Xã hội hóa trùng tu, tôn tạo di tích - Những trăn trở
Trên địa bàn toàn tỉnh hiện có 1.395 di tích - danh thắng, trong đó có 126 di tích được xếp hạng cấp quốc gia và 122 di tích xếp hạng cấp tỉnh. Thời gian qua, nhờ đẩy mạnh xã hội hóa công tác trùng tu, tôn tạo, nhiều di tích trên địa bàn đã được phục dựng, đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh của nhân dân, tuy nhiên xung quanh vấn đề này cũng đặt ra nhiều trăn trở cho các nhà quản lý.
(Baonghean) - Trên địa bàn toàn tỉnh hiện có 1.395 di tích - danh thắng, trong đó có 126 di tích được xếp hạng cấp quốc gia và 122 di tích xếp hạng cấp tỉnh. Thời gian qua, nhờ đẩy mạnh xã hội hóa công tác trùng tu, tôn tạo, nhiều di tích trên địa bàn đã được phục dựng, đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh của nhân dân, tuy nhiên xung quanh vấn đề này cũng đặt ra nhiều trăn trở cho các nhà quản lý.
Thời gian qua, bên cạnh kinh phí ngân sách tỉnh, Trung ương dành cho công tác trùng tu, tôn tạo di tích, không thể không kể đến sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân cho việc tu bổ, tôn tạo phục hồi di tích. Tính đến hết năm 2012, toàn tỉnh đã huy động được trên 70 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa cho việc tu bổ, tôn tạo di tích.
Nhiều địa phương làm tốt công tác xã hội hóa tu bổ, tôn tạo di tích như: Hưng Nguyên (huy động được gần 15 tỷ đồng), Đô Lương (trên 10 tỷ đồng), Thanh Chương (gần 9 tỷ đồng), Diễn Châu (gần 8 tỷ đồng), TX Cửa Lò (trên 6 tỷ đồng), Quỳnh Lưu (gần 6 tỷ đồng)... Nhiều cá nhân đóng góp hàng trăm triệu đồng cho việc tu bổ di tích, điển hình như ông Phạm Thanh Long với trên 800 triệu đồng tôn tạo di tích đền Phúc Thọ (Nghi Lộc); gia đình ông Trương Văn Phượng ở khối 8, phường Nghi Thủy (TX Cửa Lò), cả 7 người con trai cùng lo kinh phí xây dựng thượng điện đền Yên Lương hơn 300 triệu đồng; bà Trần Thi Cháu trên 100 triệu đồng tôn tạo đền Cửa Lũy (Anh Sơn),…
Đình Làng Hiếu (Nghi Hải, TX Cửa Lò) được xây dựng lại từ kinh phí xã hội hóa.
Nhiều di tích được tu sửa lớn, phục hồi từ nguồn kinh phí do các tổ chức, cá nhân đóng góp, như: Đền - chùa Gám (Xuân Thành - Yên Thành), các đền Yên Lương, Mai Bảng, Diên Nhất (TX Cửa Lò), đền Diên Cờ, đền Cửa (Nghi Lộc), chùa Đại Tuệ (Nam Anh - Nam Đàn)… Nhiều dòng họ như họ Trần Đăng (Hưng Trung - Hưng Nguyên), Nguyễn Phùng (Xuân Tường - Thanh Chương), họ Tạ (Diễn Cát - Diễn Châu)… đã làm rất tốt việc vận động con cháu đóng góp kinh phí để tu bổ di tích…
Tuy nhiên, khi kinh phí xã hội hóa di tích ngày càng tăng cũng đặt ra cho các nhà quản lý nhiều vấn đề cần bàn. Ví như Hưng Nguyên, với tổng số 111 di tích (có 22 di tích đã xếp hạng gồm 12 di tích cấp quốc gia, 10 di tích cấp tỉnh) trong đó tỉnh trực tiếp quản lý 1, huyện trực tiếp quản lý 21 và các xã trực tiếp quản lý 89 di tích). Để trùng tu, tôn tạo chống xuống cấp di tích, từ năm 2010, huyện đã trích ngân sách dành cho công tác này là 100 triệu đồng/năm. Với số lượng di tích lớn, từng đó kinh phí là không thể đáp ứng đủ. Điều đáng mừng là những năm gần đây, nhờ nguồn xã hội hóa của các tập thể, cá nhân, nhiều di tích trên địa bàn huyện đã được phục dựng lại, có những di tích 100% từ xã hội hóa như đền Làng Rào (Hưng Đạo), đền Xuân Hòa (Hưng Long)... và rất nhiều di tích nhà thờ họ được xây mới khang trang, to đẹp hơn từ xã hội hóa.
