Thắm màu sắc áo người Mông

05/08/2013 19:11

Trò chuyện với anh Mùa Bá Bì ở bản Vàng Lứ (xã Tây Sơn-Kỳ Sơn), nghe kể những câu chuyện xung quanh bộ trang phục truyền thống của người Mông, mới biết, bao hấp dẫn sau những sắc màu rực rỡ đó. Vậy là tự nhủ phải làm một chuyến ngược đường, tìm hiểu nét văn hóa riêng biệt của người Mông Nghệ An.

(Baonghean) - Trò chuyện với anh Mùa Bá Bì ở bản Vàng Lứ (xã Tây Sơn-Kỳ Sơn), nghe kể những câu chuyện xung quanh bộ trang phục truyền thống của người Mông, mới biết, bao hấp dẫn sau những sắc màu rực rỡ đó. Vậy là tự nhủ phải làm một chuyến ngược đường, tìm hiểu nét văn hóa riêng biệt của người Mông Nghệ An.

Cùng với tiếng nói, trang phục là một trong những đặc điểm tạo nét riêng của một tộc người. Trang phục của người Mông cũng không ngoại lệ, đã phản ánh cội nguồn lịch sử từ bao đời nay của tộc người này. Ở Nghệ An có Mông trắng (Mông lềnh) và Mông hoa (Mông đơ).

Song về trang phục tương đối thống nhất. Ngày nay do có sự giao thoa, trao đổi văn hóa với các dân tộc khác nên trang phục người Mông ít nhiều có thay đổi. Các loại trang phục truyền thống, đặc biệt của nam giới hiện nay ít được sử dụng rộng rãi. Tuy nhiên, vẫn có những nơi như bản Vàng Lứ (xã Tây Sơn-Kỳ Sơn) vẫn thường xuyên có 1/3 dân bản mặc đồ truyền thống. Lên xã Tây Sơn, gặp ông Mùa Xia Mảy, đã hơn 60 tuổi, mặc bộ quần áo truyền thống của người Mông lềnh với đặc trưng chiếc quần cả ống và đũng đều rộng trên đường đi rẫy về. Ông kể: “Dân bản Vàng Lứ ta vẫn giữ đồ truyền thống đầy đủ cả. Khi ngày mừng năm mới, hay có đám cưới là mọi người lại mặc hết mà, bọn con trai, con gái mặc đồ đẹp ra đứng ném còn cho nhau, vui lắm vớ”.



Thiếu nữ Mông bản Phá Lõm, xã Tam Hợp (Tương Dương) trong ngày hội ném còn. Ảnh: Công Kiên

Bộ quần áo của đàn ông trong các ngành Mông cơ bản giống nhau. Tuy nhiên, họ thường đội thêm chiếc khăn len hoặc mũ bằng vải dạ. Điều dễ phân biệt đối với đồ nam giới chính là chiếc quần (lú trì) được may bằng vải màu đen. Có thể là vải lanh hay vải bông do đồng bào tự trồng và dệt may nên, sau đó được nhuộm màu chàm hoặc đen. Đũng quần thường rất rộng và xòe to.

Còn chiếc áo thường mặc hàng ngày, được may ngắn đến thắt lưng, không có cổ dựng mà để tròn may đằn thành nhiều lớp cho cứng. Chiếc áo này có 3 túi, 2 vạt trước vắt đè lên nhau và có hàng cúc vải cài bên nách. Còn chiếc áo “đẹp” dùng trong ngày lễ hội, tết nhất thì được may thành 2 lớp, dài hơn, bên trong là lớp vải thô, bên ngoài là lớp vải tốt đẹp. Ông Mùa Xia Mảy kể rằng, trước đây người đàn ông Mông thường đi dép cỏ hay dép quai dọc qua ngón. Đến bây giờ, do cuộc sống thay đổi nhiều nên người Mông cũng đi dép như người dân tộc khác và có thể đi giày vải. Lớp thanh niên cũng “diện” giày da đen bóng như ai.

