Bài cuối: Cần sự quan tâm của gia đình, nhà trường và xã hội

13/04/2013 18:14

(Baonghean.vn) - Nguyên nhân sâu xa dẫn đến tình trạng nạo phá thai ở tuổi vị thành niên phần lớn là do thiếu sự quan tâm của gia đình, nhà trường. Trong khi các em chưa có nhiều kiến thức về giới tính, SKSS, các phụ huynh còn khá dè dặt trong việc trao đổi với con em mình về sức khỏe sinh sản, về phía nhà trường thì “bí” phương pháp...-->> Bài 2: Hậu quả khôn lường

> Bài 2: Hậu quả khôn lường

Hiện nay, do lối sống dễ dãi, không làm chủ bản thân của lớp trẻ, sự dậy thì sớm do điều kiện sống được cải thiện cùng với quan điểm “thoáng” về tình dục là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn tới tỷ lệ nạo phá thai ở tuổi vị thành niên tăng cao. Trong khi đó, vấn đề giáo dục giới tính chưa được các bậc cha mẹ, nhà trường và xã hội quan tâm đúng mức. Không ít các bậc phụ huynh cho rằng việc giáo dục giới tính, tình dục chẳng khác nào “vẽ đường cho hươu chạy”, còn các thầy, cô giáo thì cho rằng đó là vấn đề tế nhị, riêng tư, không nghiêm túc, rất khó trình bày trên bục giảng.

Bên cạnh đó, các em quan hệ tình dục khi chưa có những hiểu biết đầy đủ về bản thân, về sức khỏe sinh sản và các biện pháp phòng tránh thai. Qua một khảo sát về kiến thức, thái độ và nhu cầu chăm sóc sức khỏe sinh sản trên 300 học sinh THCS và THPT trên địa bàn TP Vinh năm 2011 của hai tác giả Hoàng Thị Thu và Nguyễn Tuấn Anh (bác sỹ Trung tâm CSSKSS Nghệ An) cho thấy sự hiểu biết về các biện pháp tránh thai của các em còn quá thấp, các em chưa nhận thức được tác hại của nạo phá thai, có 40% học sinh cho rằng nạo phá thai không ảnh hưởng đến sức khỏe.

Trong dịp tháng 3/2013, tại Trường THPT Đô Lương 3 đã có buổi truyền thông vì sức khỏe sinh sản vị thành niên cho học sinh nhà trường. Học sinh được trao đổi cởi mở các thông tin về sức khỏe giới tính và sức khỏe sinh sản. Khi hỏi đến tác hại của việc nạo hút thai và việc quan hệ tình dục ở lứa tuổi vị thành niên, các em tỏ ra khá hiểu biết. Em Trần Thị H. cho biết: “Quan hệ tình dục ở lứa tuổi vị thành niên và để xảy ra có thai ngoài ý muốn là hết sức nguy hiểm, vì tuổi này tất cả các bạn học sinh đều chưa thể lập gia đình và sinh con, và nếu có thai thì việc nạo hút thai có thể dẫn đến vô sinh có thể nguy hiểm đến tính mạng”. Thế nhưng khi hỏi về các cách phòng tránh thai thì tất cả học sinh đều cười ồ và không ai chịu trả lời.

Khi có dịp tiếp xúc với các em, một em học sinh nam cho biết: “thông thường ở lứa tuổi chúng em nếu có quan hệ tình dục thì thường chẳng sử dụng biện pháp gì vì tình huống xảy ra không có điều kiện để sử dụng biện pháp an toàn”. Một bạn nam khác lại cho rằng: “Nếu bạn nữ nào lỡ quan hệ tình dục hoặc đã xem quan hệ tình dục là việc tất yếu của tình cảm nam nữ thì phải uống thuốc, chứ nam giới thường không thể chủ động phòng tránh thai được”. Như vậy, việc hiểu biết của các bạn sau khi được tập huấn truyền thông sức khỏe sinh sản vẫn chỉ là một chiều và hầu hết đều cho rằng việc phòng tránh thai phải do phái nữ chủ động.

