Vỡ nợ vì nuôi chồn

04/05/2013 16:43

Về xã Trù Sơn, huyện Đô Lương trong những ngày gần đây, chúng tôi không khỏi đắng lòng trước hoàn cảnh của người nông dân. Nhiều gia đình tham gia mô hình nuôi chồn nhung đen Đoàn Việt Châu như đang ngồi trên đống lửa. Chồn đã quá lứa xuất hơn 4 tháng nay mà không thấy ông Châu cho người về thu mua.

(Baonghean) - Về xã Trù Sơn, huyện Đô Lương trong những ngày gần đây, chúng tôi không khỏi đắng lòng trước hoàn cảnh của người nông dân. Nhiều gia đình tham gia mô hình nuôi chồn nhung đen Đoàn Việt Châu như đang ngồi trên đống lửa. Chồn đã quá lứa xuất hơn 4 tháng nay mà không thấy ông Châu cho người về thu mua.

Theo giới thiệu của người dân địa phương, chúng tôi tìm đến nhà anh Phan Văn Hòa ở xóm 12, hộ nuôi chồn nhiều nhất xã. Anh Hòa đang dỡ rơm xuống để bán. Khi chúng tôi hỏi về việc nuôi chồn, anh đưa tay lau những giọt mồ hôi lăn dài trên má rồi nói: “Tưởng là giàu lên nhờ chồn, hóa ra lại phá sản vì chồn rồi chị ơi. Bán trâu để mua chồn. Giờ không có trâu thì bán luôn cả rơm”. Anh vào nhà lấy toàn bộ băng đĩa giới thiệu về công ty, tài liệu hướng dẫn nuôi chồn và hợp đồng ký kết cho chúng tôi xem rồi nói tiếp: “Ông Chới (ông Nguyễn Văn Chới – người đại diện mô hình khu vực miền Trung) là chỗ quen biết, ai ngờ… Mà xem ti vi, trong chương trình “Nhà nông làm giàu” người ta cũng khen việc chăn nuôi này nên tui không ngần ngại bán trâu, vay vốn ngân hàng để đầu tư”. Anh Hòa đăng ký mua 20 cặp chồn giống, giá mỗi cặp 4 triệu đồng, tổng cộng là 80 triệu đồng. Vì là “chỗ quen biết” nên anh mới chỉ trả trước 50 triệu đồng, còn lại 30 triệu đồng sẽ trừ dần khi bán chồn con.

Theo hợp đồng, ông Châu sẽ thu mua chồn con từ 4,6 – 4,7 lượng với giá 1 triệu đồng/con. Chồn đẻ lứa nào, được bao nhiêu con hoặc chết mấy con cũng phải báo với người đại diện để quản lý số lượng. Hộ nào bán chồn con ra ngoài thị trường sẽ bị chấm dứt hợp đồng. Nhận thấy nuôi chồn không quá vất vả, chồn sinh sản rất nhanh, mỗi năm chồn mẹ có thể đẻ được 4 đến 5 lứa, mỗi lứa có khi đến 6 – 7 con, tính ra thì chưa đầy 1 năm là đủ tiền vốn. Chồn nhung đen đã trở thành niềm hy vọng đổi đời của nhiều hộ dân nghèo.



Mô hình nuôi chồn nhung đen từng là giấc mơ làm giàu của anh Hòa.



Hợp đồng chăn nuôi nhiều mập mờ, chỉ ký tên mà không đóng dấu.

Nhờ chăm chỉ, siêng năng, chịu khó học hỏi, anh Hòa nắm vững kỹ thuật nên đàn chồn phát triển khỏe mạnh. Trước Tết gia đình anh xuất được 2 lứa chồn, trừ cước phí vận chuyển còn thu về 19 triệu đồng. Từ đó đến nay, đã hơn 4 tháng, anh không bán được một con chồn nào nữa. Như vậy, gia đình anh đang lỗ 31 triệu đồng. Hiện tại gia đình anh đang có khoảng 150 con chồn thương phẩm nhưng gọi điện cho ông Châu theo số máy thường xuyên liên lạc thì không có tín hiệu gì. Bán ra thị trường cũng chỉ được 150 - 200 ngàn đồng/con, vậy thì lỗ to. Hai sào đất vườn lâu nay không trồng thêm được cây gì ngoài cỏ sữa để nuôi chồn. Thu nhập của gia đình nay chỉ trông vào 4 sào ruộng khoán. Nhưng làm ruộng lại không có trâu cày kéo. Kinh tế gia đình rơi vào bế tắc trầm trọng. Vợ anh khóc lóc, chán nản, đang dự định đi giúp việc ở trong Sài Gòn. Chị nói mà đôi mắt ngấn nước: “Đi làm ô-sin còn được tháng vài ba triệu bạc chứ ở nhà thì chết đói mất, nợ nần chồng chất, tiền ăn học của con cái, tiền lãi ngân hàng xoay đến chóng mặt”.

