Kỳ 1: Ngược dòng sông Giăng, văn minh về bản

04/07/2013 14:47

(Baonghean) - Chiếc thuyền máy mũi dài 13 CV gồng mình rẽ nước, tiến sâu vào vùng lõi rừng quốc gia Pù Mát. Hai bên bờ, những thân giang oằn mình, ngả rạp xuống nước như chiếc cần câu cong vút, xen kẽ là đám cây thôi thôi mà người dân bản địa vẫn thường lấy thân khoét rỗng để hông xôi. Giữa đại ngàn xanh thẳm, nổi bật màu trắng lấm tấm của những cây bục bạc. Một con chim sả xanh biếc nhúng chiếc mỏ dài đỏ xuống nước rồi vút bay mất dạng vào những bụi rì rì mọc kín bờ sông. Dưới tảng rừng xanh âm u, kì vĩ kia từng in dấu chân người Đan Lai một thời và cuộc hành trình trốn chạy vắt qua nhiều thế hệ...

(Baonghean) - Chiếc thuyền máy mũi dài 13 CV gồng mình rẽ nước, tiến sâu vào vùng lõi rừng quốc gia Pù Mát. Hai bên bờ, những thân giang oằn mình, ngả rạp xuống nước như chiếc cần câu cong vút, xen kẽ là đám cây thôi thôi mà người dân bản địa vẫn thường lấy thân khoét rỗng để hông xôi. Giữa đại ngàn xanh thẳm, nổi bật màu trắng lấm tấm của những cây bục bạc. Một con chim sả xanh biếc nhúng chiếc mỏ dài đỏ xuống nước rồi vút bay mất dạng vào những bụi rì rì mọc kín bờ sông. Dưới tảng rừng xanh âm u, kì vĩ kia từng in dấu chân người Đan Lai một thời và cuộc hành trình trốn chạy vắt qua nhiều thế hệ...

Truyền thuyết kể rằng, xưa ở huyện Thanh Chương có một làng người Kinh sinh sống. Đang yên lành thì một ngày nọ, dân làng nhận được lệnh của quan phủ phải cống nộp một trăm cây nứa vàng và một chiếc thuyền liền mái, trái lệnh sẽ bị xử tội. Hoảng sợ, dân làng bàn nhau chạy trốn trong đêm. Họ chạy mãi lên đến vùng biên giới thì dừng lại.Từ đây, cuộc sống du canh du cư của tộc người Đan Lai bắt đầu. Họ men theo khe Tu, sông Giăng đi ngược xuống dần đến Môn Sơn, Con Cuông.



Thuyền vượt sông Giăng

8 giờ kém 20 phút sáng, thuyền cập bến ở bản Cò Phạt sau gần hai tiếng đồng hồ băng ngược dòng sông Giăng. Đập vào mắt là cổng chào khang trang, chắc chắn: “Bản Cò Phạt xã Môn Sơn”. Những thửa ruộng trồng lúa nước ngay ngắn nằm dọc hai bên con đường đổ bê-tông. Một người đàn ông tay cày tay trâu bì bõm trên đồng, anh bộ đội biên phòng vai đeo túi y tế đi ngang qua, vẫy tay như đang hoan hô, ra hiệu cho người đàn ông tiếp tục. Ngay đầu đường vào bản, nhóm người nhấp nhổm kẻ cuốc người xẻng làm cống thuỷ lợi dẫn nước cho bà con trồng lúa. Ở đây có cả thảy 97 hộ, 920 khẩu, ruộng chia theo khẩu, bình quân mỗi hộ được một sào Nam Bộ.

