Nỗi lo cái ăn cho học trò
Đến tháng cuối cùng của năm học 2012-2013, hàng nghìn học sinh phổ thông cơ sở, THCS dân tộc bán trú huyện Kỳ Sơn mới nhận được tiền hỗ trợ ăn, ở học kỳ 2 theo Quyết định số 85/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Ban hành một số chính sách hỗ trợ học sinh bán trú và trường phổ thông dân tộc bán trú”. Có nhiều “lý do hợp lý” của sự chậm trễ này, nhưng rõ ràng từ tháng 1 đến tháng 5/2013, các em đã phải đến trường trong tình trạng “cơm cháo cầm hơi”.
(Baonghean) - Đến tháng cuối cùng của năm học 2012-2013, hàng nghìn học sinh phổ thông cơ sở, THCS dân tộc bán trú huyện Kỳ Sơn mới nhận được tiền hỗ trợ ăn, ở học kỳ 2 theo Quyết định số 85/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Ban hành một số chính sách hỗ trợ học sinh bán trú và trường phổ thông dân tộc bán trú”. Có nhiều “lý do hợp lý” của sự chậm trễ này, nhưng rõ ràng từ tháng 1 đến tháng 5/2013, các em đã phải đến trường trong tình trạng “cơm cháo cầm hơi”.
Trường phổ thông dân tộc bán trú (PT DTBT) THCS Nậm Càn có 211 học sinh thì có 139 em thuộc diện được hỗ trợ tiền ăn hàng tháng bằng 40% mức lương tối thiểu theo QĐ 85/2010/QĐ-TTg (trên 400.000đ). Theo qui định, nguồn hỗ trợ được chuyển về các trường chi trả và trong 9 tháng được hưởng hỗ trợ, các em học sinh nhận 2 lần vào đầu hoặc giữa học kỳ. Thế nhưng đến cuối tháng 4/2013, các em vẫn chưa nhận được nguồn hỗ trợ của học kỳ 2. Bởi vậy, rất nhiều lần phụ huynh và học sinh đã đến Ban Giám hiệu “đòi tiền mua gạo”, do kinh phí huyện chưa giải ngân kịp thời nên nhiều lúc, nhà trường “khó nói” với phụ huynh và học sinh. Thực trạng ở Trường PT DTBT Nậm Càn cũng chính là hoàn cảnh chung của cả 17 trường PT DTBT trên địa bàn huyện Kỳ Sơn.
Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Nậm Càn về bản lấy thêm gạo để đến trường.
Theo thống kê của Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Kỳ Sơn, năm học 2012-2013, toàn huyện có 2.603 học sinh được hưởng chế độ hỗ trợ tiền ăn hàng tháng, với số tiền gần 9 tỷ đồng. Riêng học kỳ 2, số tiền các em được nhận là trên 4 tỷ, 400 triệu đồng. Học kỳ 1 các em đã được thanh toán vào dịp cuối kỳ và học kỳ 2 cũng vào dịp sắp kết thúc năm học. Với những nhu cầu thực tế thiết thực, việc chi trả nguồn hỗ trợ chậm ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt, nhất là vấn đề lo đủ ăn cho các em đến lớp mỗi ngày. Theo ông Nguyễn Hồng Hoa - Trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo huyện thì số tiền 400.000 đồng mỗi tháng là nguồn kinh phí quan trọng đối với các hộ đồng bào dân tộc để mua gạo cho con em theo học. Ngành Giáo dục biết như vậy, nên mỗi khi có kinh phí là các trường chi trả ngay, nhưng do nhiều khâu đoạn về duyệt hồ sơ, duyệt kinh phí nên nguồn tiền hỗ trợ cho các em chậm.
