Mịt mù... nhà ở công nhân

02/05/2013 14:31

Tháng 6/2012, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2159/QĐ-UBND.ĐT về việc cho phép lập dự án đầu tư xây dựng công trình Nhà ở cho công nhân thuê tại khu công nghiệp Nam Cấm. Vậy nhưng vì chưa xác định được nguồn vốn nên cho đến nay, dự án vẫn chưa được các cấp thẩm quyền phê duyệt.

(Baonghean) - Tháng 6/2012, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2159/QĐ-UBND.ĐT về việc cho phép lập dự án đầu tư xây dựng công trình Nhà ở cho công nhân thuê tại khu công nghiệp Nam Cấm. Vậy nhưng vì chưa xác định được nguồn vốn nên cho đến nay, dự án vẫn chưa được các cấp thẩm quyền phê duyệt.

Vấn đề cấp bách

Theo kết quả điều tra của Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam về nhu cầu nhà ở cho công nhân, người lao động tại các Khu công nghiệp Nam Cấm và Bắc Vinh thì: Tại Khu công nghiệp Nam Cấm, có hơn 20 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất, kinh doanh với trên 1.250 công nhân, người lao động, trong đó có khoảng 320 người khó khăn về nhà ở. Khi các doanh nghiệp này hoạt động hết công suất sẽ nâng tổng số công nhân, người lao động lên 1.750 người, dự kiến có khoảng 500 người có nhu cầu về nhà ở. Tại Khu công nghiệp Bắc Vinh, có 14 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh với khoảng 5.100 công nhân lao động, trong đó có khoảng 2.100 người khó khăn về nhà ở. Trong khi đó, phần lớn các doanh nghiệp đều tập trung sản xuất, kinh doanh, không có kế hoạch xây dựng nhà ở cho công nhân. Từ kết quả điều tra, Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam xác định, việc xây dựng các khu nhà ở cho công nhân tại Khu công nghiệp Nam Cấm và Bắc Vinh là rất cần thiết.

Ngày 4/5/2012, Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam đã lập tờ trình số 39/TTr-KKT về việc xin chủ trương thực hiện dự án thí điểm xây dựng nhà ở cho công nhân tại KCN Nam Cấm và KCN Bắc Vinh gửi UBND tỉnh. Ngày 14/6/2012, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2159/QĐ-UBND.ĐT về việc cho phép lập Dự án đầu tư xây dựng công trình: "Nhà ở cho công nhân thuê tại Khu công nghiệp Nam Cấm" với nội dung và quy mô đầu tư là ''Xây dựng mới khu nhà ở gồm một đơn nguyên hoàn chỉnh, cao 5 tầng, đáp ứng nhu cầu nhà ở cho khoảng 500 công nhân khu công nghiệp thuê... Nguồn vốn: Ngân sách tỉnh và chủ đầu tư tự huy động từ các nguồn vốn hợp pháp khác; Ngân sách Nhà nước hỗ trợ theo quy định hiện hành".

Sau hơn 10 tháng, ngoài việc đã phê duyệt quy hoạch tổng mặt bằng tỷ lệ 1/500 tại địa điểm xã Nghi Long, huyện Nghi Lộc, theo ông Lê Đình Quang - Phó Giám đốc dự án Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam, Dự án nhà ở cho công nhân thuê tại Khu công nghiệp Nam Cấm đang tạm dừng lại ở chỗ trình xin cấp thẩm quyền phê duyệt hồ sơ lập dự án đầu tư xây dựng công trình! Ông Quang băn khoăn: Hiện nay, Nhà máy điện tử của Hàn Quốc đang tuyển 1.000 lao động (trong tương lai không xa sẽ tuyển thêm khoảng 4.000 lao động), Nhà máy nhựa Tiền Phong cũng đang khẩn trương xây dựng và cũng sẽ tuyển nhiều lao động. Nếu không có nhà cho công nhân thuê thì họ sẽ ở vào đâu để làm việc?...





Một nhà trọ cho công nhân thuê ở KCN Bắc Vinh.

Công nhân mong đợi...

Hiện nay, công nhân, người lao động KCN Nam Cấm và KCN Bắc Vinh đều thuê nhà trọ trong dân với mức 500 - 600 nghìn đồng/tháng/người chưa kể tiền điện, tiền nước... Tìm đến các khu nhà trọ của công nhân KCN Bắc Vinh tại địa bàn xã Hưng Đông, TP Vinh, các căn phòng công nhân thuê ở có diện tích nhỏ hẹp, thấp, lại lợp ngói proximăng nên dù chưa phải mùa hè nhưng vô cùng nóng bức, công nhân hết sức khổ sở trong sinh hoạt. Vậy nhưng, có nhà để thuê trọ cũng đã là may mắn, nếu không chẳng biết ở vào đâu.

