“Hãy nghĩ về môi trường trước khi tiêu thụ thực phẩm”

04/06/2013 15:11

Lãng phí lương thực, thực phẩm cũng chính là lãng phí các nguồn tài nguyên thiên nhiên, đồng thời gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường. Do đó, chủ đề Ngày Môi trường Thế giới năm 2013 đã được Đại hội đồng Liên Hiệp quốc lựa chọn với chủ đề: “Hãy nghĩ về môi trường trước khi tiêu thụ thực phẩm” nhằm tạo ra một chiến dịch chống lãng phí lương thực, thực phẩm trên toàn cầu để giảm những tác động tiêu cực đến môi trường từ việc sử dụng thực phẩm.

(Baonghean) - Lãng phí lương thực, thực phẩm cũng chính là lãng phí các nguồn tài nguyên thiên nhiên, đồng thời gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường. Do đó, chủ đề Ngày Môi trường Thế giới năm 2013 đã được Đại hội đồng Liên Hiệp quốc lựa chọn với chủ đề: “Hãy nghĩ về môi trường trước khi tiêu thụ thực phẩm” nhằm tạo ra một chiến dịch chống lãng phí lương thực, thực phẩm trên toàn cầu để giảm những tác động tiêu cực đến môi trường từ việc sử dụng thực phẩm.

Theo tổ chức Nông lương - Liên Hợp quốc (FAO), mỗi năm thế giới lãng phí 1,3 tỷ tấn lương thực. Hiện tại, trong khi cả hành tinh đang phải đấu tranh để có thể cung cấp đủ lương thực cho 7 tỷ người (dự kiến sẽ tăng đến 9 tỷ người vào năm 2050), FAO ước tính rằng, một phần ba sản lượng lương thực trên toàn cầu đang bị lãng phí hoặc thất thoát.

Lãng phí lương thực cũng chính là lãng phí các nguồn tài nguyên thiên nhiên, đồng thời cũng gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường. Bởi quá trình sản xuất lương thực, thực phẩm, tất cả các nguồn tài nguyên và các yếu tố đầu vào được sử dụng trong quá trình sản xuất cũng bị tiêu hao và mất đi.



Nông sản được bày bán tại chợ Rào Gang - Thanh Chương.

Trong lĩnh vực sản xuất lương thực, việc sản xuất lương thực trên toàn cầu chiếm 25% diện tích đất lưu trú, tiêu tốn khoảng 70% lượng nước ngọt, góp 80% vào nạn chặt phá rừng và 30% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Đây cũng chính là nguyên nhân lớn nhất làm suy giảm sự đa dạng sinh học và thay đổi loại hình sử dụng đất. Sử dụng lãng phí lương thực còn dẫn đến sử dụng lãng phí các chất hóa học như phân bón và thuốc trừ sâu, tốn nhiều nhiên liệu hơn cho việc vận chuyển; sử dụng thực phẩm hỏng tạo ra nhiều mêtan - một trong những loại khí gây hiệu ứng nhà kính có hại nhất gây ra biến đổi khí hậu (Mêtan gây hiệu ứng nhà kính nguy hiểm gấp 23 lần so với CO2). Lượng lớn thức ăn thừa mang tới bãi rác cũng góp phần đáng kể vào việc nóng lên của trái đất.

Từ sự mất cân bằng quá lớn trong lối sống và những ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường do lãng phí lương thực, thực phẩm, chủ đề Ngày Môi trường thế giới năm 2013 đã được Đại hội đồng Liên Hợp quốc lựa chọn là: “Hãy nghĩ về môi trường trước khi tiêu thụ thực phẩm”, nhằm kêu gọi mọi người cùng hành động để giảm lãng phí lương thực, thực phẩm, tiết kiệm tài chính, giảm tối đa các tác động đến môi trường từ việc sản xuất lương thực, thực phẩm.

Đối với Nghệ An, lời kêu gọi này như một hồi chuông báo động cho mọi người hãy dừng lại lối sống “ăn tràn lan, uống xả láng” một cách phung phí mà chúng ta dễ dàng bắt gặp ở bất cứ nơi đâu từ những cuộc tiếp khách, hội nghị, cưới hỏi, giỗ chạp... Có cả trăm nghìn lý do đưa ra để bao biện cho lối sống ăn uống lãng phí, đó là thể hiện sự hiếu khách; bạn bè gặp gỡ nhau phải thật “xôm”; cưới xin cả đời mới có một lần phải thật “sang”; giỗ chạp thì phải “mâm cao cỗ đầy”;... Điều này không chỉ lãng phí tiền của của chính các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, thậm chí là tiền túi của từng cá nhân mà thực tế lương thực, thực phẩm để làm ra mâm cỗ đó là cả một quá trình sản xuất tiêu hao năng lượng, đồng thời thải ra những chất thải ảnh hưởng đến môi trường.

Bên cạnh lãng phí lương thực, thực phẩm ở trên các bàn ăn, sự lãng phí lương thực, thực phẩm trên địa bàn tỉnh ta còn thể hiện ở giai đoạn đầu của chuỗi giá trị thực phẩm (khâu chọn giống, quy trình sản xuất kém) dẫn đến đầu tư mà không cho thu hoạch tương ứng với đầu vào. Và thực tế ở tỉnh ta tình trạng lương thực mất mùa, chăn nuôi kém hiệu quả do giống kém chất lượng, quy trình sản xuất, chăn nuôi lạc hậu cũng gây ra lãng phí tài nguyên.

Ông Hồ Sỹ Dũng – Chi cục trưởng Chi cục BVMT tỉnh, cho biết: Hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới năm 2013, UBND tỉnh cũng đã ban hành kế hoạch tổ chức các hoạt động hướng ứng, trong đó nhấn mạnh các hoạt động truyền thông về tiết kiệm thực phẩm đến mọi tổ chức, cộng đồng dân cư, nhất là trong các nhà hàng, khách sạn, trung tâm thương mại, khu du lịch; trong đội ngũ cán bộ, công nhân viên..., nhằm hình thành ý thức tiêu dùng thân thiện với môi trường.

Định hướng cho người dân tiêu dùng bền vững, tiết kiệm chi tiêu, không phung phí thực phẩm; mặt khác cần chọn các loại thực phẩm ít ảnh hưởng đến môi trường hơn, ví dụ như các loại thực phẩm hữu cơ không sử dụng hóa chất trong quá trình sản xuất; chọn mua những sản phẩm ngay tại địa phương, hàng trong nước cũng có nghĩa là thực phẩm không phải vận chuyển từ nơi khác đến và khi đó có thể hạn chế khí thải... Về phía các cấp, các ngành cần vào cuộc để tăng cường chuỗi cung ứng thông qua hỗ trợ nông dân và đầu tư vào cơ sở hạ tầng, giao thông vận tải cũng như mở rộng các thực phẩm và ngành công nghiệp đóng gói, đảm bảo các sản phẩm sản suất ra không bị lãng phí do mất mát hay không tiêu thụ được.

Mặt khác, tăng cường liên kết “4 nhà” một cách hiệu quả, đồng thời nâng cao nhận thức giữa các ngành, các nhà bán lẻ và người tiêu dùng để tìm kiếm môt cách hữu hiệu trong việc sử dụng các thực phẩm bị bỏ đi nhằm giảm lượng lương thực bị mất đi và lãng phí, giảm sự tác động đến môi trường.


Mai Hoa