Qua trao đổi, ông Lô Khăn Lai, Trưởng phòng Tài chính huyện Kỳ Sơn cho rằng, việc chậm chi trả cho học sinh theo QĐ 85/2010/QĐ-TTg là do hồ sơ các trường trình lên các cấp nhiều lúc phải chỉnh sửa và phải qua các khâu thẩm định. Nhưng trong thực tế, nguồn kinh phí hỗ trợ cho học sinh dân tộc bán trú được Chính phủ chỉ đạo tỉnh trích nguồn ngân sách chuyển cho các huyện ngay từ đầu các học kỳ. Về nguyên tắc thì số lượng học sinh, tổng nguồn tiền chi trả đã được thông qua từ đầu các năm học mới. Một phép tính cơ học là các trường chỉ cần nắm được biến động số lượng học sinh lớp 9 ra trường và học sinh từ tiểu học vào lớp 6 là có ngay số học sinh thuộc diện được hỗ trợ. Còn công tác thẩm định đối tượng được hưởng thì chính quyền và nhân dân các xã vào cuộc; các phòng, ban cấp huyện tổ chức chi trả và giám sát.
Lớp vắng nhiều học sinh vào buổi học cuối tuần.
Những năm qua, bằng nhiều nguồn đầu tư, cơ sở vật chất các trường học ở vùng cao Kỳ Sơn được nâng lên khang trang hơn. Qua thăm dò, rất nhiều trường PT DTBT khẳng định có thể tổ chức nhà bếp tập thể, nấu ăn cho học sinh để các em không phải về nhà gùi gạo, muối đến trường vào dịp cuối tuần và hạn chế tối đa việc các em vào rừng hái rau, lấy măng như lâu nay.
Thầy Nguyễn Công Danh, Hiệu trưởng Trường PT DTBT Nậm Càn cho biết: Trường có thể làm được, nhưng với điều kiện là nguồn kinh phí phải chuyển về trường vào đầu học kỳ để tính toán, chi tiêu hợp lý. Lo ổn định cái ăn là giúp các em tập trung học tập. Chứ lâu nay, sau mỗi giờ lên lớp, các em lại phải lúi húi kiếm củi nấu cơm, thức ăn thì ít khi có nên học sinh bán trú dân nuôi chưa đủ dinh dưỡng. Nhiều em, học đến tiết thứ 4 có biểu hiện xuống sức, không thể tiếp thu được bài giảng. Còn vào buổi học sáng thứ 7 hàng tuần, tỷ số học sinh vắng nhiều do các em về nhà lấy gạo… Nếu tổ chức được bếp ăn tập thể sẽ hạn chế được thực trạng lâu nay là kinh phí hỗ trợ các em về tới gia đình, phụ huynh lại dùng vào việc khác. Có gia đình thì dùng tiền đó mua sắm các vật dụng trong nhà, có phụ huynh thì đem đi trả nợ, thậm chí có nhiều ông bố đưa đi uống rượu hết. Cho nên, lo cái ăn vẫn là chuyện phải đối mặt hàng ngày của các em học sinh.
Ngành Giáo dục và Đào tạo đang ra sức phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức xã hội và các doanh nghiệp để lo “3 đủ” (đủ ăn, đủ quần áo và đủ sách vở) cho học sinh đến trường. Chủ trương này thực sự làm ấm lòng học sinh ở những vùng nghèo khó. Cũng như nhiều địa bàn khó khăn khác, với sự gửi tặng của các tập thể, cá nhân, học sinh vùng sâu, vùng xa cơ bản có đủ sách vở và quần áo đến trường nhưng cái ăn hàng ngày vẫn là điều trăn trở nhất. Ở vùng cao, thời tiết thất thường, nhiều lúc thất thu mùa vụ, nguồn hỗ trợ của Chính phủ thì về chậm. Đặc biệt, đối với huyện miền núi cao Kỳ Sơn, nơi tỷ lệ hộ nghèo còn trên 72%, việc lo cái ăn cho học sinh đang gặp nhiều khó khăn.
Chiều cuối tuần, trên các triền dốc huyện rẻo cao biên giới Kỳ Sơn, các nhóm học sinh lại mang gùi về bản lấy thêm gạo, cả khoai, sắn để tiếp tục cuộc “trường chinh” với con chữ, với kiến thức, cháy bỏng mong ước thoát nghèo.
Bài, ảnh: Nguyên Sơn