Thế giới hứng nhiệt độ kỷ lục

12/03/2013 21:41

Thế giới đang trong giai đoạn nóng nhất kể từ Kỷ Băng hà cuối cùng, và nhiệt độ vẫn tiếp tục gia tăng.

Theo báo cáo trên chuyên san Science, các chuyên gia Mỹ đã tập hợp các giám định về nhiệt độ trong vòng 15.000 năm qua, từ lúc chấm dứt Kỷ Băng hà cuối cùng và kéo dài đến ngày nay.



Giới chuyên gia đang cảnh báo hậu quả khủng khiếp nếu băng vùng cực tan chảy do tác động khí hậu - Ảnh: greendiary.com

Những cuộc nghiên cứu về khí hậu trước đó thường chỉ tập trung vào những thay đổi trong 2.000 năm gần đây, dựa vào các cuộc phân tích vòng cây, lõi trầm tích hồ và tỷ lệ đồng vị trong hang động.

Tuy nhiên, trong nghiên cứu mới, các chuyên gia của Đại học bang Oregon và Harvard (Mỹ) đã sử dụng mẫu lõi của 73 thềm băng và trầm tích tại khắp nơi trên thế giới để tái tạo lại sự thay đổi nhiệt độ toàn cầu nhờ vào quá trình nghiên cứu hóa thạch các vi sinh vật biển.

Cuộc nghiên cứu kết luận rằng nhiệt độ toàn cầu đã dần tăng sau khi Kỷ Băng hà cuối cùng chấm dứt vào khoảng 6.000 năm trước, do những sự thay đổi về trục của Trái đất, khiến bức xạ từ mặt trời dội xuống bắc bán cầu với cường độ mạnh hơn vào mùa hè.

Quá trình ấm lên này đạt đến cực điểm cách đây 5.000 năm, sau đó Trái đất bắt đầu nguội dần khiến nhiệt độ trung bình toàn cầu hạ xuống khoảng 0,8 độ C.

Tuy nhiên, đến đầu thế kỷ 20, khuynh hướng này đảo nghịch, với nhiệt độ tăng lên lại 0,8 độ C, nhưng trong vòng một thế kỷ chứ không phải một thiên niên kỷ như trước đó.

Theo đà này, các chuyên gia kết luận đến năm 2100, địa cầu sẽ chứng kiến mốc nhiệt độ chưa từng có kể từ giai đoạn bình minh của nền văn minh nhân loại.


Theo Thanhnien.com.vn - V.T