Bài cuối: Xuân Quận công Nguyễn Nghiễm và bài thơ đề Quan Thánh miếu

29/03/2013 18:39

Sau khi cử Bùi Thế Đạt ở lại giữ Phú Xuân, các tướng Trịnh tiếp tục tiến quân vào Quảng Nam, đuổi theo chúa Nguyễn, buộc chúa Nguyễn lại phải tháo chạy vào Gia Định. Mảnh đất Quảng Nam trở thành chiến trường giữa quân Trịnh và Tây Sơn. Quân đội hai bên giao tranh quyết liệt từ làng Cẩm Sa đến phố Hội An. Cuối cùng, quân Tây Sơn thua trận, phải rút chạy về Quy Nhơn. Quân Trịnh tiếp tục làm chủ đất Quảng Nam.

(Baonghean) - Sau khi cử Bùi Thế Đạt ở lại giữ Phú Xuân, các tướng Trịnh tiếp tục tiến quân vào Quảng Nam, đuổi theo chúa Nguyễn, buộc chúa Nguyễn lại phải tháo chạy vào Gia Định. Mảnh đất Quảng Nam trở thành chiến trường giữa quân Trịnh và Tây Sơn. Quân đội hai bên giao tranh quyết liệt từ làng Cẩm Sa đến phố Hội An. Cuối cùng, quân Tây Sơn thua trận, phải rút chạy về Quy Nhơn. Quân Trịnh tiếp tục làm chủ đất Quảng Nam.

Khi thắng trận và đóng quân trên đất Quảng Nam, quân Trịnh có nhiều vị tướng nổi danh về văn học, trong đó có Xuân Quận công Nguyễn Nghiễm (1708 - 1775), vốn là quan Tể tướng đầu triều, văn võ song toàn. Ông quê Tiên Điền, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh), làm quan trải qua nhiều chức vụ quan trọng trong Triều đình như Tế Tửu Quốc tử giám, Hàn Lâm viện Thừa chỉ, và đã nhiều lần cầm quân trong trong các cuộc đánh dẹp nông dân khởi nghĩa, ổn định Bắc Hà. Ông còn là một nhà văn với nhiều tác phẩm nổi tiếng, là nhà sử học với nhiều lời bàn trong Đại Việt sử ký bản kỷ tục biên. Đặc biệt, ông là thân sinh Đại Thi hào Nguyễn Du.

Trong một lần đi thăm phố Hội An, đến miếu thờ Quan Công, đứng trước ngôi miếu thờ vị võ tướng nổi tiếng thuở nào, lòng Nguyễn Nghiễm không khỏi bồi hồi xúc động. Trong giây phút trào dâng cảm xúc, ông đã cảm tác đề thơ như bày tỏ lòng mình trước Đức Thánh Quan Công, qua đó giãi bày ý nghĩa sâu xa về cuộc hành quân Nam tiến của ông: Một lòng phù Lê, xóa bỏ thế “chân vạc” giữa Trịnh - Nguyễn - Tây Sơn, giống như Quan Vũ khi xưa một lòng phò Hán, muốn xóa bỏ đi cái thế phân tranh Ngô - Ngụy - Thục.



Các bài thơ của Xuân Quận công và 2 tùy tướng tại Quan Thánh miếu Hội An.

Ngày nay, khi đến thăm miếu Quan Thánh tại phố cổ Hội An, chắc ai cũng đều nhìn thấy 3 tấm biển gỗ được treo ở một vị trí trang trọng trước mặt tiền chính điện. Đó chính là 2 bài thơ của Xuân Quận công cảm tác năm nào, cùng với 2 bài thơ họa của Đông các Đại học sĩ Uông Sĩ Dư và Hàn lâm viện Thị giảng Nguyễn Lệnh Tân. Trải qua bao thăng trầm, biến cố của lịch sử nhưng tất cả đều vẹn nguyên tươi màu nét chữ. Xin được tạm dịch 1 bài thơ:

