Vinh, tốt nghiệp năm 2008 với bằng loại khá. Gia đình em là hộ nghèo, những mong ra trường có được tương lai tươi sáng hơn. Nhưng nay ra trường gần 5 năm rồi em vẫn chưa tìm được việc. Em đã đến nộp hồ sơ ở Phòng Giáo dục huyện Tân Kỳ. Qua người quen, gia đình vay mượn cho em được 20 triệu đồng gửi cho một người công tác ở huyện. Một năm sau, em hỏi họ trả lại tiền và trả lời là không được.

Thất vọng, em nộp hồ sơ lên huyện Tương Dương, Con Cuông, và được người quen bày cho em nộp 40 triệu đồng để “chạy”. Gia đình mừng rỡ, vay ngân hàng chính sách 10 triệu đồng, vay ngân hàng nông nghiệp 10 triệu đồng, vay anh em làng xóm để “nhờ” một người quen ở huyện Tương Dương. Em lại chờ thêm hai năm nữa, nhưng mãi không được. Nóng ruột, hàng tháng gia đình lại phải trả lãi cho ngân hàng, trả lãi cho hàng xóm, em phải lên Tương Dương đòi lại tiền. Em đi 3 lần mới đòi lại đủ. Em nộp hồ sơ xin vào làm việc ở xã Đồng Văn, hi vọng làm văn thư, tạp vụ gì đó cũng được nhưng xã đã đủ người, không có nhu cầu. Đến năm thứ 4, buồn chán và tắt tia hi vọng, em đành lấy chồng, chồng em học trung cấp nông lâm ra nhưng cũng không có việc.



Những kỹ sư trẻ công tác ở Phòng hóa nghiệm - Nhà máy đường Sông Con - Tân Kỳ.

Ở xã vùng cao Đồng Văn, không chỉ có em Vân tốt nghiệp đại học phải chịu cảnh “thất nghiệp”, mà còn nhiều em nữa như Lê Thị Thủy (Vĩnh Thành) học khoa Chính trị Đại học Vinh, Ngô Thị Nguyệt xóm Tân Đông tốt nghiệp Đại học Huế.. cũng chưa tìm được việc, còn tốt nghiệp cao đẳng thì rất nhiều. Chủ tịch xã Đồng Văn - ông Phạm Công Lý cho biết: Sau nhiều năm nỗ lực nâng cao chất lượng dạy và học, hiện nay mỗi năm Đồng Văn có hơn 40 em tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng. Nhưng tìm được việc làm chỉ đếm được trên đầu ngón tay.

Còn em Nguyễn Thị Hồng Sâm ở Nghi Lộc thi đỗ vào Đại học Nông nghiệp 1 Hà Nội. Cả xóm ai cũng mừng cho em, hi vọng ra trường sẽ trở thành một kỹ sư nông nghiệp. Tốt nghiệp loại khá, bằng chính quy nhưng cả năm nay em không tìm được việc làm tại quê nhà. Thế là em lại tất tả ra Hà Nội, xin bán hàng cho siêu thị kiếm thêm thu nhập trả nợ ngân hàng và giúp đỡ gia đình.

Còn Thu Tâm ở xóm 14 Nghi Phú – TP Vinh cũng là một sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Học giỏi, em đã đỗ vào Trường Đại học Thương mại Hà Nội. Thế nhưng, tốt nghiệp ra trường hơn một năm nay, em đi khắp nơi trong tỉnh vẫn không tìm được việc làm đúng chuyên ngành.

Tình trạng sinh viên tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng nhưng không tìm được việc làm đang trở nên phổ biến. Nhiều gia đình quyết tâm “chạy” cho con, mất không ít tiền cho “cò” nhưng con vẫn không có việc.

Tràn lan các trường đại học, cao đẳng

Nếu năm 2007, Việt Nam có 311 trường đại học và cao đẳng, năm 2009, có 376 trường đại học, cao đẳng, thì đến năm 2012, con số đó là trên 400 trường. Dự kiến năm 2020, Việt Nam sẽ có tới 467 trường đại học, cao đẳng (theo Phê duyệt quy hoạch mạng lưới các trường đại học và cao đẳng từ 2006 - 2020 của Thủ tướng Chính phủ). Mỗi năm, có hàng chục trường đại học, cao đẳng ra đời. Các doanh nghiệp, các bộ, ngành, địa phương đều có trường. Theo một điều tra xã hội học ở 3 trường ĐH trọng điểm của quốc gia năm 2012 thì có tới 46,5% sinh viên tốt nghiệp ra trường không tìm được việc làm. Ở Nghệ An, một trung tâm đào tạo nhân lực của vùng Bắc Trung bộ, hiện có 10 trường ĐH và CĐ (4 trường ĐH và 6 trường CĐ). Năm 2013, có 12.191 sinh viên của Nghệ An tốt nghiệp từ các trường trung cấp chuyên nghiệp trở lên nhưng chưa tìm được việc làm, trong đó có 1 thạc sỹ, 3.047 đại học, 4.042 cao đẳng. Báo cáo số 40/SGDĐT Nghệ An ngày 7/1/2013 của Sở GD-ĐT cho thấy nhiều con số đáng suy nghĩ: Hiện còn hơn 7.000 sinh viên ra trường chưa tìm được việc làm. Nhiều địa phương ứ đọng nguồn nhân lực qua đào tạo: TP Vinh: 489 sinh viên tốt nghiệp ĐH, 464 CĐ, 506 trung cấp chưa tìm được việc; Thanh Chương 507 CĐ, 401 ĐH, 502 trung cấp; Tân Kỳ 314 ĐH, 387 CĐ; Nghi Lộc 402 ĐH, 417 CĐ, Yên Thành 188 ĐH, 253 CĐ…



Người dân vay vốn tín dụng sinh viên cho con em đi học ĐH ở NHCS Nghi Lộc.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hà - Trưởng phòng giáo dục chuyên nghiệp Sở GD-ĐT thì Nhà nước đang đẩy mạnh giáo dục theo nhu cầu xã hội nên con số đào tạo ở các trường hiện nay là bình thường. Tuy nhiên, theo nhiều ý kiến thì “nhu cầu xã hội” đã được hiểu là nhu cầu của người học chứ không phải xã hội cần.

Thông tin từ Sở Nội vụ cho biết, năm 2012 thi công chức chỉ có 120 chỉ tiêu, nhưng đến thời điểm này đã nhận được 1.856 hồ sơ. Hằng trăm cử nhân, kỹ sư bằng đỏ cũng đang có nguy cơ thất nghiệp.

Kinh tế suy thoái, khó khăn, nhiều doanh nghiệp đóng cửa, trong khi đó khối hành chính sự nghiệp gần như “đóng băng”, khiến cánh cửa vào đời như mong ước của nhiều sinh viên bị đóng chặt. Trong khi đó, có thể thấy các trường đại học, cao đẳng vẫn không ngừng mở rộng quy mô trường lớp, quy mô đào tạo, làm sao để chiêu sinh được nhiều học sinh vào học mà không quan tâm sinh viên của họ đi đâu, về đâu, làm gì sau khi tốt nghiệp!


Châu Lan