Cuộc hội ngộ sau 40 năm
Sau cuộc trò chuyện với Thượng tá Nguyễn Thị Tiến, Nguyên Phó Giám đốc Bảo tàng Quân khu IV, thông tin mà bà cung cấp “Năm 2011, tại căn nhà nhỏ này đã diễn ra cuộc hội ngộ đầy cảm động giữa hai người lính không cùng chiến tuyến” đã thôi thúc tôi lên đường tìm về xã Công Thành (Yên Thành) trực tiếp gặp và nghe cựu binh kể về cuộc gặp gỡ sau 40 năm.
(Baonghean) - Sau cuộc trò chuyện với Thượng tá Nguyễn Thị Tiến, Nguyên Phó Giám đốc Bảo tàng Quân khu IV, thông tin mà bà cung cấp “Năm 2011, tại căn nhà nhỏ này đã diễn ra cuộc hội ngộ đầy cảm động giữa hai người lính không cùng chiến tuyến” đã thôi thúc tôi lên đường tìm về xã Công Thành (Yên Thành) trực tiếp gặp và nghe cựu binh kể về cuộc gặp gỡ sau 40 năm.
Ký ức người lính già
Giữa cái nắng hầm hập của một ngày cuối tháng Sáu, không khó để chúng tôi tìm đến nhà cựu binh Nguyễn Văn Hai. Hiện ông đang sống cùng vợ chồng cậu con trai cả với quán tạp hóa sát Tỉnh lộ. Năm nay, ông đã 76 tuổi, căn bệnh suy tim độ 3 cùng sức ép chiến tranh khiến sức khỏe ông giảm sút trầm trọng. Vậy nhưng, những ký ức về năm tháng hoa lửa, lăn lộn trong bão đạn, mưa bom, quần nhau với giặc thì chẳng bao giờ phai mờ...
Năm 1958, tròn 21 tuổi, khao khát được cầm súng chiến đấu, chàng thanh niên Nguyễn Văn Hai cùng anh trai viết đơn tình nguyện vào quân ngũ, nhưng chỉ người anh đạt được ước nguyện. Không nản chí, ở lại hậu phương, ông Hai tích cực tham gia phong trào xung kích, sẵn sàng của địa phương và đạt danh hiệu “Thanh niên tình nguyện vượt mức kế hoạch” do T.Ư Đoàn trao tặng. Tháng 1/1963, Nguyễn Văn Hai vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng và đến tháng 4 năm đó, ông nhận được giấy báo nhập ngũ. Hăm hở lên đường cùng với nhiệt huyết của người đảng viên trẻ, ông được phân vào Tiểu đoàn Độc lập, Trung đoàn pháo binh. Sau đó, ông được chuyển qua Tiểu đoàn 11, E164, Quân khu 4 và được lệnh hành quân vào Quảng Nam - Đà Nẵng để tham gia chiến dịch Mậu Thân.
Ông Hai kể: “Vào chính thời điểm đó, Mỹ thực hiện “Việt Nam hóa chiến tranh”, đơn vị chúng tôi được lệnh tổ chức trận địa pháo chặn đứng các cuộc càn quét của ngụy quân cùng biệt kích Mỹ ở Plây Veng. Lúc này, tôi được giao nhiệm vụ lái xe chỉ huy. Đang đi thì gặp địch càn, chiếc xe bị địch trúng bom, cháy hoàn toàn, tôi cùng hai người thợ máy may mắn sống sót. Một người được cử về đơn vị báo cáo, đi được nửa đường thì bị địch truy kích và bắn chết. Người thợ máy còn lại bị thương nặng. Không còn cách nào khác, tôi buộc phải vứt bỏ toàn bộ tư trang, hành lý của mình và đồng đội, vác cậu thợ máy lên vai, quàng 2 khẩu súng lên ngực, vượt núi tìm về đơn vị”.
Trên đường trở về đơn vị, ông đã vượt núi xuyên rừng, bao lần đối mặt với những đợt truy kích của địch. Nhưng ông không ngờ, chính việc ông để lại toàn bộ tư trang đó đã dẫn tới cuộc hội ngộ sau hơn 40 năm với người lính Mỹ. Sau khi ông Hai cùng người thợ máy thoát khỏi vùng truy sát của địch, chiến sỹ Hoàng Đình Đảm, Tiểu đội phẫu Mặt trận Tây Nguyên lọt vào ổ phục kích của giặc và bị bắn chết. Sau khi bắn chết Hoàng Đình Đảm, Homer - người lính Mỹ đã lấy toàn bộ tư trang của Đảm và nhặt luôn ba-lô, giấy tờ tùy thân của ông Hai cách đó không xa làm chiến lợi phẩm.