Một cậu thiếu niên tóc dài chấm mang tai địu đứa bé trước ngực: “Đi đâu đấy? - Ta đi lấy giống về trồng lúa đây. - Giống ở đâu mà lấy? - Của cán bộ cho, Nhà nước cho, trước ta chỉ đi hái cái măng trên rú, bắt con cá dưới khe Tàng, khe Có thôi. Giờ có ruộng, có trâu, có giống rồi”. Nói rồi cậu ta thoăn thoắt đi. Cậu thiếu niên có khuôn mặt sáng và đôi mắt rất hiền ấy là con trai của anh La Văn Linh, trúng cử trưởng bản trong đại hội thôn bản năm ngoái, dưới sự hướng dẫn tổ chức của tổ công tác biên phòng Cò Phạt thuộc Đồn Biên phòng Môn Sơn. Bước vào cổng, thấy ngay bên tay phải một khoảng vườn trồng chè xanh mượt trông thật thích mắt, lại có cả mía, cả ngô. Anh Linh ngồi hút thuốc lào trên cái chiếu nhựa xanh trải trước thềm nhà, sau lưng là tủ đựng đồ nhu yếu phẩm như sữa tươi, dầu ăn, nước rửa bát, mì chính,...bán hoặc đổi cho bà con trong bản.

Căn nhà khá nhỏ, nhưng cũng có một chiếc tivi và vài chiếc loa thùng đời cũ. Mấy chiếc giường chăn, gối đầy đủ được che chắn bởi hai phên nứa đan và chiếc rèm vải. Chị La Thị Văn, vợ anh Linh bắc nồi nước lên bếp rồi ngồi bệt trên nền nhà nhai trầu bỏm bẻm, nhìn chồng và khách nói chuyện. Thấy máy ảnh, chị cười rích rích để lộ hàm răng đen: “Ta xấu lắm đừng chụp, nhà ta cũng khổ lắm không có cái gì đẹp đâu. - Có cái tivi đẹp đấy thôi?”. Chị lại cười: “Tivi của các cán bộ, của Nhà nước cho đấy, nhà ta không có tiền mua! - Đang đào hố trồng trụ điện, sao xem được tivi? - Điện cù của cán bộ biên phòng làm cho đấy mà”. Trung tá Nguyễn Trọng Vinh, đồn trưởng Đồn Biên phòng Môn Sơn giải thích: “Điện cù là thuỷ điện nhỏ, anh em biên phòng đặt trên sông Giăng để phát điện cho bà con”. Những bức ảnh gia đình dán đầy một mảng vách nhà, nếu không phải ngay bên cạnh là chiếc đầu chim rừng to tướng treo chễm chệ thì hẳn đã phải ngờ ngợ đây là nhà một gia đình người Kinh. Chị Văn ra vườn lấy rau cho bầy chuột bạch trong lồng ăn. Mọi người ồ lên ngạc nhiên, ở đây dân bản cũng nuôi chuột bạch làm cảnh sao?

“Chuột về phá đồng, ta phải thả nó ra đuổi chuột phá hoại, nó không chạy mất đâu, ta sợ mèo bắt thôi!”. Bên cạnh là cái lồng chim, trong nhốt một con sóc. Cậu thiếu niên địu em ban sáng vừa về, đưa bao hạt giống lúa NA 2 cho mẹ rồi thả cọng rau vào lồng, con vật chụp lấy, nhai ngấu nghiến. Đứa bé đang ngả đầu vào ngực anh phá lên cười ngặt nghẽo.

Anh Linh gật gù tiếc rẻ: “Các anh lên chơi đúng dịp các cô giáo không vào. Họ vào dạy học cho con ta, ta vui lắm. - Các cô vào ở đâu, lâu không? - Lâu chứ, từ chiều chủ nhật đến chiều thứ sáu, ăn, ở trong trường. Nhà nước xây cho cái trường tiểu học đẹp nên ta phấn khởi”. Ngồi chơi thêm một lát, anh Linh đi sửa soạn chạy thuyền ra ngoài xã lấy hàng hoá và đón các cháu đi học về bản. Ngỏ ý muốn đi nhờ, anh lẩm nhẩm đếm rồi mới đồng ý: “Được mà, còn chỗ ta mới chở, thuyền đầy ta không chở đâu, nguy hiểm tính mạng mà”.



