Báo chí phát huy vai trò là vũ khí tư tưởng sắc bén!

18/06/2013 10:43

(Baonghean) - Tô Hồng Hải - Ủy viên BTV, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

Chủ tịch Hồ Chí Minh - người sáng lập, lãnh đạo Đảng ta và cũng chính Người đã sáng lập ra nền báo chí cách mạng Việt Nam. Trong quá trình hoạt động tìm đường cứu nước, nhận thấy vai trò, sức mạnh tuyên truyền, truyền bá tư tưởng của báo chí, Người đã thành lập tờ báo cách mạng Việt Nam đầu tiên, tờ Thanh niên, ngày 21/6/1925 - sự kiện này sau đó được lấy làm Ngày truyền thống của Báo chí Cách mạng Việt Nam. Người còn thành lập nhiều tờ báo và viết bài cho hàng loạt báo khác. Thời kỳ hoạt động ở Liên Xô, Người tham gia viết bài cho các báo Nhân đạo, Đời sống công nhân, Sự thật, Người cùng khổ, Thư tín quốc tế, Tạp chí Cộng sản...
Các bài báo tập trung nói về các vấn đề liên quan đến giai cấp công nhân, đến cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân ở các thuộc địa, mối quan hệ giữa cách mạng vô sản ở chính quốc và cách mạng thuộc địa. Những tờ báo do Bác sáng lập, những bài báo do Bác viết, thực sự có giá trị như những tài liệu tuyên truyền, đưa tư tưởng, đường lối cách mạng vào các phong trào yêu nước, phong trào công nhân, giác ngộ và tập hợp quần chúng nhân dân dưới ngọn cờ của Đảng. Đó cũng chính là những nền móng đầu tiên, để từ đó vun đắp, tạo dựng nên những thành tựu to lớn của sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam. Và trong suốt 88 năm qua (21/6/1925-21/6/2013), thực tiễn cách mạng đã chứng minh một cách thuyết phục: báo chí cách mạng là một bộ phận vô cùng quan trọng trong “binh chủng hợp thành” thực hiện nhiệm vụ, công tác tư tưởng của Đảng.

Trải qua 88 năm, báo chí Việt Nam có sự phát triển mạnh về số lượng, chất lượng, đóng góp cực kỳ quan trọng đối với toàn bộ sự nghiệp cách mạng của Đảng ta, nhân dân ta, dân tộc ta và tiếp tục đóng góp đối với mọi mặt đời sống kinh tế - chính trị, quốc phòng - an ninh, công tác xây dựng Đảng và củng cố hệ thống chính trị hiện nay.



Đồng chí Tô Hồng Hải trao Giấy khen cho các tác giả đoạt giải cuộc thi sáng tác, quảng bá chủ đề học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Ảnh: Sỹ Minh

Cùng với cả nước, Nghệ An có môi trường báo chí hoạt động sôi động và ngày càng có những đóng góp hết sức quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Hiện tại, trên địa bàn Nghệ An có 2 cơ quan báo chí trực thuộc tỉnh đang thực sự trở thành những cơ quan báo chí lớn, có vị trí rõ nét trên bản đồ báo chí các tỉnh thành trên toàn quốc (Báo Nghệ An, Đài PT-TH Nghệ An), 4 cơ quan báo chí trực thuộc ngành cấp tỉnh có nhiều cố gắng, nỗ lực để tạo dấu ấn đóng góp riêng ở mỗi lĩnh vực (báo: Công an Nghệ An, Lao động Nghệ An; tạp chí: Sông Lam, Văn hóa Nghệ An); 36 cơ quan, văn phòng báo chí trung ương đăng ký thủ tục hoạt động chính thức; cùng với đó là 20 đài truyền thanh - truyền hình địa phương, hàng trăm bản tin và bản điện tử của các huyện, thị, ngành; gần 400 nhà báo có thẻ phóng viên; hàng trăm cộng tác viên thường xuyên, liên tục của các báo Trung ương và địa phương.