Ông Hai và người lính Mỹ Homer (thứ 2 từ phải sang). (Ảnh nhân vật cung cấp)
Giấy phép lái xe và giấy chứng nhận “Thanh niên tình nguyện vượt mức kế hoạch” của ông Hai được ông Homer trả lại.
Nỗi ám ảnh khôn nguôi và cuộc hội ngộ đầy xúc động
Kết thúc chiến tranh, người lính Mỹ Homer đã đưa toàn bộ chiến lợi phẩm (tư trang của liệt sỹ Hoàng Đình Đảm và của ông Nguyễn Văn Hai) về nước. Nhưng ký ức kinh hoàng về cuộc chiến ở Việt Nam luôn khiến ông bị ám ảnh và dẫn đến trầm cảm. Được sự động viên của người mẹ, sự giúp đỡ của Hội Cựu chiến binh Mỹ, Đại sứ quán Mỹ, Homer tìm cách trả lại những kỷ vật đó cho những người lính Việt Nam. Homer tìm cách đăng tải thông tin về kỷ vật ông lấy được trong chiến tranh ở trên tờ Quân đội Nhân Dân và Báo Người Đại biểu Nhân dân.
Chính Thượng tá Nguyễn Thị Tiến đã trở thành cầu nối cho cuộc gặp gỡ đầy cảm động đó. Chị đã cất công lặn lội tìm về Công Thành, tìm nhân vật có tên Nguyễn Văn Hai, người lính lái xe năm nào, xâu nối các sự kiện, liên lạc với hai bên và tổ chức một cuộc gặp gỡ giữa 2 người lính ở hai phía đối đầu nhau trong chiến tranh.
Đó là một ngày cuối năm 2011, ông Nguyễn Văn Hai được mời đến nhà chị Tiến (68 Cù Chính Lan, TP.Vinh) chơi. Ở Hà Nội, Homer - đại diện cựu binh Mỹ cùng 2 nhà báo Mỹ trên hành trình vào Vinh để gặp lại ông Hai. “Sáng đó, khi tôi vừa từ tầng 2 nhà chị Tiến đi xuống thì một người nước ngoài cao to chạy tới ôm chầm lấy. Người ấy khóc nức nở, luôn miệng nói xin lỗi. Sau này tôi mới biết, đó chính là Homer - người đã lấy đi toàn bộ tư trang, giấy tờ của tôi, bao gồm giấy phép lái xe, giấy công nhận dũng sỹ diệt Mỹ và một số giấy tờ khác”, ông Hai kể lại.
Nhận lại giấy tờ đã thất lạc 40 năm từ tay người lính Mỹ, ông Hai xúc động nghẹn ngào. Ông chia sẻ: “Chiến tranh, giặc Mỹ gây ra bao thảm cảnh. Nhưng xét đến cùng, những người như Homer cũng chỉ là lính đánh thuê, cũng là vì bất đắc dĩ mà phải cầm súng. Họ đã phải trả giá bằng những day dứt, hối hận... Như Homer đã phải trải qua 40 năm ám ảnh kinh hoàng, gặp lại tôi, ông ấy đã khóc, đã nói lời xin lỗi. Tôi sẵn lòng tha thứ cho Homer, mong ông giải tỏa được tâm lý và sống thanh thản”.
Thật bất ngờ, chính cuộc gặp gỡ giữa Homer và ông Nguyễn Văn Hai, cùng với những hồi ức, những chi tiết về địa điểm chiếc xe bị đốt cháy, một “sơ đồ” được vẽ lại bằng ký ức chiến tranh đã giúp người nhà tìm ra mộ liệt sỹ Hoàng Đình Đảm.
Lật giở lại những kỷ vật chiến tranh do Homer trả lại, ngắm lại những bức ảnh chụp chung với Homer trong buổi hội ngộ xúc động đó, ông Nguyễn Văn Hai rơm rớm khi nghĩ về người lính Mỹ. Không còn hận thù, không còn phân biệt ta - địch, ông Hai cầu mong cho Homer sống khỏe, sống thanh thản. Và ông coi cuộc gặp gỡ đó, nhận lại những kỷ vật đó như là một món quà mà ông may mắn có được.
THANH PHÚC