Ông Lê Quyết Thắng - cán bộ văn hóa xã Hưng Đạo - Hưng Nguyên - nơi có di tích đền Làng Rào được trùng tu lại chủ yếu bằng xã hội hóa, cho biết: Bên cạnh những cái được thì công tác xã hội hóa cũng có nhiều bất cập, ví như di tích đền Làng Rào được huyện phân cấp cho xã quản lý, thế nhưng hiện nay xã vẫn chưa quản lý được. Bởi lẽ bà con quan niệm đền là của làng, do nhân dân bỏ kinh phí ra trùng tu, tôn tạo lại đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh của nhân dân, nếu giao cho xã quản lý thì làng sẽ mất đền.
Hiện nay, đền Làng Rào đang do các cụ Hội Người cao tuổi trong xóm quản lý, từ tiền công đức, dịch vụ cúng, làm lễ. Thời gian tới, xã Hưng Đạo sẽ tổ chức tuyên truyền Luật Di sản văn hóa, Quyết định 1017/2011 của UBND tỉnh về phân cấp quản lý di tích - danh thắng trên địa bàn tỉnh để nhân dân hiểu rõ và thực hiện đúng quyết định của UBND tỉnh, UBND huyện Hưng Nguyên.
Bên cạnh đó, di tích nhà thờ họ cũng đang đặt ra cho các nhà quản lý nhiều trăn trở. Hiện nay, đa số các di tích này đều giao cho con cháu trong dòng họ quản lý, bảo vệ và đương nhiên kinh phí trùng tu, tôn tạo di tích đều do con cháu trong dòng họ đóng góp. Vì thế nhiều dòng họ đã không thực hiện đúng Luật Di sản văn hóa, là trùng tu tôn tạo lại sai nguyên tắc (làm to, đẹp, hoành tráng hơn hoặc trưng bày đồ tế khí không phù hợp).
Ngoài ra còn có một thực trạng là một số dòng họ sau khi trùng tu, tôn tạo nhà thờ đều mong muốn nhà thờ dòng họ mình được cấp bằng Di tích Lịch sử Văn hóa, trong khi thực tế dòng họ đó chưa đủ cơ sở để công nhận. Tình trạng này khiến cho cán bộ làm công tác quản lý rất mất thời gian trong quá trình kiểm tra, giải thích.
Một thực tế đáng buồn khác là nhiều tập thể, cá nhân lợi dụng “xã hội hóa” để xây dựng trái phép, tu bổ di tích sai nguyên tắc làm biến dạng di tích. Một số di tích tu sửa tôn tạo không báo cáo với cơ quan chức năng làm hư hỏng các yếu tố gốc và làm mới hóa di tích, sử dụng nguyên vật liệu hiện đại như bê tông cốt thép, gạch lát hoa Trung Quốc, ngói Tây, đồ tế khí hiện đại vào các di tích cổ kính, sơn phủ phần gỗ, tượng, đồ tế khí bằng loại sơn PU bóng, mới, làm giảm giá trị hiện vật cổ... Nhiều địa phương có xin phép tu sửa theo nguồn kinh phí xã hội hóa nhưng không có hồ sơ quy hoạch tu sửa tôn tạo nên khi tu sửa, thường không theo nguyên tắc của Luật Di sản văn hoá.
Ông Nguyễn Văn Thanh - Trưởng Ban Quản lý di tích - danh thắng tỉnh nhấn mạnh: “Dù bất kể là nguồn kinh phí nào thì khi trùng tu, tôn tạo lại di tích phải trình xin ý kiến của các ban, ngành liên quan. Không thể vì lý do kinh phí là của nhân dân thì nhân dân có quyền trùng tu thế nào là tùy ý, như thế là phá hoại di tích, là làm biến dạng di tích và phi phạm Luật Bảo tồn, tôn tạo di tích. Ban quản lý di tích - danh thắng sẽ xử lý nghiêm minh đối với nhưng tập thể, cá nhân vi phạm Luật Di sản văn hóa trong công tác trùng tu, tôn tạo di tích”.
Thanh Thủy