Bộ trang phục người đàn ông Mông thường đơn giản, ngược hẳn với sự cầu kỳ, sặc sỡ “muôn hồng nghìn tía” của bộ trang phục dành cho đàn bà, con gái. Trong những dịp lễ tết, hội hè nếu có dịp vào bản Mông chơi, ai cũng phải choáng mắt trước đủ loại màu sắc rực rỡ với chi chít đường nét thêu thùa tinh xảo cùng những bộ xà tích, vòng, dây bằng bạc trắng. Ở Tây Sơn vẫn còn mấy người như bà Và Y Cở, Mùa Y Hoa... là những “bàn tay tài hoa” trong chuyện thêu thùa. Họ thường được cả cộng đồng đề cao, tôn trọng.

Nghề thêu đã tồn tại một cách bắt buộc trong cộng đồng và được truyền đi âm ỉ và bền vững suốt nhiều đời nay. Mỗi người con gái trước khi đi làm dâu sẽ được mẹ truyền lại những bí quyết thêu, dệt và tặng một bộ váy, áo coi như là của hồi môn. Vì quý như vậy, nên bộ váy áo của họ thường có giá trị rất lớn và được dùng qua rất nhiều năm trong đời người phụ nữ Mông. Theo chị Mùa Y Hoa ở bản Vàng Lứ thì chỉ cần 3 bộ váy áo là đổi được một con bò giống tốt (nghĩa là khoảng 6 - 7 triệu đồng một bộ trang phục).

Kỹ thuật ghép vải để tạo hoa văn của người Mông khá hấp dẫn. Những khoang màu khác nhau ở cổ ống tay, nẹp ngự, gấu váy đều được ghép vải tạo nên những khoảng màu ấn tượng. Còn nhớ có lần, chúng tôi lên Mường Lống (Kỳ Sơn), thấy người Mông bày bán những mảnh pản tấu (mảnh thổ cẩm đã dệt sẵn để trang trí chân váy) mới thấy hết sự cầu kỳ trong từng đường nét hoa văn. Cả một góc chợ như sáng hẳn lên bởi những dải pản tấu hết sức sặc sỡ đó.

Trang phục của người phụ nữ Mông rực rỡ như thể hiện ý nguyện hòa quyện và vượt lên sắc màu của thiên nhiên làm sao để tôn vinh và khẳng định vẻ đẹp của người con gái Mông. Đây cũng là nét tạo hình chính trên những bộ trang phục của họ.

Thường mỗi bộ trang phục gồm váy, áo, khăn và thắt lưng. Chiếc váy được may từ vải lanh hoặc vải thô để trắng hoặc nhuộm màu chàm. Phần tiếp giáp 2 vạt váy được che bằng một tấm yếm với nhiều hoa văn sặc sỡ. Người phụ nữ Mông còn dùng rất nhiều thắt lưng bằng vải quấn quanh người. Thắt lưng còn như là một giá đỡ chiếc gùi khi họ lên rẫy hoặc để địu trẻ em.

Cùng với váy và thắt lưng, mỗi người còn có thêm một chiếc áo gọi là lu sò, may bằng vải lanh cổ truyền hoặc vải lụa màu sáng, ống tay áo lu sò thường nhỏ, có thêm vải viền khác màu và thêu hoa văn ở khuỷu tay, cuối ống tay áo lại có thêm một khúc vải khác màu. Phía sau cổ có đính một miếng vải hình vuông gọi là đá sò, được thêu hoa văn tỉ mỉ, trang trí theo các tầng, các đường diềm sặc sỡ, cầu kỳ. Khăn thắt ở eo lưng cũng thường có 3 màu xanh, đỏ, vàng khác nhau. Khăn được làm bằng vải mỏng như lụa, 2 đầu có tua rủ và thêu hoa văn đẹp mắt. Trên đầu người phụ nữ Mông Nghệ An còn có thêm chiếc khăn quấn gọi là đông pụ, khăn này rất dài, có màu gụ và được quấn phức tạp thành nhiều lớp. Ở lớp ngoài và giữa được quấn thêm dải vải màu trắng.

