Khi “cần câu” cho người nghèo phát huy hiệu quả

18/03/2013 16:45

Trong năm qua, thành phố Vinh đã có những bước tiến đáng kể trong công tác xóa nghèo, giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 1,69% xuống còn 1,26%. Để có được kết quả này, bên cạnh những nỗ lực của cả hệ thống chính trị và các tổ chức xã hội là ý thức vươn lên của những người nghèo…

(Baonghean) - Trong năm qua, thành phố Vinh đã có những bước tiến đáng kể trong công tác xóa nghèo, giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 1,69% xuống còn 1,26%. Để có được kết quả này, bên cạnh những nỗ lực của cả hệ thống chính trị và các tổ chức xã hội là ý thức vươn lên của những người nghèo…



Anh Lê Duy Sơn bên con bò sinh sản mua từ khoản tiền vay của Ngân hàng chính sách xã hội.

Gia đình anh Lê Duy Sơn (xóm Mỹ Hạ, xã Hưng Lộc) dù vẫn còn những khó khăn, vất vả nhưng đã ổn định hơn bởi chọn được hướng đi để thoát nghèo. Là hộ nghèo của xã Hưng Lộc, tháng 8/2012, anh Sơn được Ban chỉ đạo “Chương trình nuôi gà an toàn sinh học hỗ trợ xóa nghèo” xét duyệt cấp cho 95 con gà giống và 2 tháng thức ăn cho gà. Được hướng dẫn làm chuồng trại, cách phòng dịch bệnh, cách cho ăn theo đúng phương pháp…, sau một thời gian chăn nuôi, gà tăng trưởng nhanh đã đem lại nguồn thu nhập ổn định. Hiện nay, ngoài gần 20 con gà mái đẻ, anh chị đã nuôi thêm được gần 100 con gà giống; vay thêm một khoản tiền từ Ngân hàng Chính sách Xã hội để đầu tư nuôi bò sinh sản… Ở xã Hưng Lộc, ngoài gia đình anh Sơn, có khá nhiều gia đình đã có thu nhập từ chăn nuôi gà của chương trình nuôi gà an toàn sinh học như: gia đình anh Hoàng Đăng Ninh (xóm 11), gia đình anh Lê Duy Tiến (xóm Mỹ Trung), gia đình chị Phạm Thị Mây (xóm Ngũ Lộc)…



Ngôi nhà mới của chị Hồ Minh Phúc - xóm Mẫu Đơn, xã Hưng Lộc được xây dựng từ vốn “Quỹ vì người nghèo”.

Để giúp người dân có vốn làm ăn, từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách, xã Hưng Lộc giao cho 3 tổ chức hội: Nông dân, Phụ nữ và Cựu chiến binh quản lý nguồn vay, vốn ủy thác. Các tổ chức hội này đã thành lập 21 tổ vay vốn ở các xóm, qua đó có 223 hộ được vay với tổng số tiền là 5.288.360.000 đồng. Cũng với cách làm đó, khi thành phố triển khai “Chương trình chăn nuôi gà an toàn sinh học giảm nghèo năm 2010 - 2012”, xã Hưng Lộc đã thành lập Ban chỉ đạo với sự tham gia của đại diện các phòng, ban, hội… do lãnh đạo xã làm trưởng ban. Thời gian qua, xã đã cấp được 8.500 con gà giống kèm theo 2 tháng thức ăn cho 84 hộ chăn nuôi. Theo ông Nguyễn Văn Hà, Chủ tịch UBND xã, bên cạnh sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị xã hội, các gia đình được vay vốn đã có định hướng đúng trong việc sử dụng vốn vay nên làm ăn có hiệu quả; các gia đình nhận chăn nuôi gà cũng đã có thêm thu nhập, nhiều gia đình đã tiếp tục tái tạo được đàn gà mới.

Ở phường Hưng Dũng, đầu năm 2012 có tới 1,75% hộ nghèo, nhưng đến nay, số hộ nghèo đã giảm xuống còn 1,09%. Có được kết quả đó là nhờ sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị và các tổ chức xã hội trong việc xóa nghèo cho người dân. Hiện nay, toàn phường có 300 hộ vay vốn sản xuất, chăn nuôi và làm dịch vụ; 16 hộ tham gia “Chương trình chăn nuôi gà an toàn sinh học giảm nghèo năm 2010 - 2012”. Trước khi các hộ được vay vốn, phường cùng các tổ chức hội đều có khảo sát đánh giá cụ thể, đồng thời hướng cho họ nên sử dụng vốn vào việc gì cho phù hợp với hoàn cảnh của gia đình. Sau khi các hộ được vay vốn, phường lại cùng các tổ chức hội thường xuyên giám sát, kiểm tra để họ sử dụng vốn vay đúng mục đích. Bên cạnh đó, các hộ vay vốn đều có ý chí xóa nghèo nên sử dụng vốn có hiệu quả, trả nợ vay đúng kỳ hạn. Ngoài ra, các tổ chức hội còn xây dựng được các quỹ tín dụng tiết kiệm, qua đó đã giúp đỡ được các hội viên của mình làm kinh tế khá hiệu quả. Hội Phụ nữ xây dựng được tổ nhóm tín dụng tại 18 chi hội với 240 người vay với tổng số tiền 1.920.000.000 đồng; Hội Cựu chiến binh có quỹ tín dụng với 700 hội viên tham gia với số tiền 1.400.000.000 đồng…

Theo số liệu của Phòng LĐTB&XH Thành phố Vinh, đến cuối năm 2012, toàn thành phố còn 878 hộ nghèo, tỷ lệ 1,26%, giảm được 0,43%; 69 khối, xóm không còn hộ nghèo, 73 khối xóm không còn hộ cận nghèo, trong đó có 35 khối xóm đã xóa nghèo và cận nghèo; năm 2013, thành phố phấn đấu giảm tỷ lệ nghèo xuống còn 0,96%. Ông Trần Quốc Thọ - Trưởng phòng LĐTB&XH thành phố, cho biết: “Thành phố đã nắm bắt tình hình thực tế cụ thể hơn, qua đó đã phân loại đối tượng hộ nghèo để cùng các phường xã có phương án giảm nghèo cụ thể, đồng thời hàng quý tổ chức kiểm tra tình hình để nắm chắc việc thực hiện. Qua đó, công tác giảm nghèo có kết quả khá tốt và đảm bảo thực chất”. Cũng theo ông Trần Quốc Thọ, để đạt được chỉ tiêu giảm nghèo đã đề ra, cách làm mới của thành phố là phân công các cơ quan, đơn vị trên địa bàn nhận giúp đỡ khối, xóm nghèo; có cơ chế khen thưởng để kịp thời động viên phường, khối, xóm, dòng họ xóa được nghèo; phát động phong trào thi đua xóa nghèo ở cấp phường và khối, xóm.


Nhật Lân