Sớm giải quyết vướng mắc ở xóm Bãi Đình

22/05/2013 16:22

Xóm Bãi Đình nằm trên bãi phù sa cuối xã Hưng Lam, huyện Hưng Nguyên. Tuy nhiên, xóm dân cư này lại thuộc quyền quản lý hành chính của xã Đức Quang, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Đây chính là nguyên nhân tạo ra sự nhập nhằng, thiếu nhất quán trong công tác quản lý dân cư, khiến hơn 30 hộ dân Bãi Đình thấp thỏm lo âu sợ rơi vào quên lãng.

(Baonghean) Xóm Bãi Đình nằm trên bãi phù sa cuối xã Hưng Lam, huyện Hưng Nguyên. Tuy nhiên, xóm dân cư này lại thuộc quyền quản lý hành chính của xã Đức Quang, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Đây chính là nguyên nhân tạo ra sự nhập nhằng, thiếu nhất quán trong công tác quản lý dân cư, khiến hơn 30 hộ dân Bãi Đình thấp thỏm lo âu sợ rơi vào quên lãng.



Ông Nguyễn Sửu – người dân xóm Bãi Đình.

Ông Nguyễn Sửu, người dân xóm Bãi Đình khá hài hước khi nói: “Có lẽ chúng tôi nên tự hào vì Bãi Đình là xóm nằm trên địa bàn 3 xã, 2 huyện và 2 tỉnh.” 3 xã là Hưng Lam, Hưng Phú, Đức Quang; 2 huyện là Đức Thọ và Hưng Nguyên, còn 2 tỉnh là Nghệ An và Hà Tĩnh. Sinh sống trên khu vực bãi giữa của dòng sông Lam, bờ bắc thuộc huyện Hưng Nguyên còn bờ nam thuộc huyện Đức Thọ nên Bãi Đình gần giống với ốc đảo.

Theo ông Nguyễn Văn Hào – Chủ tịch UBND xã Hưng Lam, người dân Bãi Đình thực hiện việc xâm cư, chuyển đến sinh sống trên địa giới hành chính thuộc quyền quản lý của xã Hưng Lam từ những năm 80 của thế kỷ 20. Sở dĩ có thực tế này là vì trước đó xã Đức Quang có trên 40 ha đất xâm canh trên khu vực bãi bồi của xã Hưng Lam. Từ xâm canh tiến đến xâm cư. Ông Chu Đình Lưu - Chủ tịch UBND xã Đức Quang, huyện Đức Thọ cũng cho rằng việc xâm cư là vi phạm pháp luật, nhưng việc người dân tỉnh Hà Tĩnh cư trú tại khu vực Bãi Đình có lịch sử từ bao đời nay. Năm 1945 đã có 7 hộ dân của thôn Cộ, làng Quang Dụ, xã Đức Quang cư trú, sinh sống tại đây. Qua tìm hiểu thực tế tại xóm Bãi Đình, người dân cho biết, họ chính thức di chuyển nơi cư trú từ năm 1985. “Chúng tôi đến đây theo chủ trương di dân ra bãi bồi của tỉnh Nghệ Tĩnh (lúc đó chưa tách tỉnh), nhưng nay thì không ai quan tâm cả”, ông Nguyễn Sửu, người dân xóm Bãi Đình đã lắc đầu ngao ngán.

Hiện tại, 32 hộ dân với 104 nhân khẩu xóm Bãi Đình đang canh tác, trồng trọt trên diện tích đất khoảng 60ha. Theo quy định của xã Đức Quang, người dân Bãi Đình đang canh tác, sản xuất trên 2 loại đất là đất hằng năm và đất thầu khoán. Đất hằng năm là loại đất vườn, đất khai hoang trồng trọt không ổn định vì phụ thuộc vào tính chất bồi – lở của sông; còn đất thầu khoán là đất sản xuất lâu dài. Theo đó, mỗi khẩu được chia 1,6 sào đất thầu khoán và hằng năm phải nộp khoản thuế tương đương 24kg thóc/người. Đối với đất sản xuất hằng năm hộ nào tham gia sản xuất sẽ phải nộp từ 8kg đến 13 kg lạc/sào (tùy theo vị trí đất).



