Quyết tâm cho Hạ Sơn đổi mới
Chúng tôi về Hạ Sơn, Quỳ Hợp vào dịp cây mía bắt đầu mọc lên xanh biếc trên những ngọn đồi nhấp nhô, để được nghe kể câu chuyện về cuộc cách mạng làm thay đổi đời sống người dân nơi đây, và để gặp một chủ tịch xã vẫn đang còn nhiều trăn trở, nhiều dự định muốn thực hiện trên mảnh đất quê hương mình.
(Baonghean) - Chúng tôi về Hạ Sơn, Quỳ Hợp vào dịp cây mía bắt đầu mọc lên xanh biếc trên những ngọn đồi nhấp nhô, để được nghe kể câu chuyện về cuộc cách mạng làm thay đổi đời sống người dân nơi đây, và để gặp một chủ tịch xã vẫn đang còn nhiều trăn trở, nhiều dự định muốn thực hiện trên mảnh đất quê hương mình.
Đường vào Hạ Sơn (Quỳ Hợp) vô cùng gian nan, vất vả! Đêm hôm trước, trời vừa kịp đổ một trận mưa dông xối xả, vậy nên chúng tôi đã may mắn được trải nghiệm chân thực và đầy đủ con đường khổ ải như lời “cảnh báo”. Sau quãng đường vừa đi, vừa dắt, vừa đẩy, người dính bết màu đất xứ Phủ Quỳ, chúng tôi đã đến được trụ sở UBND xã Hạ Sơn để gặp ông chủ tịch xã trẻ. Rót chén nước chè, Chủ tịch UBND xã Hạ Sơn - Lê Văn Thanh vừa cười, vừa nói: “Con đường lúc nãy các chị đi qua là đường dễ đi nhất để vào Hạ Sơn rồi đấy, đường đi như thế là đã được cải thiện nhiều lắm rồi so với những năm trước đây”.
Gian nan đường vào Hạ Sơn
Câu chuyện một cách tự nhiên được bắt đầu bằng hồi ức về một Hạ Sơn hơn 20 năm trước, đói nghèo và heo hút. Một xã miền núi với hơn 90% đồng bào dân tộc Thổ, trình độ dân trí thấp, kỹ thuật sản xuất, canh tác lạc hậu.
Ngày ấy, trong số bạn bè đồng trang lứa, cậu học sinh Lê Văn Thanh (SN 1969) là người duy nhất ở làng tốt nghiệp cấp 3. Sau khi tốt nghiệp, Lê Văn Thanh ở nhà tham gia công tác Đoàn, và không ngờ được bầu làm phó bí thư đoàn xã. Rồi từ đó, kinh qua nhiều vị trí, từ làm công tác văn hóa, chánh văn phòng ủy ban, phó chủ tịch HĐND xã, và từ năm 2010 đến nay làm Chủ tịch UBND xã Hạ Sơn. Chính vì thế, dù tuổi đời còn khá trẻ, nhưng anh là người đã chứng kiến và góp công sức, tâm huyết cho sự thay đổi của Hạ Sơn.
Những năm Lê Văn Thanh bắt đầu làm việc xã là thời gian mà Hạ Sơn vẫn đang ở trong thời điểm vô cùng khó khăn. Trụ sở UBND xã ở trong dân, cứ “di cư” từ bản này sang bản khác. Cứ mỗi năm đóng tại một bản, để ở đâu cũng được là trung tâm xã. Mãi đến năm 1995, xã mới mua lại được căn nhà 3 gian của một người dân, và đóng cố định tại đó được 5 năm. Đến năm 2000, Hạ Sơn mới có trụ sở UBND xã chính thức. Cán bộ xã, mỗi lần lên huyện họp phải mất 3 ngày. Một ngày đi, 1 ngày họp, 1 ngày về. Ban đầu là đi bộ, sau có xe đạp thì đi xe đạp, đường dốc đá lởm chởm, khi nắng thì bụi, khi mưa thì nhão nhoét, trơn trượt, đất dính hết vào bánh xe, vừa đi vừa vác xe trên vai… Vậy nhưng anh cán bộ xã trẻ tuổi vẫn chưa bao giờ nản lòng. Chính vì thấy bản làng mình còn gặp nhiều khó khăn như thế nên lại càng quyết tâm phải làm được điều gì đó để thay đổi, để thoát nghèo.
Năm 1998, khi Nhà máy đường Nghệ An Tate& Lyle được xây dựng, đã mở ra hướng phát triển mới cho Hạ Sơn, đó là trồng mía nguyên liệu, cung cấp cho nhà máy. Tuy nhiên, để vận động nhân dân trồng mía là cả một câu chuyện dài không hề dễ dàng, đơn giản, mà như anh Lê Văn Thanh nói, đó là cả một cuộc cách mạng. Người dân tộc Thổ ở Hạ Sơn chủ yếu sống bằng nghề phát nương, làm lúa rẫy, phát, dọn, chọc trỉa truyền thống lâu đời. Là người con dân tộc Thổ, lớn lên bằng hạt lúa rẫy bữa đói bữa no, nên anh hiểu những băn khoăn, lo lắng của bà con dân bản.
