Điểm sáng về xã hội hóa tôn tạo, tu bổ di tích
Xác định việc trùng tu, tôn tạo các di tích cũng là để phát huy những bản sắc văn hóa, góp phần xây dựng quê hương giàu mạnh, trong những năm qua Thanh Chương đã huy động nội lực, làm tốt công tác xã hội hóa tu bổ, tôn tạo các di tích văn hóa, lịch sử trên địa bàn huyện.
(Baonghean) - Xác định việc trùng tu, tôn tạo các di tích cũng là để phát huy những bản sắc văn hóa, góp phần xây dựng quê hương giàu mạnh, trong những năm qua Thanh Chương đã huy động nội lực, làm tốt công tác xã hội hóa tu bổ, tôn tạo các di tích văn hóa, lịch sử trên địa bàn huyện.
Nhà thờ họ Nguyễn Duy ở xã Thanh Phong lưu giữ một số tài liệu, hiện vật liên quan đến việc tháng 9/1930 cơ quan Đảng bộ của Tỉnh ủy Nghệ An đã chọn để làm trụ sở và chỉ đạo phong trào Xô viết Nghệ - Tĩnh. Từ năm 1988, nhà thờ họ Nguyễn Duy được công nhận Di tích lịch sử cấp quốc gia, trở thành địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống cách mạng cho nhiều thế hệ con em huyện Thanh Chương. Con em dòng họ Nguyễn Duy đã góp hàng trăm triệu đồng để tu bổ, tôn tạo lại nhà thờ.
Hiện toàn khuôn viên nhà thờ họ Nguyễn Duy gồm có 3 khu thượng điện, trung điện, hạ điện được xây dựng khang trang. Nói chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Duy Tứ, quyền tộc trưởng dòng họ cho biết: “Việc tôn tạo nhà thờ không chỉ để giữ lại nguyên vẹn một công trình có giá trị lịch sử giá trị văn hóa, mà còn qua đó để giáo dục truyền thống dòng họ, truyền thống cách mạng của quê hương; đồng thời kết nối con em trong dòng tộc từ Bắc vào Nam, để thế hệ sau biết đến các thế hệ đi trước”.
Đình làng Ngọc Sơn mới được phục dựng.
Nói về công tác xã hội hóa trong việc tôn tạo, tu bổ di tích, ông Võ Văn Hải - Trưởng phòng Văn hóa huyện Thanh Chương, khẳng định: Trong số hơn 200 di tích lịch sử, văn hóa đã được xếp hạng và chưa được xếp hạng của huyện, do được tu bổ thường xuyên nên không có di tích nào bị xuống cấp trầm trọng. Từ năm 2005, huyện đã ra quyết định mỗi năm dành một khoản kinh phí riêng để hỗ trợ cho các di tích xuống cấp, nguồn kinh phí cũng được tăng dần qua các năm. Tuy nhiên, cũng theo ông Hải thì nguồn hỗ trợ này chỉ là con số nhỏ, mỗi năm chỉ tôn tạo, sửa chữa được vài di tích. Còn lại là huy động từ nguồn xã hội hoá.
Xã Ngọc Sơn, một trong những xã có phong trào xã hội hóa mạnh nhất huyện Thanh Chương, có nhiều di tích đình, đền nổi tiếng. Đặc biệt là đình làng Ngọc Sơn được xây dựng thời vua Tự Đức với kiến trúc nhà gỗ 5 gian, chạm trổ tinh xảo, độc đáo, được chọn là nơi thờ Thành hoàng làng và là trung tâm sinh hoạt văn hóa, chính trị của cả vùng. Trải thăng trầm của lịch sử, đình Ngọc Sơn đã bị hư hỏng và xuống cấp nghiêm trọng.
Thể theo nguyện vọng của con em Ngọc Sơn, nhất là những người già xa quê muốn được khôi phục lại cảnh quan làng quê truyền thống, năm 2012, UBND xã Ngọc Sơn quyết định thành lập ban vận động để kêu gọi con em Ngọc Sơn đóng góp, tu bổ lại các ngôi đình. Và chỉ trong một thời gian ngắn, gần 2 tỷ đồng đã được huy động; đình làng Ngọc Sơn đã được khôi phục và xây dựng lại, cùng với xây dựng, sửa chữa hai ngôi đình cũ khác, là đình Phúc Xã và đình Nguyệt Bổng.
Chị Võ Thị Hồng Vân - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Dân ca xã Ngọc Sơn hồ hởi: “Từ khi đình được khôi phục, CLB được biểu diễn trong đình, ai cũng xúc động và mừng. Từ nay, chị em trong câu lạc bộ không còn phải lo mượn nhà, mượn sân để tập như trước nữa. Mỗi lần được biểu diễn ở đình, trước đông đảo bà con, trước bàn thờ Thành hoàng làng, tôi như được trở lại ngày còn nhỏ, theo mẹ, theo chị ra đình để xem các anh các chị hát ví”.
Hỏi ông Nguyễn Thế Đồng - Chủ tịch UBND xã Ngọc Sơn về cách làm trong huy động xã hội hóa, ông chia sẻ: “Công trình phải có ích cho đông đảo cộng đồng, phải chứng minh cho nhân dân thấy đồng tiền của mình đóng góp có giá trị thiết thực. Để giám sát công trình, chúng tôi thành lập nhiều ban như: ban quản lý xây dựng, ban vận động, ban giám sát, thi công, ban tiếp nhận cung ứng vật tư... ban nào cũng hoạt động đều tay, minh bạch”.
Mỗi năm, Thanh Chương huy động được khoảng 2 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa. Bên cạnh đó, huyện và tỉnh cũng đã trích ngân sách hơn 300 triệu đồng cho công tác bảo vệ, tôn tạo các di tích bị xuống cấp. Nhiều di tích khác cũng đang được tôn tạo thông qua nguồn quỹ của Trung ương như Di tích đền Võ Liệt, đền Bạch Mã, Nhà thờ họ Trần Tấn. Huyện cũng đang lập một số dự án nhằm kêu gọi sự giúp đỡ của các ban, ngành và các tổ chức, cá nhân...
Với sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các di tích trên địa bàn huyện Thanh Chương nhiều năm nay đã được trùng tu, tôn tạo, phát huy được các giá trị lịch sử, văn hóa; nhiều di tích trở thành điểm đến để các trường học tổ chức nói chuyện truyền thống. Tuy vậy, nhìn nhận một cách tổng thể so với tiềm năng đang có, số di tích được xếp hạng của huyện Thanh Chương vẫn còn thấp (30 di tích), nhiều di tích đã trùng tu, sửa chữa nhưng quy mô còn nhỏ lẻ, công tác xã hội hóa, tôn tạo di tích cũng chỉ mới dừng lại ở các dòng họ, làng xã. Để phát huy những giá trị của các di tích lịch sử trên địa bàn, Thanh Chương cần có một đề án cụ thể và dài hơi hơn nữa.
Bài, ảnh: Mỹ Hà