Thiếu vốn và nhiều bất cập

15/04/2013 22:49

Ít vốn, đầu tư nửa vời, chắp vá đang là thực trạng trong việc tôn tạo, nâng cấp hàng chục di tích trên địa bàn huyện Hưng Nguyên hiện nay. Điều đó dẫn tới những khó khăn cho địa phương trong việc kêu gọi xã hội hóa, trùng tu, bảo tồn và gìn giữ những di tích quý giá của quê hương...

(Baonghean) - Ít vốn, đầu tư nửa vời, chắp vá đang là thực trạng trong việc tôn tạo, nâng cấp hàng chục di tích trên địa bàn huyện Hưng Nguyên hiện nay. Điều đó dẫn tới những khó khăn cho địa phương trong việc kêu gọi xã hội hóa, trùng tu, bảo tồn và gìn giữ những di tích quý giá của quê hương...

Đền Nghè, xã Hưng Nhân là nơi thờ thần Trà Sơn, một vị tiến sỹ thời Lê. Theo ông Nguyễn Ngọc Liễn (96 tuổi), một trong những người dân sống lâu nhất trong làng kể lại thì ngôi đền này có từ thế kỷ 14, trước đây là một ngôi đền uy nghi, cổ kính với khu thượng điện, trung điện, hạ điện nối dài ba gian, trong đền có nhiều cột lim to, chắc chắn.



Cổng vào đền Nghè - Hưng Nhân.

Trải qua thời gian, lịch sử, đền Nghè nay đã xuống cấp nghiêm trọng. Dấu tích cũ chỉ còn hiện hữu ở những chiếc trụ cổng cao gần ba mét được xây dựng cầu kì, phần còn lại ngoài ba gian tòa hạ - trung – thượng, phần trong gần như đã hư hỏng toàn bộ. Trước thực trạng trên, năm 2011, xã Hưng Nhân đã đầu tư 20 triệu đồng, cùng với đó nhân dân trong xã và con cháu Hưng Nhân đóng góp được gần 100 triệu đồng để sửa chữa lại ngôi đền. Tuy nhiên vì số tiền quá ít, các hạng mục tu sửa lại quá nhiều, nên việc chỉnh trang chẳng được là bao. Bên cạnh đó, do phải “vá chỗ này, đắp chỗ kia”, nên đền hiện nay là một tổng thể kiến trúc lộn xộn… Ông Lê Văn Hữu – trưởng ban lễ nghi đền Nghè cho biết: Biết là phục dựng như thế này sẽ đi khác với nguyên bản ban đầu nhưng với tiềm lực nhỏ, kinh phí có hạn nên chúng tôi chỉ biết “được đến đâu làm đến đó”.

Đền Nguyễn Biểu, xã Hưng Lam, cũng đang trong tình trạng bị xuống cấp, mặc dù đền mới được đón bằng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh năm 2010. Trước đó, năm 2007, để trùng tu lại ngôi đền, xã và nhân dân đã đóng góp hơn 100 triệu đồng để tu sửa nhưng do điều kiện ngân sách hạn hẹp nên việc tôn tạo, nâng cấp vẫn chỉ thực hiện theo kiểu “chắp vá”, do một vài thợ xây dựng trong xã đảm nhiệm.

Mỗi năm huyện Hưng Nguyên có 100 triệu đồng để dùng cho việc chống xuống cấp của các di tích. Tuy nhiên, do chi phí để sửa chữa, tu bổ đều rất tốn kém nên số tiền trên không thể chia đều cho các di tích mà mỗi năm chỉ hỗ trợ được cho 5 công trình. Phần còn lại hoàn toàn dựa vào việc kêu gọi xã hội hóa. Trong năm qua, ở huyện có nhiều công trình được phục dựng nhờ vào sự nỗ lực của nhân dân và sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm, trong đó có thể kể đến công trình trùng tu đền thờ ngài Tuyên Nghĩa Sơn Đại Vương (xã Hưng Phú), đền Long Giang (Hưng Lam), đền Xuân Hòa, đền đức Ông, đền thờ Hoàng Nghĩa Lương… và một số công trình khác. Đây có thể xem là một nỗ lực rất lớn của nhân dân Hưng Nguyên, nhưng chỉ với vài tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa mỗi năm, con số đó chỉ thực sự là “muối bỏ bể” so với thực trạng xuống cấp của hàng loạt di tích hiện nay của huyện nhà. Trong khi đó, theo ông Nguyễn Xuân Thủy, Trưởng phòng Văn hóa huyện thì: Hầu hết trong 111 di tích đều trong tình trạng xuống cấp và hư hỏng nặng.