“Thay đổi được một tập tục sản xuất đã lâu đời, gắn vào trong máu của bà con dân bản là vô cùng khó. Đối với người dân Hạ Sơn lúc đó, cây mía là một thứ gì đó rất xa lạ. Họ không tin cây mía có thể sống tốt được trên rẫy, không tin nhà máy đường sẽ mua mía, thậm chí cho giống về trồng mà dân không nhận”, anh Lê Văn Thanh kể lại. Trồng lúa thì có thể ăn được luôn, nhưng trồng mía thì không thay cơm được. Huyện cũng đã tổ chức xuống tuyên truyền nhưng chưa hiệu quả. Trong khi đội ngũ cán bộ xã mỏng, UBND xã chỉ có 4 người bao gồm 1 chủ tịch, 1 phó chủ tịch, 1 trưởng công an xã và chánh văn phòng, chia nhau đi tuyên truyền. Xuống vận động từng xóm, từng người dân, nói làm sao thật đơn giản nhất, dễ hiểu nhất. Anh Lê Văn Thanh đã phải vận dụng hết “chữ nghĩa”, hiểu biết, và cả tấm lòng của một người con dân tộc Thổ, để thuyết phục bà con. “Phải giải thích với dân bản là cây mía cũng giống như cây lau sậy, cỏ tranh, cây lau sống được, thì cây mía cũng sống được. Trồng cây mía bán được tiền thì sẽ mua được nhiều gạo ăn, không sợ bị đói”.
Rồi cán bộ xã gương mẫu đi đầu, chia nhau mỗi người trồng từ từ 3 – 6 sào mía. Anh là người đầu tiên của xã mang cây mía về trồng trên 6 sào đất của gia đình mình để cho bà con học theo. Cây mía xanh tốt, sống mạnh khỏe trên những khoảng đồi đất đỏ. Nhưng năm đầu tiên nhà máy đường chạy thử, chưa cần nhiều nguồn nguyên liệu. Thế là mía trồng ra, người dân ăn chán rồi không biết làm cách nào, một số đi ép mật, còn lại bắt buộc phải chặt đốt bỏ, nếu không mía sẽ bị thối gốc. Nhiều người nản. Nhiều người phá luôn cả đồi mía. Lại thêm một khó khăn nữa cho việc tuyên truyền của những người làm cán bộ xã. Chính gia đình anh cũng phải chặt đốt 6 ha mía nhưng anh đã giữ lại gốc mía, và vận động bà con trong bản làm theo mình, đừng phá bỏ cả đồi. Năm sau, nhà máy đường đi vào hoạt động hiệu quả, lúc này, thì bà con lại có nhu cầu mua giống mía về trồng. Ngoài những gia đình còn giữ lại gốc mía của năm trước, thì đa số đã phá bỏ. Xã tiếp tục thành lập ban chỉ đạo, đứng ra mua giống, vay giống, rồi can thiệp với ngân hàng cho dân vay vốn sản xuất. Lần này thì thành công, và Hạ Sơn đổi thay từ đó. Những nương lúa rẫy sống dựa vào hạt mưa của trời đã được thay thế bằng đồi mía xanh bạt ngàn.
Cho đến nay, ngoài cây mía, Hạ Sơn còn trồng thêm keo, sắn, và phát triển mô hình chăn nuôi bò, nhưng chủ yếu vẫn là cây mía. Nơi đây trở thành một trong những vùng trồng mía lớn nhất huyện Quỳ Hợp với 1.100 ha/ 7.500 ha mía toàn huyện, (chỉ đứng sau xã Văn Lợi).
Để đáp ứng nhu cầu công việc, cần phải có thêm nhiều kiến thức, Lê Văn Thanh tiếp tục vừa làm vừa học thêm tấm bằng kinh tế ở Đại học Vinh, cũng như học bồi dưỡng trình độ lý luận chính trị. Cho đến thời điểm này, được bầu làm Chủ tịch UBND xã Hạ Sơn, anh đã là một cán bộ “đạt chuẩn”. Đặc biệt, khi Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được triển khai, là người “đứng mũi chịu sào”, Chủ tịch Lê Văn Thanh đã và đang cố gắng hết sức mình để chỉ đạo thực hiện các tiêu chí, trong đó đặc biệt quan tâm đến xây dựng giao thông NTM.