Để phát huy, huy động sức mạnh và lợi thế của một đội ngũ báo chí hùng hậu trên địa bàn, thời gian qua, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Thông tin & Truyền thông, Hội Nhà báo tỉnh đã phối hợp chặt chẽ trong thực hiện chức năng lãnh đạo, quản lý, động viên, tạo điều kiện để báo chí tuyên truyền kịp thời, có hiệu quả các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý báo chí và dự báo tình hình phát triển của báo chí; phối hợp tham mưu thực hiện đề án phát triển báo chí Nghệ An từ 2010 đến năm 2015, có tính đến năm 2020; thường xuyên quan tâm, chú trọng việc bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyên môn, rèn luyện bản lĩnh chính trị đối với người làm báo; nêu cao vai trò, vị trí của tổ chức đảng và đảng viên trong cơ quan báo chí; tổ chức tốt hoạt động giao ban công tác báo chí để đánh giá công tác báo chí trong từng tháng, định hướng tuyên truyền và kịp thời rút kinh nghiệm, lưu ý để nâng cao năng lực hoạt động của báo chí một cách thường xuyên, liên tục…

Nhờ đó đã giúp các cơ quan báo chí kịp thời đánh giá rút kinh nghiệm, khắc phục những yếu kém, hạn chế… làm cho hoạt động của báo chí Nghệ An ngày càng nâng cao chất lượng, chú trọng tính hiệu quả, thiết thực, hữu ích đối với sự nghiệp phát triển của tỉnh. Các cơ quan báo chí trong tỉnh đã đổi mới mạnh mẽ về nội dung, hình thức tuyên truyền các văn bản, nghị quyết, chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Tiêu biểu là sự đổi mới cần thiết, kịp thời về tuyên truyền công tác xây dựng Đảng kết hợp với tuyên truyền việc quán triệt thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Báo chí Nghệ An đã góp phần tạo đợt sinh hoạt chính trị tư tưởng sâu rộng, thu hút sự quan tâm của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân về quyết tâm thực hiện thắng lợi việc xây dựng và chỉnh đốn Đảng; đã tạo ra diễn đàn để trao đổi, góp ý, đề xuất các biện pháp, giải pháp để thực hiện tự phê bình và phê bình một cách nghiêm túc, có hiệu quả.

Qua sự tổng hợp các vấn đề báo nêu, các nội dung hồi âm báo chí, các văn bản chỉ đạo xử lý, giải quyết các vấn đề báo chí phản ánh hàng ngày, có thể khẳng định nội dung thông tin của báo chí Nghệ An ngày càng trở nên phong phú, sinh động, đa dạng và tươi mới, không né tránh những điểm nóng, những vấn đề dư luận quan tâm nhưng vẫn đảm bảo được tính khách quan, chính xác; hạn chế tình trạng thông tin sai sót, thông tin thiếu chính xác, cách đưa thông tin một chiều, đơn điệu...

Nhiều sự kiện, vấn đề nảy sinh trên địa bàn tỉnh Nghệ An được các cơ quan báo chí cùng đưa tin và thông tin nhanh, sức kết nối, lan tỏa và tạo hiệu ứng dư luận rất mạnh. Việc giải quyết đơn thư, các vấn đề bạn đọc thắc mắc ngày càng có chất lượng, phúc đáp kịp thời, nội dung tuyên truyền pháp luật ngày càng phong phú, hiệu quả. Các cơ quan báo chí đã thực hiện tốt chức năng cung cấp thông tin, định hướng thông tin, định hướng dư luận, đấu tranh phản bác những quan điểm sai trái, những hành vi, lối sống, biểu hiện, thái độ, trạng thái tâm lý thiếu tinh thần xây dựng.