Một thanh niên trong bản đang cắt tóc cho em trai.

Dạo chơi quanh bản, thấy một bầy trẻ con xúm xít trước sân nhà, người lớn ăn trầu, uống nước chè nhìn ra. Một thanh niên đang trổ tài tay lược tay kéo cắt tóc cho đứa em trai. Vị “khách hàng” cởi trần ngồi bệt trên đất, tay cầm gương soi, cười háo hức. Trời đất, tay kéo thiện nghệ đang “phù phép” kiểu tóc rất ngầu của Balotelli! Anh Hồ Quốc Việt - cán bộ tổ công tác biên phòng Cò Phạt chau mày tỏ vẻ không đồng tình: “Sửa lại tóc cho em nó, tóc tai thế này đi học thì còn ra thể thống gì! - Ta nói mà nó không chịu nghe cán bộ ạ, nó bảo đi làm ở dưới xuôi thấy người Kinh như thế!”.

10 phút nữa thuyền trưởng bản La Văn Linh rời bến, chỉ kịp uống cốc nước chè chát đúng cái vị của nước chè người Kinh, lặng im nhìn những nếp nhà sàn lợp lá một màu rất giòn dưới nắng. Những hàng rào tre, nứa ngăn cách từng nhà theo ô ngay ngắn. Mấy con chó cuống quýt chạy theo bầy trẻ con ríu rít chân trần trên con đường đổ bê-tông phẳng lì. Chúng nhón chân rất khéo bước qua bãi trộn xi-măng, tò mò nhìn người thợ thoăn thoắt bên bức tường đang xây dở của nhà văn hoá cộng đồng, dự tính hoàn thiện vào giữa tháng 8.

Bản Cò Phạt hoang sơ xưa giờ đã có ánh đèn, tiếng tivi, loa đài, và phấn khởi hơn cả là tiếng trẻ con ê a đọc chữ. Anh Nguyễn Trọng Vinh cho biết, người Đan Lai ở bản Cò Phạt còn biết đến điện thoại di động nhưng họ chưa dùng, vì chưa được phủ sóng. Vốn là tộc người không có đặc trưng văn hoá riêng, người Đan Lai nhanh chóng học hỏi, thích nghi với thế giới bên ngoài sau nhiều năm, nhiều đời sống biệt lập ở vùng biên hẻo lánh.

Ngồi trên chiếc thuyền băng băng giữa dòng chảy, chúng tôi cứ nghĩ mãi về người phụ nữ Đan Lai ngồi bồng cháu trên nhà sàn. 57 tuổi, mẹ của 9 người con thì 5 người đã lập gia đình, chị La Thị Chương đại diện cho thế hệ người Đan Lai cũ sống phụ thuộc vào cây rừng, con thú và suối khe. In trong mắt chị là những kí ức của tập tục du canh du cư, phá rừng làm rẫy, tảo hôn và thậm chí là hôn nhân cận huyết. Những người Đan Lai họ Lê và họ La giờ đã nhận thức được giống nòi khoẻ mạnh không phải là việc trời cho, mà là kết quả của sự giao thoa giữa nhiều cộng đồng.

Dưới sự dẫn dắt của các chiến sĩ biên phòng đồn Môn Sơn, con đường này sẽ đưa họ thoát khỏi cảnh đói nghèo, đưa văn minh về bản, đặt dấu chấm hết cho truyền thuyết bi thương của người Đan Lai. Rồi đây, khi dự án đường bộ từ xã Môn Sơn về bản Cò Phạt (và bản Khe Búng) của Nhà nước hoàn thành (nay đã thi công xong đường đất), người Đan Lai sẽ không còn như cây rì rì bám lấy bờ sông Giăng mà đường hoàng sống cuộc sống khi xưa tổ tiên họ mãi kiếm tìm!


Hải Triều - Thành Chung - Trần Hải