Cũng bởi huyện, xã không có ngân sách thường xuyên để cấp cho việc tu bổ mà trông chờ hoàn toàn nguồn đóng góp tự nguyện của người dân, nên hiện đang xảy ra tình trạng tu sửa theo kiểu “mạnh ai nấy làm” và “mỗi nơi một kiểu”. Cùng là thờ Nguyễn Biểu, nhưng bà con ở xã Hưng Xuân có kiểu tu sửa sơ sài bằng cách tự xây dựng, kẻ vẽ. Ở một đền thờ khác của Nguyễn Biểu ở xã Hưng Lam thì gia đình ông Hoàng Xuân Đường (người đang trông coi) lại phục dựng bằng hình thức bê nguyên hình mẫu đền thờ Nguyễn Biểu ở xóm trong về để dựng lại, tuy nhiên vì không có nhiều kinh phí nên chỉ dựng lại phần điện thờ.

Với công trình đền làng Ngọc Điện (thị trấn) mặc dù là công trình được đầu tư hơn 300 triệu đồng và có một khuôn viên đẹp nhưng hiện đền được xây dựng theo kiểu vừa giống nhà, vừa giống đền, pha trộn giữa hiện đại và cổ kính rất lộn xộn. Hoặc là công trình đền Thái Phúc thờ ngài Tuyên Nghĩa Sơn Đại Vương ở xã Hưng Phú, tuy là công trình được đầu tư nhiều tỷ đồng và khá quy mô nhưng ông Nguyễn Tuấn Anh, người đầu tư vào việc trùng tu cũng thừa nhận: Kiến trúc ngôi đền là do “tự làm” dựa theo những kinh nghiệm sẵn có. Công trình được đánh giá là trùng tu khá đúng theo nguyên bản là đền Long Giang (xã Hưng Lam) thì nay cũng đang thực hiện giang dở bởi chính ông Trần Viết Đương (người trông coi) cũng không chắc chắn tiến độ của công trình, bởi: phụ thuộc hoàn toàn vào nhà hảo tâm. Thực trạng “tự phát” trên cũng khiến ông Nguyễn Xuân Thủy, Trưởng phòng Văn hóa huyện băn khoăn nhưng đành bất lực do “tiền huy động lúc có lúc không nên không tránh khỏi việc trùng tu, sửa chữa theo kiểu chắp vá”.

Phải có đến hàng chục tỷ đồng mới có thể đưa ra giải pháp cho việc trùng tu, bảo tồn các di tích lịch sử văn hóa ở huyện Hưng Nguyên. Vì thế, trong hoàn cảnh hiện nay, hơn bao giờ hết, huyện Hưng Nguyên cần có một định hướng lâu dài cho vấn đề này, đồng thời cần vào sự tích cực của chính quyền huyện trong giới thiệu, quảng bá, kêu gọi xã hội hóa. Song song với đó, trong quá trình trùng tu, sửa chữa cũng cần có sự giám sát của các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương, tránh để xảy ra tình trạng tu sửa lộn xộn như hiện nay, thậm chí cần phải theo dõi chặt chẽ không để xảy ra hiện tượng một số người trục lợi lợi dụng vào việc trùng tu, vào lòng tin, tín ngưỡng của người dân để kinh doanh, thu lợi từ các di tích.


Song Hoàng