Đem quân đến phố Hội An, đề ở miếu Quan Phu tử
Vạc Hán lung lay khảng khái thân,
Vườn Đào huynh đệ nghĩa quân thần,
Tấc lòng trung nghĩa, thầy muôn thuở,
Chẳng kể anh hùng, thắng vạn nhân,
Lòng hướng Cao, Quang mong nhất thống,
Mắt trông Ngô, Ngụy chẳng phân tranh,
Đến nay muôn nước đều thờ phụng,
Vĩ đại uy nghiêm bậc thượng Thần!

Những bài thơ đề của Xuân Quận công cùng các tướng không chỉ là một tác phẩm văn học bình thường, trong bối cảnh lúc bấy giờ nó còn mang một ý nghĩa to lớn về chính trị và văn hóa. Khi quân Trịnh giao chiến quyết liệt với quân Tây Sơn tại Cẩm Sa và Hội An, chắc chắn phải làm tổn hại đến mọi cảnh quan ở đó. Hay khi chiếm được đất, ắt sẽ cho phá hủy hết các công trình của “giặc”. Tuy nhiên, sau cuộc giao tranh, các công trình văn hóa trên địa bàn phố Hội An đều được nguyên vẹn. Sự có mặt của vị tướng đầu triều cũng như những bài thơ đề tại miếu Quan Công đã cho ta thấy được điều đó. Xuân Quận công là vị tướng kiêm tài văn võ, ngoài kính phục những nhân vật lịch sử như Quan Công thì hành động thăm miếu đề thơ của ông không chỉ là sự trân trọng những giá trị lịch sử văn hóa của mảnh đất Hội An nói riêng và xứ Đàng Trong nói chung, mà còn thể hiện tính nhân văn cao cả. Hội An là mảnh đất có nhiều người Hoa kiều làm ăn và sinh sống, chịu nhiều ân sủng của chính quyền chúa Nguyễn. Việc đội quân Lê Trịnh chiếm đóng tại vùng đất này được xem như một hành động xâm lược. Do đó, quân đội Lê Trịnh phải đối đầu không chỉ với quân đội chúa Nguyễn mà còn phải đụng độ với những kiều dân nơi đây. Trên mảnh đất được xem như quê hương thứ 2 của người Hoa, khi bị chiếm đóng chắc chắn kiều dân sẽ không chịu quản thúc và đứng lên chống cự quyết liệt. Chính vì vậy, việc vỗ về người dân nơi đây là vô cùng quan trọng. Sự kiện viếng thăm miếu và đề thơ ca ngợi Quan Thánh, đã cho người Hoa thấy được sự trân trọng những giá trị văn hóa họ đã gây dựng trên mảnh đất Hội An. Chính hành động đó, đã cảm hóa được người Hoa, không những làm mất đi ấn tượng uy vũ của quân đội Lê Trịnh mà còn giữ gìn cho đất nước và dân tộc một Hội An với nhiều di sản vô cùng quý báu!

Ngày nay, khi đến thăm Cố đô Huế cũng như phố cổ Hội An, chúng ta đều thấy những hình ảnh và dấu ấn của hai nhân vật xứ Nghệ năm nào vẫn còn hiển hiện trên mảnh đất miền Trung ruột thịt. Trải qua gần 250 năm, bãi đúc tiền nay đã quen thuộc với cây cầu Trường Tiền bắc qua dòng sông Hương thơ mộng, còn bút tích của Xuân Quận công vẫn được đặt ở một nơi trang trọng nhất trên ngôi miếu cổ thiêng liêng tại Hội An sớm chiều hương khói. Điều đó, càng làm cho chúng ta tự hào về những đóng góp của những danh nhân quê nhà trong dòng chảy văn hóa của dân tộc...


Trần Tử Quang (Thư viện tỉnh Nghệ An)