Nhà của một hộ dân xóm Bãi Đình.

Ngoài các khoản thuế nông nghiệp, người dân Bãi Đình còn phải nộp 4 loại quỹ khác là an ninh quốc phòng, trẻ em, người nghèo và y tế. Mọi nghĩa vụ đều được thực hiện tại xã Đức Quang. Anh Nguyễn Văn Đông cho biết: “Tiếng là công dân xã Đức Quang nhưng các hộ dân Bãi Đình chẳng được hưởng gì từ chính quyền địa phương này. Đời sống sinh hoạt của bà con hoàn toàn tự cung tự cấp. Muốn thực hiện các thủ tục hành chính, xin dấu má, làm khai sinh, khai tử thì mọi người phải sang bên kia sông. Chẳng thế mà mỗi hộ đều tự trang bị một chiếc thuyền để vừa thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước vừa phòng chống lụt lội hằng năm. Tuy vậy, việc đi lại của người dân đã gặp không ít khó khăn, nguy hiểm nhất là vào mùa mưa bão.” Ông Lê Xuân Vỵ - xóm trưởng xóm Bãi Đình cho biết, muốn về xã nếu không đi bằng thuyền thì người dân chỉ còn cách vượt trên 30km vòng qua cầu Bến Thủy để về bờ phía bên kia.

Là công dân có hộ khẩu ở tỉnh Hà Tĩnh, nhưng con em của người dân Bãi Đình lại đang học hành tại xã Hưng Lam.

Để giải quyết những tồn tại ở xóm dân cư Bãi Đình, các cấp chính quyền của hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đã từng có chủ trương sáp nhập cụm dân cư vào xã Hưng Lam. Tuy nhiên các hộ dân Bãi Đình không đồng tình. Họ lo sợ khi sáp nhập diện tích đất sản xuất canh tác sẽ bị giảm do phải chia lại. Đến nay, trong cụm dân cư vẫn tồn tại 2 luồng ý kiến trái ngược nhau về việc nhập vào Hưng Lam hay giữ nguyên như trước. Trên thực tế, lâu nay vì không khai thác hết quỹ đất, người dân Bãi Đình cho nhiều hộ ở xã Hưng Lam, Hưng Phú thuê để sản xuất, bình quân mỗi sào 500 nghìn đồng.

Theo ông Nguyễn Văn Hào, quan điểm của chính quyền địa phương là: nếu tỉnh bắt buộc thì xã chấp hành việc tiếp nhận, quản lý xóm Bãi Đình còn thực tế xã không hề muốn nhận. Vì đây là xóm nằm tách biệt ngoài đê, xa khu vực hành chính, vào mùa mưa lũ xã không kham nổi. Ở phía ngược lại, ông Chu Đình Lưu cho biết, vì bà con chưa thống nhất trong việc trở thành công dân của tỉnh Nghệ An nên xã không còn cách nào khác. Cũng theo ông Lưu, kể từ khi có Chương trình Quốc gia về nông thôn mới, xóm Bãi Đình không còn là một tổ chức hành chính độc lập mà nhập vào thôn Trung Thành và trở thành một Đội sản xuất của thôn này. Tuy vậy, về bản chất mọi sinh hoạt, điều kiện sống của Bãi Đình vẫn không thay đổi. Xóm có 2 đảng viên thì vẫn đang sinh hoạt chung với Chi bộ thôn Trung Thành như lâu nay. Còn các tổ chức đoàn thể khác thì không có. Có lẽ điều đáng mừng duy nhất mà từ trước đến giờ người dân Bãi Đình mới được hưởng từ chính sách của chính quyền địa phương là họ không phải nộp khoản phí nào để thực hiện Chương trình nông thôn mới ở thôn Trung Thành phía bên kia sông.

Để giải quyết những vướng mắc ở cụm dân cư Bãi Đình, vấn đề đặt ra hiện nay là các cấp chính quyền địa phương của 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh cần có sự thống nhất về mặt chủ trương; căn cứ vào điều kiện cụ thể để tuyên truyền, vận động bà con thực hiện việc sáp nhập vừa đảm bảo quyền lợi của mỗi hộ dân vừa tạo điều kiện giúp chính quyền địa phương quản lý tốt dân cư.


Đào Tuấn