Trẻ em trước kia không có đồ riêng, giờ đây nhờ cuộc sống tốt lên, các em ngoài quần áo đẹp, cũng cầu kỳ không kém người lớn, còn có thêm chiếc mũ bằng vải với chỏm đỏ ở bé trai, còn bé gái có mào như mào gà. Bởi người Mông quan niệm gà trống là biểu tượng của thần Cửa, chống ma ác vào nhà. Ngoài ra còn những quả bông đỏ, sợi tua nhiều màu trang trí trên mũ, cũng là tượng trưng cho cầu vồng, để ngăn thần Rắn, ngăn ma Nước...

Đi cùng bộ y phục hết sức cầu kỳ là khá nhiều loại trang sức. Trước đây, phụ nữ Mông thường đeo khuyên tai bằng bạc khá to và đẹp. Từ khi bé gái mới sinh được 3 ngày, người nhà đã cặp một vòng bạc nhỏ bám vào tai nhằm tạo lỗ trên vành tai để sau này đeo khuyên. Ngoài ra, cũng phải kể đến chiếc vòng cổ. Đây được xem là vật trang sức đẹp nhất của họ. Vòng cổ thực sự là một công trình nghệ thuật từ bàn tay tài hoa của người thợ bạc đã tỷ mẩn chạm khắc từng đường hoa văn trang trí.

Vòng bạc còn là một tài sản có giá trị khá lớn, coi như một thứ của để dành. Một vật trang sức nữa là những chiếc vòng tay cũng làm từ bạc. Hình thức vòng tay khá phong phú, đa dạng với nhiều cỡ loại khác nhau. Trên vòng thường có hoa văn, hình thù rất tinh xảo như hình con rồng hoặc chim muông, hoa lá. Một vật trang sức nữa rất quan trọng chính là dây thắt lưng cũng được chế tác từ bạc hoặc bằng sắt mạ kền rất cầu kỳ. Ngoài ra, người con gái, phụ nữ Mông khi đi xuống chợ, đi hội còn mang theo những chiếc ô hoa, ô giấy với nhiều màu sắc rực rỡ.

Còn nhớ có lần, theo lời mời của anh Sồng Bá Dênh, Bí thư Chi bộ bản Mường Lống 1 (xã Mường Lống - Kỳ Sơn), chúng tôi được tham dự một đám cưới người Mông thuần chất. Đó là ngày vui của chú rể Vừ Bá Sỹ và cô dâu Lý Khá. Cả hai đều là giáo viên trong xã, chị Lý Khá là người Mông ở xã Huồi Tụ. Vào lễ cưới, cô dâu và chú rể được bố trí ngồi ở mâm trung tâm, cao nhất; trên bàn cô dâu, chú rể có một vài món ăn và chai rượu, cùng một số chén rất nhỏ được cưa từ lóng nứa.

Cô dâu và chú rể ngồi ở đây nhận sự chúc mừng của mọi người cho đến hết buổi lễ. Mọi người dự đám cưới đều đến chúc cô dâu, chú rể những lời chúc tốt đẹp nhất cùng chén rượu nồng do chú rể rót sẵn. Mặc dầu bàn cô dâu, chú rể ngồi không có trang trí lọ hoa hoặc vật gì khác. Nhưng chính bộ trang phục rực rỡ và khuôn mặt tươi sáng, rạng rỡ của cô dâu đã làm sáng đẹp cả lễ cưới.

Có dịp lên vùng cao, bạn nhớ ghé bản Mông để được một lần ngẩn ngơ với những bộ quần áo “muôn hồng nghìn tía” đang làm sáng lên một nẻo miền biên giới thẫm xanh.


Trần Hải