Năm 2013: 70% lao động sau học nghề có việc làm mới

17/07/2013 19:37

Sáng 17-7, Chính phủ tổ chức hội nghị sơ kết Đề án công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong 3 năm (2010-2012), do đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân chủ trì.



Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chủ trì hội nghị sơ kết Đề án công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Theo báo cáo tại hội nghị, trong 3 năm Đề án đã hỗ trợ dạy nghề cho 1.088.393 lao động nông thôn. Trong đó có 480.897 người được học nghề nông nghiệp (chiếm 44,2%), 607.496 người học nghề phi nông nghiệp (55,8%). Đồng thời, Đề án đào tạo nghề cho lao đông nông thôn đã đào tạo bồi dưỡng 2.035.000 lượt cán bộ, công chức.

Tổng kinh phí đã sử dụng là 4.778 tỉ đồng, trong đó kinh phí hỗ trợ dạy nghề lao động nông thôn là 1.641 tỉ đồng (ngân sách trung ương hỗ trợ 1.060 tỉ đồng, ngân sách địa phương 509,4 tỉ đồng); kinh phí đầu tư trang thiết bị dạy nghề 2.930 tỉ đồng; kinh phí đào tạo bồi dưỡng cán bộ công chức xã 251 tỉ đồng.

Trong 3 năm qua, có 822.460 người có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ có năng suất, thu nhập cao hơn; 193.083 người được doanh nghiệp tuyển dụng; 55.222 người thuộc hộ nghèo sau khi học nghề có việc làm, thu nhập đã thoát nghèo, chiếm 44,1% so với số người tham gia học nghề.

Một số địa phương đã triển khai đồng bộ các giải pháp từ quy hoạch sản xuất, thu hút doanh nghiệp đầu tư về nông thôn, tổ chức đào tạo nghề, hỗ trợ vốn sản xuất và thị trường tiêu thụ sản phẩm gắn với xây dựng nông thôn mới như: Bắc Giang với sản phẩm gà đồi Yên Thế; Bắc Kạn với sản phẩm dong riềng và miến dong; Hà Nam, Hậu Giang với mô hình nuôi lợn sinh học; Thái Nguyên, Thái Bình, Hải Phòng, Nam Định, Nghệ An, Đồng Tháp… với việc thu hút doanh nghiệp đầu tư về nông thôn.

Tuy nhiên, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn vẫn còn bộc lộ những hạn chế, bất cập như: Nhiều địa phương chưa thực sự quan tâm đến hỗ trợ lao động nông thôn sau học nghề, đặc biệt là vốn sản xuất và thị trường đầu ra cho sản phẩm, có 5 địa phương chưa đạt mục tiêu 70% lao động có việc làm sau học nghề. Nguồn vốn Quốc gia giải quyết việc làm hằng năm bổ sung vẫn còn hạn chế, do đó lao động sau học nghề không có vốn vay để sản xuất.

Một số địa phương vẫn còn tình trạng dạy nghề chạy theo số lượng nên chất lượng thấp, chưa phù hợp với nhu cầu của người học, người sử dụng lao động, đặc biệt vẫn còn tâm lý trông chờ, ỷ lại nguồn vốn hỗ đào tạo nghề từ trung ương. Cùng với đó, mạng lưới cơ sở dạy nghề, trang thiết bị, giáo viên dạy nghề còn thiếu và yếu… Đây là những nguyên nhân khiến công tác đào tạo nghề cho nông thôn ở một số địa phương chưa đạt mục tiêu đề ra của Đề án.

Mục tiêu năm 2013 hỗ trợ dạy nghề cho khoảng 600.000 lao động nông thôn, 70% số lao động sau học nghề có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng phải có năng suất, thu nhập cao hơn trước. Mục tiêu trong 3 năm tới (giai đoạn 2013-2015) hỗ trợ dạy nghề cho 2.040.000 lao động nông thôn, đào tạo bồi dưỡng có cán bộ xã.


Theo (QĐND)- LH