Người thợ cày viết báo
(Baonghean.vn) - Tôi và nhiều phóng viên, biên tập viên của Báo Nghệ An đôi lúc nhận được những tin nhắn của ông. Bao giờ...
(Baonghean.vn) - Tôi và nhiều phóng viên, biên tập viên của Báo Nghệ An đôi lúc nhận được những tin nhắn của ông. Bao giờ cũng là những dòng hỏi thăm sức khỏe, rồi đến những lời khen (hoặc chê) một bài báo mà ông vừa đọc được trên báo. Thi thoảng, ông thông báo rằng mình đang ở một vùng hẻo lánh, xa xôi nào đó, sẽ gửi bài xuống cho Báo khi nào ông về…Rồi ông muốn được hướng dẫn thêm về cách viết, muốn được nghe góp ý…
Bài viết của ông, bao giờ cũng thế, là bài báo viết tay bằng nét chữ mềm mại, cẩn trọng, sạch sẽ, gửi theo đường phát nhanh của bưu điện. Đã có lúc, ông gửi xuống những bài thơ qua email, nhưng sau đó ông nói thật bất tiện vì ông phải lặn lội ra chờ ở cửa hàng vi tính nơi phố huyện (ông có máy tính nhưng…chưa nối mạng). Mỗi lần nhận bài của ông, tôi lại thấy trong đó có bao nhiêu hương vị của mảnh đất ông qua, thường thấm đẫm hơi thở của núi rừng, của những triền dốc rét sương, những con suối thao thức những bản làng bừng dậy trong nắng sớm… Có mồ hôi của ông, bước chân ông hòa cùng với bước chân người Khơ Mú, người Mông trên những con đường trơn trượt, có bàn tay ông tỳ lên trang giấy bên ngọn đèn nhỏ và viết lên những dòng chữ với bao nhiêu tâm huyết, trăn trở…
Mùa đông vừa rồi, đúng những ngày rét nhất, tôi nhận được tin nhắn của ông “Mai chú xuống Vinh, có món quà gửi xuống biếu anh chị em biên tập viên, phóng viên Miền núi”. Tôi nhắn lại: “Thôi để bữa sau chú ơi, khi nào trời ấm, tiện thì chú xuống chơi với anh chị em”. Nhưng ông kiên quyết: “Không, chị không phải lo đâu. Chú còn cày ruộng lúc trời 7 độ C cơ”.
Tôi thấp thỏm mãi, biết tính ông, đã quyết là làm, không ngại khó, ngại khổ. Thế là sáng hôm sau, lúc đang đi làm, nhận được điện thoại của ông: “Chú đang đứng trước cổng tòa soạn đây rồi. Nhưng vì đang giờ làm việc nên chú không vào đâu. Chị ra cổng, chú gặp chút ”.
Đứng chờ tôi ngoài cổng là ông già nhỏ bé, bước đi tập tễnh. Chiếc xe Cub đời 81, cái ba lô ở đằng trước còn lấm bụi đường. Và giá rét… Hỏi ông: “Chú xuống lúc mấy giờ, đã giải quyết được công việc chi chưa ạ?” Ông nói: “Chú vừa xuống đây, sang Hội VHNT tỉnh một chút, nộp cái bản thảo tập thơ, cũng không giải quyết việc gì khác. Chú mang cho anh chị em ít bánh đa quê”. Ông mở ba lô, cái ba lô đựng toàn bánh đa.
Ông bắt tay tôi, bàn tay to rộng của người thợ cày. Bàn tay ấy dắt trâu đi trên đường cày khi trời có 7 độ C. Bàn tay ấy cũng cặm cụi từng nét chữ viết về vùng cao đầy gian khó để gửi xuống cho chuyên trang Miền núi-Dân tộc của báo mình. Bàn tay ấy cũng viết nên những dòng thơ gan ruột, những suy ngẫm thế sự đầy ưu tư. Đáng lẽ ra, ông đã là một luật sư từ cách đây mấy mươi năm. Vậy mà, vì nhiều lẽ, ông đã phải trở về quê làm một thợ cày…
Tôi nhìn theo ông, nhìn cái bước chân tập tễnh của ông dắt xe máy qua đường, thấy lòng mình trào lên những kính trọng, xót xa… Ông, người thợ cày viết báo, thường ký dưới cái tên bài viết giản dị một dòng tên: Cộng tác viên Võ Văn Vinh.
Thùy Vinh