Băn khoăn ngày đầu thu phí ATM

03/03/2013 17:27

2 tháng sau ngày Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 35 quy định về phí dịch vụ thẻ ghi nợ nội địa, hôm qua (1/3/2013), Thông tư chính thức có hiệu lực, cho phép các Ngân hàng được thu phí rút tiền mặt đối với các giao dịch nội mạng. Dưới đây là ghi nhận của Phóng viên ngày đầu thực hiện quyết định mới này.

(Baonghean) - 2 tháng sau ngày Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 35 quy định về phí dịch vụ thẻ ghi nợ nội địa, hôm qua (1/3/2013), Thông tư chính thức có hiệu lực, cho phép các Ngân hàng được thu phí rút tiền mặt đối với các giao dịch nội mạng. Dưới đây là ghi nhận của Phóng viên ngày đầu thực hiện quyết định mới này.

Tại Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Vinh – đơn vị có số lượng thẻ lớn trên địa bàn (99.684 thẻ), với 241 đơn vị thực hiện trả lương qua tài khoản, ngay sau khi thông tư 35 có hiệu lực, Ngân hàng TMCP Ngoại thương chi nhánh Vinh đã có thông báo biểu phí dịch vụ thẻ ghi nợ nội địa, ghi nợ quốc tế. Riêng phí giao dịch ATM, vấn tin tài khoản nội mạng chưa thu phí, ngoại mạng thu 550đồng/giao dịch; rút tiền mặt nội mạng thu 1.100 đồng/giao dịch, ngoại mạng giữ nguyên mức 3.300 đồng/giao dịch; chuyển khoản ngoại mạng tăng từ 3.300 đồng/giao dịch lên 5.500 đồng/giao dịch. Trao đổi với chúng tôi, anh Võ Anh Tuấn – Trưởng phòng thanh toán thẻ cho biết: Vietcombank là đơn vị đi tiên phong trên địa bàn về vấn đề lắp đặt máy ATM (hiện có 25 máy) cũng như công tác phát hành thẻ. Nếu như trước đây chi phí lắp đặt cột ATM vào khoảng 1 tỷ đồng thì nay giảm xuống còn khoảng 500 triệu động, đó là chưa kể chi phí thuê địa điểm, đường truyền… Ngoài ra, số dư mỗi máy như vậy vào khoảng 500-700 triệu đồng, nếu không thu phí, ngân hàng sẽ bị lỗ. Thông tư 35 là cơ sở cho việc có thể tạo thêm nguồn thu từ hoạt động thẻ nhằm bù đắp một phần chi phí đầu tư, vận hành hệ thống.

Còn tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) - đơn vị đang có khoảng hơn 10 triệu thẻ ATM, cũng công bố sẽ thực hiện thu phí rút tiền ATM nội mạng, nhưng mức thu thấp hơn quy định tối đa. Agribank sẽ thu 1.000 đồng/giao dịch (đã tính thuế VAT) và sẽ thu phí từ ngày 15/3.



Rút tiền tại cây ATM Ngân hàng Vietcombank.

Trong khi các ngân hàng chiếm thị phần về thẻ lớn như Vietcombank, Agribank thu phí thì tại một số ngân hàng như BaoVietBank, SCB, Vietinbank, Maritime Bank, Techcombank, VIB,... chưa triển khai thu phí ATM nội mạng. Anh Phạm Đình Trinh – Giám đốc Ngân hàng Techcombank chi nhánh Nghệ An cho biết: Ngân hàng chúng tôi có số lượng thẻ phát hành tương đối lớn, riêng địa bàn Nghệ An là khoảng 10.000 thẻ. Vì thế, nếu thu phí sẽ có thêm một nguồn thu không nhỏ, song, trong thời điểm kinh tế khó khăn, đặc biệt là công nhân nghèo thì 1.000 đồng cũng có ý nghĩa. Bên cạnh đó, ngân hàng cũng đang khuyến khích người dân tiếp cận với những tiện ích hiện đại, vì vậy, dù ủng hộ chủ trương thu phí giao dịch ATM nội mạng, Techcombank tạm thời chưa thu phí đối với thẻ nội mạng.

