Đợt sinh hoạt chính trị sôi nổi, sâu rộng

19/03/2013 16:36

Đến thời điểm này, các cấp ngành, địa phương đã qua hai phần ba chặng đường triển khai lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Việc triển khai  tuy chỉ diễn ra trong 3 tháng nhưng đã tạo ra một đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân cũng như của các cấp, các ngành...

(Baonghean) - Đến thời điểm này, các cấp ngành, địa phương đã qua hai phần ba chặng đường triển khai lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Việc triển khai tuy chỉ diễn ra trong 3 tháng nhưng đã tạo ra một đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân cũng như của các cấp, các ngành...

Triển khai từ giữa tháng 1, thời điểm giáp Tết Nguyên đán lại đúng vào dịp bà con nông dân vào vụ mùa mới, thế nhưng không khí thảo luận về lấy ý kiến dự thảo ở các chi hội nông dân ở huyện Đô Lương vẫn hết sức sôi nổi tại 33 chi hội thuộc 33 xã, thị trấn. Nhiều vấn đề được người dân quan tâm trong các nội dung của dự thảo hiến pháp sửa đổi lần này, trong đó tập trung nhiều nhất là vấn đề về đất đai, về quyền lợi của người dân trong việc sử dụng các dịch vụ về y tế, về tổ chức hội. Qua các cuộc thảo luận ở tổ, 1.136 ý kiến tâm huyết nhất đại diện cho quyền lợi của gần 60.000 nông dân ở huyện Đô Lương đã được các đại biểu gửi đến Hội Nông dân huyện. Ông Nguyễn Đình Khương, Chủ tịch Hội Nông dân huyện rất bất ngờ về kết quả này và cho rằng: “Người dân ngày nay rất quan tâm đến những vấn đề chính trị, thời sự của đất nước và họ tin rằng những ý kiến được xuất phát từ cơ sở, mang hơi thở của cuộc sống, của người dân sẽ có ý nghĩa thiết thực trong quá trình sửa đổi hiến pháp”.



Một buổi lấy ý kiến tại Hội đồng nhân dân tỉnh.

Tại Báo Nghệ An, ngay từ khi kế hoạch triển khai lấy ý kiến dự thảo sửa đổi hiến pháp mới được thông báo trên các phương tiện thông tin truyền thông, nhiều ý kiến của bạn đọc đã được gửi đến. Các chuyên mục về “Lấy ý kiến nhân dân về sửa đổi Hiến pháp 1992”, chuyên mục “Diễn đàn cuối tuần”, “Sự kiện diễn đàn” đều liên tục đăng tải các bài viết liên quan đến đợt sinh hoạt chính trị quan trọng này. Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh triển khai lấy ý kiến được phổ biến xuống từng phòng, từng cơ sở, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị. Vì thế, mặc dù việc lấy ý kiến góp ý dự thảo trùng vào dịp tết nhưng các đơn vị vẫn chịu khó nghiên cứu, tham khảo tài liệu, phân tích, đánh giá, thảo luận sôi nổi các nội dung sửa đổi. Việc lấy ý kiến càng có ý nghĩa hơn, bởi hiến pháp mới có nhiều quy định quan trọng liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, hệ thống tổ chức của Viện Kiểm sát nhân dân. Tại Ban Chỉ huy Quân sự thành phố, Thượng tá Vương Kim Hải, Chính trị viên cho biết: Sau khi nhận được công văn thành phố, đơn vị đã khẩn trương thành lập tổ giúp việc, đồng thời tổ chức hội nghị quán triệt, phổ biến nội dung Dự thảo sửa đổi với sự tham gia của đông đảo cán bộ chiến sỹ. Hội nghị chỉ diễn ra trong một buổi nhưng hàng chục ý kiến đã được phát biểu, trong đó chuyên sâu vào các vấn đề liên quan đến lĩnh vực Quân sự, Quốc phòng, Bảo vệ Tổ quốc.

Hiện 100% các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, 20 huyện thành thị trên địa bàn tỉnh đã tổ chức triển khai việc lấy ý kiến về dự thảo sửa đổi Hiến pháp với nhiều nội dung, nhiều cách làm hiệu quả và có sự tham gia góp ý của nhiều chuyên gia, nhà quản lý. Trên địa bàn tỉnh cũng chưa thấy xuất hiện những khuynh hướng lệch lạc, những diễn biến trái chiều và các quan điểm, ý kiến cực đoan.

Qua đánh giá sơ bộ cho thấy, nhiều ý kiến tham gia có chất lượng tốt. Hầu hết các ý kiến góp ý đều cho rằng sửa đổi Hiến pháp 1992 là hết sức cần thiết, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế, quá trình vận động và phát triển của đất nước. So với Hiến pháp năm 1992, thì dự thảo đã có sự sắp xếp bố cục hợp lý hơn, nhiều nội dung đã được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và Nghị quyết của Đảng Đại hội lần thứ XI. Nhiều vấn đề cơ bản như quyền con người, quyền của công dân, chế độ chính trị, nhất là quyền lực của nhân dân, tổ chức bộ máy nhà nước, chế định kiểm soát quyền lực… đã được đề cập đến một cách toàn diện. Tuy nhiên, cũng nhiều ý kiến cho rằng nội dung và kỹ thuật lập hiến của dự thảo vẫn chưa khắc phục được một số hạn chế của Hiến pháp 1992, chưa tiếp cận được với nhiều hiến pháp các nước trên thế giới, một số ý kiến cho rằng chưa tiến bộ bằng Hiến pháp năm 1946. Bố cục một số chương, điều, chưa hợp lý; văn phong trình bày trong dự thảo còn dài dòng, chưa cô đọng, súc tích; một số điều còn nặng về văn phong nghị quyết, khẩu hiệu chung chung…

Với gần 1.000 hội nghị, 340 cuộc tọa đàm, hơn 5.000 buổi sinh hoạt, họp chi bộ, thôn xóm và gần 7.000 ý kiến... có thể thấy chưa một đợt lấy ý kiến nào thu hút được sự quan tâm của đông đảo quần chúng nhân dân như đợt lấy ý kiến góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 lần này. Qua đó cũng cho thấy sự mong mỏi và kỳ vọng của nhân dân đối với việc đổi mới hoạt động lập pháp của nước nhà. Đánh giá về công tác triển khai lấy ý kiến vào dự thảo sửa đổi hiến pháp đợt này, bà Thái Thị An Chung - Phó Trưởng ban Pháp chế, thành viên Ban Chỉ đạo thực hiện lấy ý kiến nhân dân vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 của tỉnh, tổ trưởng tổ giúp việc khẳng định: Chúng ta đã bảo đảm tiến độ, dù việc triển khai chỉ diễn ra trong thời gian ngắn và gặp nhiều khó khăn do địa bàn rộng, việc cung cấp tài liệu về các địa phương, nhất là vùng sâu, vùng xa, trình độ dân trí ở một số vùng vẫn còn nhiều hạn chế...Tất cả các ý kiến trên sẽ tiếp tục được xem xét, tập hợp lại để gửi đến Ban Chỉ đạo của Trung ương trước kỳhọp Quốc hội sắp tới.


Bài, ảnh: Song Hoàng