Trao đổi về vấn đề này bác sỹ CK2 - Nguyễn Bá Tân – Giám đốc Trung tâm CSSKSS tỉnh Nghệ An cho biết: “Cần phải tuyên truyền cho các em biết cách để phòng tránh thai, nếu các bạn trẻ mù thông tin thì tác hại sau bao giờ cũng lớn hơn tác hại trước. Vì vậy, bên cạnh nhà trường thì gia đình phải là nơi định hướng thông tin và là nơi để các em chia sẻ. Hơn nữa việc phòng tránh thai không nên chỉ tập huấn cho trẻ em nữ. Thực tế trẻ em nữ là đối tượng phải gánh chịu hậu quả nặng nề nhưng trẻ em nam phải biết được cách bảo vệ cho bạn gái mình. Điều đó chính là đạo đức mà gia đình là nơi phải giáo dục cho trẻ em nam".

Cô Lê Thị Hồng Lâm – Phó Hiệu trưởng trường THPT Huỳnh Thúc Kháng chia sẻ: Lâu nay, nhà trường vẫn lồng ghép vấn đề giáo dục giới tính cho các em vào môn sinh học, giáo dục công dân theo chương trình của Bộ GD&ĐT và tổ chức một số buổi nói chuyện ngoại khóa tuy nhiên chưa thực sự đi sâu vào vấn đề chăm sóc sức khỏe sinh sản. Môn sinh học ở trường lại do thầy giáo giảng dạy cho cả lớp (bao gồm cả nam và nữ) nên có thắc mắc gì về giới tính, tuổi dậy thì, sức khỏe sinh sản, các biện pháp phòng tránh thai các em nữ đều không dám hỏi.

Để hạn chế tình trạng nạo phá thai trẻ vị thành niên gia tăng, bác sỹ Hoàng Thị ThuTrung tâm CSSKSS Nghệ An cho biết:



Bác sỹ Hoàng Thị Thu

Tỉnh cần quan tâm hơn nữa vấn đề chăm sóc sức khỏe sinh sản cho các em tuổi vị thành niên ở các trường học. Đặc biệt là sự kết hợp chặt chẽ giữa Đoàn thanh niên với các thầy cô giáo và các bậc phụ huynh trong tư vấn chăm sóc SKSS. Bên cạnh đó, mở rộng các lớp tư vấn, chăm sóc SKSS vị thành niên lồng ghép với các buổi tư vấn, nói chuyện về tác hại của nạo phá thai, các biện pháp phòng tránh thai. Tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng như loa truyền thanh, báo, đài một cách sâu rộng để tác động vào nhận thức của các em.

Lê Thị Hồng Lâm – Phó Hiệu trưởng trường THPT Huỳnh Thúc Kháng: Các cấp, các ngành cần quan tâm một cách cụ thể về công tác CSSKSS như:



Cô Lê Thị Hồng Lâm

Cần dành riêng quỹ thời gian, kinh phí, có lịch tư vấn, nói chuyện thường xuyên và tách CSSKSS ra thành một bộ môn riêng chứ không nên lồng ghép vào các môn học như hiện nay. Bên cạnh đó, các buổi tư vấn, nói chuyện về chăm sóc SKSS cần phải tách riêng thành hai nhóm nam và nữ, do thầy, cô giáo giảng dạy riêng biệt để các em mạnh dạn trao đổi. Đồng thời, cần có sự gắn kết giữa nhà trường, gia đình và các cơ sở y tế trong việc tư vấn về chăm sóc SKSS cho các em.

Ông Trần Đình Minh – Trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh trường THPT Huỳnh Thúc Kháng:



Ông Trần Đình Minh

Các bậc phụ huynh nên quan tâm, gần gũi với con như những người bạn, hiểu rõ tâm tư tình cảm cũng như nhận biết về các giai đoạn thay đổi ở lứa tuổi dậy thì để các cháu có thể chia sẻ những chuyện riêng tư với bố mẹ. Cần kín đáo theo dõi lịch học ở trường cũng như lịch học thêm của con mà không để các cháu biết. Bên cạnh đó, không nên để các cháu quá đầy đủ về vật chất và các phương tiện sinh hoạt trong đời sống hàng ngày.


Thanh Nga - Võ Huyền