Các công ty có hàng nghìn công nhân như Công ty Matrix, Công ty CP May Minh Anh - Kim Liên... đều rất hy vọng Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam sớm đầu tư xây dựng được nhà ở công nhân tại KCN để công nhân của họ giảm bớt vất vả, giảm nhẹ chi phí. Ông Trần Danh Chuyên - Chủ tịch Công đoàn Công ty CP May Minh Anh - Kim Liên cho biết: “Chúng tôi rất băn khoăn vấn đề nhà ở cho người lao động. Lãnh đạo công ty đã đề xuất cấp thẩm quyền cho thuê thêm đất để mở rộng quy mô sản xuất, đồng thời xây dựng nhà trẻ, nhà nghỉ cho công nhân nhưng không được đáp ứng. Vì vậy, rất mong Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam xây dựng được nhà cho công nhân thuê...”.

Tương tự như vậy, công nhân đang sản xuất ở các doanh nghiệp tại KCN Nam Cấm cũng rất bức xúc vấn đề nhà ở. Công ty CP Khoáng sản Á Châu có trên 30 công nhân gặp khó khăn về nhà ở, số công nhân này phải thuê nhà dân để ở tạm nên điều kiện sinh hoạt gặp nhiều khó khăn, trong khi đó công ty lại khó quản lý lao động. Công ty TNHH Liên Hiệp Nghệ An cũng có 15 CBCN chưa có nơi ở phải thuê nhà dân. Chị Lương Thị Lành - cán bộ văn thư Công ty TNHH Liên Hiệp Nghệ An cho biết, với mức lương 3 triệu đồng, chị phải chi 500 nghìn đồng để thuê nhà dân ở, chưa kể tiền điện, tiền nước sinh hoạt nên tằn tiện lắm mới đủ cho cuộc sống cá nhân. Chị Lành lo lắng: Hiện tại KCN Nam Cấm mới chỉ có dăm trăm công nhân thuê nhà dân để ở mà đã rất khó khăn vất vả. Tới đây khi 1.000 công nhân Nhà máy điện tử Hàn Quốc vào làm việc thì không biết người dân sẽ nâng giá thuê nhà đến mức nào.

Nguồn vốn vẫn khó khăn

Bao giờ Dự án Nhà ở cho công nhân thuê tại Khu công nghiệp Nam Cấm sẽ được triển khai thực hiện? Theo ông Lê Đình Quang - Phó Giám đốc Dự án Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam: Khi chưa xác định được nguồn vốn thì Dự án chưa thể triển khai. Để giải quyết vấn đề vốn, ngày 1/4/2013, UBND tỉnh đã có Công văn số 127 về việc "Báo cáo đề nghị thẩm định nguồn vốn và phân vốn ngân sách Trung ương cho các dự án khởi công mới" gửi Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính. Theo Công văn 127, dự án Nhà ở cho công nhân thuê tại Khu công nghiệp Nam Cấm có quy mô 5 tầng, diện tích xây dựng 1.218 m2, tổng diện tích sàn 6.350 m2; có công trình phụ trợ như thoát nước, cổng, hàng rào, cấp nước, điện... đầu tư mua sắm thiết bị. Tổng mức đầu tư của dự án là 66.261 triệu đồng, trong đó ngân sách Trung ương 40 tỷ đồng, ngân sách địa phương là 26.261 triệu đồng.

Khi được hỏi liệu nguồn vốn từ ngân sách Trung ương có khả quan hay không, ông Quang trả lời: “Tôi không thể nói được hay không được vào thời điểm này. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện tại thì nên xác định sẽ còn gặp khó khăn...”.

Nhà ở cho công nhân được xác định là một vấn đề cấp bách, nhưng để thực hiện được là không hề đơn giản. Để có nhà cho công nhân, xem ra vẫn phải trông chờ vào sức của người dân sống cận kề các khu công nghiệp. Vấn đề này ông Lê Đình Quang chia sẻ: Việc người dân xây nhà trọ cho công nhân các KCN thuê ở đã góp phần giải quyết một vấn đề xã hội rất lớn. Đây có thể nói là một hướng đi rất tốt dù mang tính tạm thời. Có thể các phần đất dân sử dụng xây nhà trọ chưa hẳn đã đúng mục đích, nhưng nên nhìn ở góc độ họ đã giải quyết một vấn đề mà Nhà nước đang gặp khó khăn thì nên có sự động viên, khuyến khích.


Bài, ảnh: Nhật Lân