Những con số ý nghĩa

21/02/2013 18:10

Ngày 14/3/2007,  Việt Nam và Ngân hàng phát triển châu Á đã ký hiệp định tín dụng, khoản vay 2283-VIE (SF) để thực hiện dự án Khoa học Công nghệ Nông nghiệp (KHCNNN). Dự án có hiệu lực từ ngày 13/6/2007, gồm 3 hợp phần:  Tăng cường năng lực và nghiên cứu nông nghiệp hướng tới khách hàng; Tăng cường khuyến nông cấp cơ sở;  Đào tạo kỹ thuật và dạy nghề nông nghiệp nông thôn.  Hợp phần  Tăng cường khuyến nông cấp cơ sở triển khai ở 5 tỉnh . Nghệ An là 1 trong 5 tỉnh được thực hiện dự án.

(Baonghean) - Ngày 14/3/2007, Việt Nam và Ngân hàng phát triển châu Á đã ký hiệp định tín dụng, khoản vay 2283-VIE (SF) để thực hiện dự án Khoa học Công nghệ Nông nghiệp (KHCNNN). Dự án có hiệu lực từ ngày 13/6/2007, gồm 3 hợp phần: Tăng cường năng lực và nghiên cứu nông nghiệp hướng tới khách hàng; Tăng cường khuyến nông cấp cơ sở; Đào tạo kỹ thuật và dạy nghề nông nghiệp nông thôn. Hợp phần Tăng cường khuyến nông cấp cơ sở triển khai ở 5 tỉnh . Nghệ An là 1 trong 5 tỉnh được thực hiện dự án.

Hợp phần Tăng cường khuyến nông cấp cơ sở gồm 2 tiểu hợp phần chính: Dịch vụ khuyến nông cấp tỉnh hướng tới người nghèo; và Xúc tiến ký kết các hợp đồng khuyến nông.



Mô hình nuôi gà an toàn sinh học tại Khai Sơn (Anh Sơn).
Ảnh: Đặng Đình Dương

Tại Nghệ An, sau 5 năm (2007-2012) triển khai hợp phần Tăng cường khuyến nông cấp cơ sở. Ngoài các tiểu hợp phần nhỏ như mua sắm thiết bị cho hệ thống khuyến nông cấp tỉnh, huyện, hoạt động của Văn phòng BQL dự án... 2 tiểu hợp phần chính của dự án đã được triển khai với các kết quả cụ thể, đó là:

Tiểu hợp phần 1: Dịch vụ khuyến nông cấp tỉnh hướng tới người nghèo.

Hoạt động chủ yếu của tiểu hợp phần này là tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ khuyến nông cơ sở.

Thông qua các hoạt động như Hội thảo xác định các nhu cầu về đào tạo, tập huấn TOT, xây dựng tài liệu khuyến nông. Ban quản lý dự án KHCNNN Nghệ An đã tổ chức được 399 lớp tập huấn cho cán bộ khuyến nông. Bao gồm: 16 lớp tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ khuyến nông cấp tỉnh, huyện với 405 lượt người tham gia (trong đó 161 lượt người là nữ và 53 lượt người là dân tộc thiểu số); 383 lớp cho cán bộ khuyến nông cấp cơ sở, bao gồm khuyến nông xã và khuyến nông viên thôn bản với 9.504 lượt người tham gia (trong đó có 2.555 lượt người là nữ, 2.328 lượt người là dân tộc thiểu số).

Ngoài ra, Ban quản lý dự án còn tổ chức 30 lớp tập huấn nâng cao cho các nhà cung cấp dịch vụ khuyến nông với 883 lượt người tham gia, trong đó có 328 lượt người là nữ, 101 lượt người là dân tộc thiểu số; 3 lớp về kỹ năng giám sát và đánh giá tác động dự án với 68 luợt người tham gia, trong đó: nữ có 5 người và dân tộc thiểu số có 18 người.

Nhìn chung, toàn bộ hoạt động của tiểu hợp phần 1 đã được triển khai, hoàn thành 100% chỉ tiêu về số lượng các lớp tập huấn.

