Bài cuối: Cần sự quan tâm đặc biệt

29/05/2013 09:38

Dân ca ví, dặm xứ Nghệ đang đứng trước những thử thách rất lớn trên con đường trở thành Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về định hướng của ngành chức năng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị Dân ca xứ Nghệ, PV Báo Nghệ An đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Tiến Dũng - Phó Giám đốc Sở VHTT&DL xung quanh vấn đề này.

>Bài 2: Mong manh điệu ví quê hương

PV: Xin ông cho biết thêm về tiến trình xây dựng hồ sơ và đệ trình lên UNESSCO đề nghị công nhận Dân ca ví, dặm xứ Nghệ là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại?

Ông Phạm Tiến Dũng: Đã từ lâu, Dân ca ví, dặm là một loại hình nghệ thuật đặc sắc và có đời sống phong phú, lâu bền trong cộng đồng của người dân hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Nhận thấy nhiều giá trị văn hóa, tinh thần của Dân ca xứ Nghệ trong đời sống nhân dân, từ năm 2010, Dân ca ví, dặm xứ Nghệ đã được quy hoạch để khảo sát, xây dựng hồ sơ đệ trình lên Tổ chức giáo dục, khoa học và văn hóa Liên Hợp quốc (UNESSCO) trở thành Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Từ các tiêu chí mà UNESSCO đưa ra, Viện VHNT Việt Nam đã kết hợp với Cục quản lý di sản (Bộ VHTT&DL) đã có công văn hướng dẫn quá trình xây dựng hồ sơ và lập hồ sơ đệ trình. Sở VHTT&DL hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh đã mời các chuyên gia nghiên cứu văn hóa nói chung và Dân ca xứ Nghệ nói riêng thực hiện các bước khảo sát thực tế, kiểm kê khoa học, sưu tầm tranh, ảnh, clip và xây dựng hồ sơ trình Bộ VHTT&DL về việc xây dựng hồ sơ Di sản Dân ca xứ Nghệ. Ngoài ra, nhiều hội thảo về bảo tồn và phát triển Dân ca ví, dặm Nghệ Tĩnh cũng đã được tổ chức.

Ngày 29/3/2013 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ VHTT&DL phối hợp với Ủy ban Quốc gia UNESSCO của Việt Nam tiến hành các thủ tục cần thiết để gửi hồ sơ Dân ca ví, dặm Nghệ Tĩnh tới UNESSCO trước ngày 2/4/2013. Trong quá trình nghiên cứu và khảo sát thực tế, nhiều phát hiện mới cũng đã được công nhận, góp phần nâng thêm giá trị văn hóa và tinh thần của Dân ca ví, dặm Nghệ Tĩnh trong đời sống nhân dân.

P.V: Thời gian qua, được biết các cấp quản lý văn hóa cũng đã có nhiều nỗ lực trong công tác bảo tồn, phát triển các giá trị của Dân ca ví, dặm Nghệ Tĩnh. Liệu đưa Dân ca ví, dặm lên sân khấu có phải là cách làm tốt để bảo tồn di sản này?

Ông Phạm Tiến Dũng: Không gian diễn xướng của Dân ca ví, dặm là một băn khoăn của chúng tôi trong việc bảo tồn các giá trị vốn có của Dân ca ví, dặm Nghệ Tĩnh. Nhưng cũng phải nhìn nhận một thực tế là trải qua nhiều biến cố của lịch sử, hoàn cảnh sinh hoạt của người dân cũng đã thay đổi nhiều, vì thế mà không gian diễn xướng trước đây của Dân ca xứ Nghệ là cây đa, sân đình và đời sống lao động của người dân theo kiểu thủ công không còn như xưa nên việc để bảo tồn được nguyên không gian diễn xướng của Dân ca ví, dặm Nghệ Tĩnh là điều cực kỳ khó.

Tuy nhiên, cũng không vì thế mà cho rằng việc đưa Dân ca ví, dặm lên sân khấu là một việc phần nào làm mai một đi các giá trị vốn có của nó. Ngược lại, mỗi khi đưa ví, dặm lên sân khấu thì vấn đề được quan tâm đầu tiên là âm thanh và ánh sáng, phục trang, bối cảnh sân khấu cũng phải phù hợp, từ đó tái hiện lại những hoạt cảnh lao động và sinh hoạt văn hóa của người dân xưa một cách thực tế nhất. Đây cũng là một việc tạo nên các hiệu ứng tốt để thế hệ trẻ hiện nay được chứng kiến và hình dung lại không gian sinh hoạt văn hóa đặc sắc, phong phú của cha ông xưa.

P.V: Các chính sách đãi ngộ đối với nghệ nhân Dân ca ví, dặm cũng đang là một trăn trở, thưa ông?

Ông Phạm Tiến Dũng: Đây là một vấn đề mà thời gian tới chúng tôi sẽ quan tâm hơn nữa và cụ thể sẽ đưa ra những chính sách đãi ngộ đối với các nghệ nhân có nhiều cống hiến cho việc lưu giữ và lưu truyền Dân ca ví, dặm Nghệ Tĩnh. Sắp tới, các quy định về việc công nhận nghệ nhân, các chính sách đãi ngộ đối với nghệ nhân và các câu lạc bộ dân ca hoạt động tích cực sẽ được đưa ra. Nghệ nhân cũng như các câu lạc bộ là minh chứng cho sức sống của Dân ca ví, dặm trong đời sống nhân dân, vì thế cần được quan tâm đầu tư nhiều hơn nữa.

P.V: Nếu Dân ca ví, dặm được UNESSCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, chúng ta cần có những giải pháp nào để bảo tồn loại hình nghệ thuật sau khi được công nhận?

Ông Phạm Tiến Dũng: Nếu Dân ca ví, dặm Nghệ Tĩnh được UNESSCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại vào năm 2014 thì đó quả là một niềm tự hào và là tin vui đối với hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Tuy nhiên, dựa trên những giá trị văn hóa, tinh thần mà Dân ca ví, dặm mang theo thì dù có được công nhận hay không, việc vạch ra các hướng bảo tồn vẫn là điều cần thiết.

Cụ thể, phải lưu giữ các tài liệu về Dân ca ví, dặm để không bị mai một và không ngừng tìm kiếm, bổ sung nhiều tư liệu quý để làm phong phú thêm kho tàng Dân ca xứ Nghệ. Tiếp theo, cần phải chú trọng đến công tác phát triển các hoạt động biểu diễn, sao cho Dân ca ví, dặm vẫn giữ được những giá trị đặc sắc như xưa. Vấn đề đầu tư cho sự phát triển của Dân ca ví, dặm cũng đáng quan tâm, đó là các chế độ đãi ngộ cho nghệ nhân, sự hỗ trợ của các cấp trong việc sinh hoạt các câu lạc bộ dân ca… Có gìn giữ được những nét giá trị văn hóa vốn có thì sau đó mới có thể đầu tư vào việc phát triển các mặt khác liên quan đến Dân ca ví, dặm như du lịch văn hóa, quảng bá hình ảnh của người dân xứ Nghệ đến với các tỉnh, thành khác và trên toàn thế giới.

P.V: Xin cảm ơn ông!


Thái Anh (thực hiện)