Không đến mức “chóng mặt” vì chồn, nhưng ông Nguyễn Hữu Bá ở xóm 7 (xã Trù Sơn, Đô Lương) cũng đang dở khóc dở cười. Chồn nuôi 5 tháng rồi mà chưa bán được con nào. Tiền mua cám ngô và công sức sớm hôm chăm sóc mấy lâu cũng thành công cốc. Ông Bá và 4 hộ khác trong xã là anh em, họ hàng với ông Nguyễn Văn Chới nên được hỗ trợ tiền chồn giống. Ông Bá nhận nuôi 5 cặp chồn giống mà chưa phải nộp đồng tiền nào, đợi đến lúc bán chồn con sẽ trả dần. Bao nhiêu háo hức, hy vọng giờ đã tan tành, thay vào đó là cái lắc đầu ngao ngán, chán nản khi chúng tôi hỏi đến đàn chồn.

Hiện nay, trên địa bàn xã Trù Sơn có 8 hộ tham gia “Mô hình nuôi chồn nhung đen Đoàn Việt Châu”. Tuy nhiên, mô hình này không nằm trong chủ trương phát triển kinh tế xã hội của địa phương mà chỉ là trên cơ sở mối quan hệ quen biết giữa các hộ dân với chủ “dự án” rồi ký kết hợp đồng. Sau khi báo chí vạch trần thủ đoạn kinh doanh đa cấp, biết là “bị lừa” rồi nhưng người nuôi chồn vẫn chờ đợi và hy vọng sẽ thu lại tiền vốn. Họ chờ mãi vẫn bặt vô âm tín.

Theo lời kể của anh Hòa, anh đã gọi điện cho ông Chới nhưng chỉ nhận được câu trả lời tỉnh bơ: “Tìm ông Châu mà hỏi”. Anh Hòa bắt xe xuống Thành phố Vinh, tìm gặp ông Nguyễn Văn Chới ở số nhà 58, đường Đinh Văn Chất, phường Đông Vĩnh, nhờ ông Chới giúp anh liên lạc với ông Châu để nói chuyện. Ngày 2/4 vừa qua, anh Hòa cùng 2 hộ nuôi chồn khác là Đặng Văn Toàn và Nguyễn Thi Xuân ra Hà Nội theo lời hẹn của ông Châu. Anh Hòa nói thêm: “Ra đó mới biết nhiều người ở tận trong Nam ngoài Bắc cũng bị lừa, thậm chí có cả cán bộ, công nhân viên chức chứ đâu chỉ có nông dân. Với họ, dăm chục triệu đồng là bình thường, nhưng với nông dân thì cả gia sản rồi đó”.

Ông Đoàn Việt Châu trình bày lý do không về thu mua chồn đúng thời hạn là do tác động khủng hoảng kinh tế toàn cầu và trong nước nên công việc làm ăn của ông cũng gặp một số trắc trở. Ông Châu hứa sẽ thu mua hết số chồn đang có trong dân với giá 500 nghìn đồng/con (bằng một nửa giá ghi trong hợp đồng), coi như là giúp nhau trong thời kỳ khó khăn. Hầu hết những người đến đây đều đồng ý với giải pháp đó, bởi họ chỉ cần lấy lại tiền vốn chứ không còn mặn mà với con chồn nữa. Anh Hòa còn trình bày hoàn cảnh nghèo khó, bán trâu để mua chồn, nay mùa màng sắp đến, không có trâu cày kéo, xin ông Châu cho ứng trước 20 triệu đồng để mua trâu. Ông Châu đồng ý và hứa tuần sau sẽ gửi tiền về, vì hiện giờ chưa có tiền mặt. Thế nhưng, kể từ ngày gặp ông Châu đến nay cũng gần một tháng trời mà không thấy ông Châu gửi tiền về, cũng không có ai đến thu mua chồn cả. Giấc mơ làm giàu nay đã tan theo mây khói.

Trước khi chia tay, anh Hòa còn quả quyết rằng: “Đợi một thời gian nữa ông Châu không trả lại tiền vốn, chúng tôi sẽ viết đơn kiện!”. Nhưng biết còn phải đợi đến bao giờ?


Bài, ảnh: Nguyễn Lê