Đối với tiểu hợp phần 2 Xúc tiến ký kết các hợp đồng khuyến nông: Ban quản lý dự án KHCNNN Nghệ an đã tiến hành các trình tự theo quy định của pháp luật và yêu cầu của nhà tài trợ. Tổ chức đấu thầu, trao thầu và xúc tiến ký kết 143 hợp đồng khuyến nông, trong đó có 10 hợp đồng xây dựng mô hình thử nghiệm trên đồng ruộng. Các hộ nghèo của các xã tham gia dự án.

Tiểu hợp phần này được triển khai tại 19 xã nghèo (có tỷ lệ hộ nghèo trên 30%) thuộc 12 huyện trong tỉnh với tổng số hộ được trực tiếp tham gia là 6.081 hộ, trong đó có 3.891 chủ hộ là nữ và 2.000 hộ là hộ dân tộc thiểu số với 41.111 người được hưởng lợi, trong đó nữ là 20.698 người, dân tộc thiểu số: 13.060 người. Kết quả sau 5 năm thực hiện từ 2008- 2012, dự án đã góp phần tích cực vào nhiệm vụ giảm nghèo của địa phương.

Tính trong 4 năm từ 2008-2011 có 5.117 hộ nghèo đã được tham gia dự án thì có 1.997 hộ đã thoát nghèo, chiếm 39 % (có 964 hộ tham gia dự án của năm 2012 nhưng chưa có kết quả xét hộ thoát nghèo của địa phương).

Một số xã có tỷ lệ hộ nghèo tham gia (2008-2011) và thoát nghèo cao đó là: xã Nghi Đồng (huyện Nghi Lộc) có 390 hộ nghèo được tham gia dự án thì có 357 hộ thoát nghèo chiếm tỷ lệ 91,5%; xã Nghĩa Khánh (huyện Nghĩa Đàn) có 227 hộ nghèo được tham gia dự án thì có 167 hộ thoát nghèo, chiếm tỷ lệ 73,6%; xã Thanh Hương (huyện Thanh Chương) có 236 hộ nghèo được tham gia dự án thì có 237 hộ thoát nghèo, chiếm tỷ lệ 70,5%; xã Nghĩa Thắng (huyện Nghĩa Đàn) có 201 hộ nghèo được tham gia dự án thì có 121 hộ thoát nghèo, chiếm tỷ lệ 60,2%; xã Quang Thành (huyện Yên thành) có 281 hộ nghèo được tham gia dự án thì có 155 hộ thoát nghèo, chiếm tỷ lệ 55,2%.

Bên cạnh khối lượng các hoạt động của dự án được hoàn thành, cơ bản BQL dự án KHCNNN Nghệ An thực hiện tốt tiến độ thanh toán, giải ngân đúng với qui định của BQL dự án và đáp ứng yêu cầu của nhà tài trợ.

Tổng vốn theo kế hoạch tổng thể được phê duyệt ban đầu từ 24.331.000.000 đồng, do quá trình triển khai Ban quản lý dự án Nghệ An luôn đảm bảo tiến độ và vượt khối lượng được giao nên đã được Ban quản lý Trung ương dự án KHCNNN và nhà tài trợ điều chỉnh bổ sung lên 42.392.418.000 đồng. Trong đó, vốn ADB: 31.056.753.000 đồng, vốn đối ứng: 11.335.665.000 đồng.

Tổng khối lượng thực hiện của dự án tính đến 31/12/2012 đã cơ bản hoàn thành và giải ngân đạt 40.970.262.000 đồng/ 42.392.418.000, đạt 96,65 % kế hoạch.

Để tiếp tục phát huy những kết quả của dự án, rất mong sự quan tâm của các cấp uỷ chính quyền, các ban ngành cơ sở, các nhà cung cấp dịch vụ khuyến nông tiếp tục theo dõi, chỉ đạo để duy trì những kết quả đã đạt được, nhất là các hộ nghèo sau khi tham gia dự án đã thoát nghèo. Đồng thời tiếp tục tuyên truyền nhân rộng phương thức tiếp cận, cơ chế triển khai của dự án với việc góp phần phát triển sản xuất, tăng thu nhập, xoá đói giảm nghèo.


Nguyễn Văn Thắng (Trung tâm Khuyến nông tỉnh)