Thông qua việc tuyên truyền các gương điển hình, các mô hình, những người tốt việc tốt về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị, báo chí Nghệ An đã tuyên truyền những điển hình tiêu biểu về vượt khó làm giàu, vượt khó trong lao động, sáng tạo, về đóng góp và xây dựng phong trào văn hóa, xây dựng nông thôn mới, về những hoạt động vì cộng đồng, về ý thức xây dựng và khát vọng cống hiến, về tinh thần lạc quan cũng như ý thức tự tôn dân tộc, lòng tự hào về quê hương, về đất nước, về con người và sản vật của các vùng miền, xứ sở. Qua đó góp phần giáo dục, bồi đắp tình cảm, hình thành nhân cách, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp và tiếp thu những tiến bộ của nhân loại để xây dựng nên những thế hệ chủ động, sáng tạo trong học tập và lao động, dám làm, dám chịu trách nhiệm, sẵn sàng cống hiến và hy sinh vì nhân dân, vì sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, hoạt động báo chí vẫn còn không ít khó khăn, đồng thời bộc lộ những hạn chế, thiếu sót. Vẫn còn tình trạng báo chí để xảy ra sai sót, sơ suất trong biên tập, đăng tải tin bài có nội dung chất lượng, hiệu quả tuyên truyền không cao, thậm chí không có lợi. Một số cơ quan báo chí chưa vào cuộc tuyên truyền mạnh mẽ các hoạt động thời sự, chính trị quan trọng của tỉnh, của ngành. Một số phóng viên, nhà báo thể hiện rõ thái độ thiếu chú trọng vào việc tuyên truyền các gương người tốt, việc tốt, phong trào tốt, trong khi đó lại quan tâm nhiều đến những thông tin giật gân, câu khách, những nội dung thỏa mãn sự hiếu kỳ...

Công tác quản lý, đánh giá, sử dụng đội ngũ phóng viên, nhất là phóng viên đại diện, thường trú… còn lỏng lẻo. Một số cơ quan báo chí, cơ quan đại diện, thường trú tự tuyển nhận “phóng viên”, “nhân viên”, “cộng tác viên” trái với thẩm quyền và quy định. Do đó, vẫn còn dư luận phản ánh về một bộ phận phóng viên, cộng tác viên hoạt động báo chí thiếu nghiêm túc, làm ảnh hưởng đến môi trường báo chí lành mạnh và sự tác nghiệp nghiêm túc của các nhà báo chân chính. Một số bài báo còn nặng về cái nhìn, quan điểm cá nhân cực đoan, phiến diện, không vì sự nghiệp chung và tính xây dựng chưa cao. Một số cơ quan báo chí chậm đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền. Tình trạng chấp hành Luật Bản quyền, Luật Sở hữu trí tuệ trong hoạt động báo chí chưa nghiêm. Một số cơ quan báo chí điều kiện làm việc còn khó khăn, cơ sở vật chất thiếu thốn, chưa tiến hành xây dựng trụ sở tòa soạn theo quy hoạch của tỉnh. Vẫn còn cơ quan báo chí chưa thành lập cơ quan riêng, còn phụ thuộc cơ quan chủ quản về đội ngũ, về cơ chế, quy chế hoạt động…

Những tồn tại, khó khăn, những yếu kém, khuyết điểm nói trên cần được quan tâm, tháo gỡ, tìm cách khắc phục, xử lý. Cơ quan lãnh đạo, quản lý báo chí và các cơ quan báo chí cần có sự quan tâm đúng mức, nhận rõ từng vấn đề, từng khó khăn, từng khuyết điểm, hạn chế, yếu kém để tìm ra các biện pháp, giải pháp sửa chữa, khắc phục, xử lý kịp thời, dứt điểm. Đó cũng chính là nhiệm vụ trọng tâm, nặng nề, cần có sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan lãnh đạo, quản lý, các cơ quan chủ quản và các cơ quan báo chí để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, nhằm đảm bảo cho các cơ quan báo chí hoạt động tích cực hơn, hiệu quả hơn. Có như thế, báo chí Nghệ An mới phát triển xứng tầm với đòi hỏi của sự nghiệp phát triển của quê hương, đất nước, xứng tầm là “làng báo” của những người làm báo trên quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh - nhà báo lớn của báo chí cách mạng Việt Nam!


T.H.H