Đến nay, Ngân hàng BaoVietbank không những chưa thu phí mà còn có những chính sách hỗ trợ khách hàng. Lãnh đạo Ngân hàng BaoVietBank chi nhánh Nghệ An cho biết: Đối với giao dịch thẻ ghi nợ nội địa, ngân hàng chúng tôi tiếp tục duy trì chính sách miễn phí rút tiền tại hệ thống ATM của tất cả các ngân hàng trên toàn quốc. Điều này sẽ giúp khách hàng tiết kiệm thời gian, chi phí khi có thể rút tiền tại bất kỳ ATM nào thay vì phải xếp hàng chờ đợi hoặc tìm đúng cây ATM của chính BaoVietBank. Bên cạnh đó, hạn mức rút tiền cũng được nâng lên ở mức 3 triệu đồng/giao dịch đối với thẻ BVLink hạng chuẩn, 5 triệu đồng đối với thẻ BVLink hạng vàng và 15 triệu đồng đối với thẻ BVIP. Theo quan điểm của anh Nam thì “có thể chỉ vì một vài điểm gợn nhỏ, một quy định với tầm ảnh hưởng lớn sẽ mất đi nhiều sự ủng hộ”.

Xung quanh việc có ngân hàng thu, nhưng cũng có ngân hàng chưa thu và thu với mức phí khác nhau, bà Nguyễn Thị Thu Thu – Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Nghệ An cho rằng, tùy vào hiệu quả hoạt động, tình hình kinh doanh dịch vụ thẻ của mình để từng ngân hàng có quyết định khác nhau. Các mức phí cụ thể cũng được tính toán tùy theo năng lực tài chính và chiến lược phát triển dịch vụ thẻ của mỗi ngân hàng. Được biết, đến nay, vẫn còn 34 ngân hàng gửi báo cáo lên Ngân hàng Nhà nước quyết định tiếp tục miễn phí rút tiền nội mạng, để hỗ trợ khách hàng sử dụng thẻ.

Về phía ngân hàng, việc cho phép các NHTM thu phí tuy chỉ ở mức phí rất thấp so với các chi phí bỏ ra sẽ tạo động lực cho các ngân hàng tiếp tục đầu tư vào hoạt động thẻ nhằm mở rộng và không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ để phục vụ khách hàng ngày càng tốt hơn. Tuy nhiên, về phía khách hàng sử dụng thẻ, theo phản ánh, vẫn còn những băn khoăn liên quan đến số tiền tối đa khách hàng được rút mỗi lần và mức phí cụ thể. Anh D (phường Hưng Dũng) phàn nàn: Tôi sử dụng thẻ Visa của Techcombank, rút tiền nội mạng chưa mất phí nhưng mỗi lần rút tiền ngoại mạng bị trừ vào tài khoản 5.940 đồng, vấn tin số dư mất 11.000 đồng phí. Không chỉ trừ phí cao mà việc hiện thị thông tin cũng mập mờ, thiếu chính xác. Tài khoản thông báo còn hơn 7 triệu đồng, nhưng sáng ngày 1/3, tại cây ATM ngay phòng giao dịch Vietcombank Vinh, tôi vấn tin thì thông báo còn chưa đầy 100.000 đồng; nhưng khi rút tiền vẫn thực hiện được. Hỏi ngân hàng thì được trả lời vì rút ngoại mạng nên không kiểm tra được tài khoản. Như vậy tính chất “liên minh” nằm ở đâu?

Ngoài ra, một số khách hàng cũng phản ánh tình trạng mặc dù khi rút tiền, biên lai thể hiện là “lệ phí: 0 VND”, song thực tế tài khoản báo trừ. Ngân hàng là lĩnh vực tài chính, việc mập mờ, không rõ ràng này cần được xem xét lại. Chị Ngọc - ở phường Cửa Nam băn khoăn: Có công bằng không nếu rút 2 triệu đồng cũng mất 1.000 đồng và rút 5 triệu đồng cũng mất chừng ấy phí?

Xung quanh vấn đề này, phía Ngân hàng Nhà nước cho rằng, đã sinh dịch vụ là có thu phí chứ ngân hàng không thể làm “không công”, nhất là trong tình trạng tiền đổ vào tài khoản hôm trước, ngay lập tức hôm sau đã được rút sạch. Người dân hiện đang xem ATM là chiếc ví, cây rút tiền lưu động mà không hiểu ATM là “máy giao dịch tự động” vốn rất nhiều tiện ích. Như vậy, để đảm bảo hài hòa quyền lợi của khách hàng và ngân hàng cần phải thực hiện đồng bộ hạ tầng thanh toán điện tử, tiến tới giao dịch không sử dụng tiền mặt. Chừng nào chúng ta chỉ trả lương, thưởng qua tài khoản mà không có các dịch vụ thanh toán trực tiếp bằng thẻ đi cùng, phát triển thẻ mà không đi liền với thanh toán bằng thẻ, tức là gặp bất cứ giao dịch mua bán nào cũng thanh toán bằng tiền mặt thì việc rút tiền của khách hàng cũng như việc thu phí của ngân hàng là đương nhiên. Do đó, lợi ích của ngân hàng, người dân vẫn chưa gặp nhau là điều còn phải chấp nhận dài dài.


Bài, ảnh: Thu Huyền