Chủ tịch UBND xã Hạ Sơn, Quỳ Hợp – Lê Văn Thanh còn nhiều trăn trở với Hạ Sơn
Giao thông, câu chuyện muôn thủa của nhân dân Hạ Sơn, và cũng là trăn trở lớn nhất của Chủ tịch Lê Văn Thanh. Có 3 con đường chính dẫn vào xã: Đường từ Thị trấn Quỳ Hợp qua Châu Đình, Văn Lợi xuống; đường từ Tân Xuân, Tân Kỳ lên, và từ Quốc lộ 48 vào Hạ Sơn đều rất khó đi. Sự khó khăn về giao thông khiến cho kinh tế, dịch vụ, thương mại ở địa phương bị ảnh hưởng rất lớn. Ở đây, vật tư xây dựng, vật tư nông nghiệp, các loại hàng hóa đều rất đắt đỏ. Công văn, tài liệu, sách, báo cũng vào chậm đến cả tuần, thậm chí cả tháng nếu gặp trời mưa. Đặc biệt, cây mía là nguồn thu nhập chính của bà con, nhưng gặp trời mưa to, thì “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Những chiếc xe tải chở mía, gặp đường trơn bị lật, đổ là chuyện không còn xa lạ. Mỗi lần như thế, người dân lại phải mất tiền triệu để thuê bốc, dỡ. Trong khi, mía đã chặt, để lại 1 ngày, có thể hao tới hàng tấn, chưa kể đến việc mía bị chua, mất độ đường, giảm chất lượng. Nếu giải quyết được vấn đề này, thì sẽ tạo điều kiện hết sức thuận lợi cho sự phát triển của Hạ Sơn về mọi mặt.
Thực hiện xây dựng giao thông nông thôn, bắt đầu từ việc vận động nhân dân hiến đất làm đường, giải phóng mặt bằng, Chủ tịch Lê Văn Thanh đã chỉ đạo thành lập Ban quản lý NTM, đưa quy hoạch tập thể cho dân góp ý. Đồng thời, giao cho các xóm thành lập tổ phát triển NTM để nắm sát tiến trình thực hiện. Điều đáng nói là những cái khó khăn so với nơi khác thì lại không khó ở Hạ Sơn. Dồn điển đổi thửa, quy hoạch đất đai, giải phóng mặt bằng người dân đều tích cực hưởng ứng và ủng hộ, bởi vì nhu cầu quá lớn. Hơn ai hết, bà con nơi đây đều hiểu giá trị của một con đường như thế nào. Mặt khác, xã cũng đứng ra giải quyết mọi thắc mắc của người dân, để cán bộ và nhân dân đoàn kết, đồng lòng.
Tuy nhiên, thực hiện được bê tông hóa giao thông, hệ thống kênh mương thủy lợi… ở Hạ Sơn cực kỳ tốn kém. Chủ trương Nhà nước chịu xi măng, nhân dân chịu cát sỏi và ngày công, nếu ở dưới xuôi, một xe cát sỏi giá chỉ 200 – 300 nghìn đồng, thì chở được vào đến Hạ Sơn phải trả tới 1,2 triệu đồng, thậm chí có vùng 1,5 triệu đồng. Cuộc sống của người dân đã khá hơn, nhưng so với các nơi khác thì đây vẫn là một xã khó khăn, với số hộ nghèo chiếm 35%. Vì thế, dù cố gắng thì “rất khó để hoàn thành tiêu chí về giao thông nông thôn đến năm 2015, vì tất cả đường Hạ Sơn đều khó, đều phải tốn nhiều nguyên vật liệu”. Hiện nay, Hạ Sơn mới hoàn thành được 3 tiêu chí về hệ thống chính trị, quy hoạch và điện. Chính nhờ những đóng góp và tâm huyết dành cho xã nhà, mà Lê Văn Thanh đã nhiều lần được tặng bằng khen chiến sĩ thi đua, học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Nhưng theo anh, những gì mình làm được còn hạn chế lắm, và phải cố gắng nhiều hơn nữa.
Quay trở lại con đường lầy lội để ra khỏi Hạ Sơn, chúng tôi vẫn nhớ lời nói đầy quyết tâm của ông Chủ tịch xã trẻ Lê Văn Thanh: “Khó khăn mấy cũng phải làm, khó khăn hơn nữa cũng phải giải quyết, phải thay đổi cho được giao thông Hạ Sơn” và hứa hẹn một ngày nào đó, nếu quay lại Hạ Sơn, sẽ được đi trên con đường nhựa, đường bê tông hóa. Tin rằng với một tấm lòng đầy trăn trở đó, cùng với sự đồng tình ủng hộ của nhân dân, mong ước “giao thông” sẽ sớm thành hiện thực, để từ đó mở đường cho sự phát triển mạnh hơn nữa về kinh tế, văn hóa, xã hội… của Hạ Sơn.
Hồ Lài