"Gà đẻ, gà cục tác"

04/03/2013 18:15

(Baonghean) - Vừa qua, có một nhà máy đường trên địa bàn Nghệ An hạ mức giá mua mía nguyên liệu từ 900.000đ/tấn đầu vụ xuống còn 870.000đ/tấn, với lý do “giá đường hiện nay thấp”.

Người trồng mía kể cho người trồng lạc nghe một mẩu chuyện tương tự xảy ra trong vụ ép 2005-2006. Năm đó, nhà máy mua mía 390.000đ/tấn trong khi các tỉnh phía Nam mua trên 580.000đ/tấn. Nông dân Nghệ An thắc mắc thì “gà mái” (doanh nghiệp) giải thích: giá đường hạ, mua cao hơn nhà máy sẽ bị lỗ, giá ấy là đã vì nông dân rồi ! Giữa lúc còn nghi ngờ nhau, có một bài báo đăng trên báo Nghệ An nhan đề: “Doanh nghiệp và người trồng mía, ai hơn, ai thiệt?” đã làm sáng ra cả. Ông Chủ nhiệm HTX nông nghiệp xã Nghĩa Đức, cũng thừa nhận: “Ít nhất nhà máy chế biến đường lợi gấp 3 lần nông dân chúng tôi!”. Lạ thế, sau bài báo, không biết nhà máy lời lỗ thế nào mà thấy mặc dù giá mua mía được nâng lên ngang mức các tỉnh phía Nam mà lương công nhân nhà máy vẫn cao; nhà máy còn bỏ vốn đầu tư hàng trăm tỷ đồng để nâng công suất lên gấp rưỡi!

Bây giờ giá mía hạ thêm vẫn bài ca muôn thuở ấy! Thiển nghĩ, cho dù giá cả thị trường thay đổi, nhưng điều căn bản nhất vẫn là “đầu vào” - “đầu ra” của hai nhà đều tăng cả. Giá mua mía bây giờ lên 900.000đ/tấn như đầu vụ, thì giá bán đường cũng lên 18 nghìn đồng/kg. Nếu so tỷ lệ giữa giá mua mía với giá bán đường tại hai thời điểm, thì cũng không chênh lệch lắm. Nói cách khác, nhà máy không lãi nhiều thì cũng không đến nỗi như người trồng mía phải “lấy công làm lãi” ! Vả lại, ngay bên cạnh, một nhà máy khác thiết bị công nghệ thua kém hơn là Nhà máy đường Sông Con, vẫn cam kết giữ nguyên giá mía 910.000đ/tấn.

Người trồng lạc bàn thêm: “Ở huyện tôi có 15 doanh nghiệp kinh doanh lạc. Họ ngày một giàu thêm, nhưng cũng thường “kêu” như thế. Vụ lạc họ thường đợi tư thương mua gom đem đi biên giới Trung Quốc bán ép giá người dân trồng lạc và người dân làm “hàng xáo” như thế nào, rồi mới quyết định ra đòn của mình. Người trồng lạc nằn nì doanh nghiệp mua cao thêm một vài giá thì cũng được doanh nghiệp giải thích giá bán nước ngoài hạ, sẽ bị lỗ như nhà máy đường nọ! Cò cưa nhau mãi. Vì thế, giá lạc rớt đến thảm hại như năm 2008 (giá chỉ còn từ 10 đến 11 nghìn đồng/kg lạc vỏ khô khén). Người trồng lạc chán nản, doanh nghiệp không mua được hàng xuất khẩu, cũng giảm doanh số, sa thải công nhân, mất bạn hàng. May thay, 2 năm nay, ở Diễn Thịnh (Diễn Châu), với cách làm của doanh nghiệp Sĩ Thắng, biết nhân nhượng với lợi ích người nông dân trồng lạc, để hai bên cùng có lợi - doanh nghiệp mua cao hơn giá thị trường từ 500 đến 1000đ/kg lạc và mua hết, mua ổn định mặc cho biến động của thị trường. Kết quả, doanh nghiệp Sĩ Thắng vẫn tăng lợi nhuận (từ 1,7 tỷ đồng lên 2,286 tỷ đồng) mà người nông dân ký hợp đồng lại rất phấn khởi.

Như vậy, bằng cách chung thủy, sẻ chia quyền lợi hợp lý với người nông dân cung ứng nguyên liệu đầu vào, con gà doanh nghiệp vẫn cứ đẻ ra “trứng vàng”, không cần “tác” lên inh ỏi.


Hoàng Chỉnh