Hương rừng Tây Bắc

26/07/2013 14:19

Sáng 25/7, sau những ngày trời mưa tầm tã, Thành Vinh chợt hửng nắng. Tại hội trường nhà khách Giao tế ngập tràn tiếng cười, nói, hỏi thăm của các đại biểu về dự Hội nghị Biểu dương người có uy tín tiêu biểu 5 tỉnh vùng Tây Bắc (Yên Bái, Phú Thọ, Hòa Bình, Thanh Hóa và Nghệ An) do Ban chỉ đạo Tây Bắc tổ chức. Đây thực sự là ngày hội của những đóa hoa vùng tây Bắc trên quê hương Bác Hồ.

(Baonghean) - Sáng 25/7, sau những ngày trời mưa tầm tã, Thành Vinh chợt hửng nắng. Tại hội trường nhà khách Giao tế ngập tràn tiếng cười, nói, hỏi thăm của các đại biểu về dự Hội nghị Biểu dương người có uy tín tiêu biểu 5 tỉnh vùng Tây Bắc (Yên Bái, Phú Thọ, Hòa Bình, Thanh Hóa và Nghệ An) do Ban chỉ đạo Tây Bắc tổ chức. Đây thực sự là ngày hội của những đóa hoa vùng tây Bắc trên quê hương Bác Hồ.

Trước lễ khai mạc là màn văn nghệ chào mừng do Đoàn Ca múa nhạc dân tộc Nghệ An thể hiện mang đậm dấu ấn và sắc màu của quê hương Nghệ An. Trước hết là bản hòa tấu của các dân tộc anh em cùng sinh sống trên mảnh đất này: Kinh, Thái, Thổ, Mông, Khơ mú, Đan Lai, Ơ đu. Mỗi dân tộc có một nét văn hóa riêng nhưng đều sống hòa đồng và cùng hướng tới mục đích xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh. Tiếp đến là các tiết mục “Ai vô xứ Nghệ” và “Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác” khắc họa một cách sinh động tính cách và bản sắc của con người, quê hương xứ Nghệ, nơi đã sinh ra Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn vàn kính yêu. Và kết thúc là màn hát múa “Tình ca Tây Bắc” như muốn nhắn nhủ với các đại biểu đến từ tỉnh bạn rằng Nghệ An đang hòa cùng nhịp đập với đất và người Tây Bắc, với Tổ quốc yêu thương.

Bà Hoàng Thị Yến (dân tộc Tày) đến từ Yên Bái - tỉnh xa nhất trong 5 tỉnh tham gia hội nghị lần này, chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên tôi đến Nghệ An, quê hương Bác Hồ. Được về thăm Nam Đàn quê Bác, tôi rất xúc động khi nghe kể về tuổi thơ khó nhọc của Bác. Tôi muốn lần sau được trở lại Nghệ An để viếng Mộ bà Hoàng Thị Loan, được lên núi Chung- nơi gắn bó với tuổi thơ của Bác”. Bà còn cho biết thêm, sau khi về quê, bà sẽ kể với mọi người về quê Bác, về Thành phố Vinh. Với tư cách là Bí thư chi bộ bản, bà sẽ cố gắng nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của bà con nhân dân, tuyên truyền cho dòng họ, bản làng giữ vững tình đoàn kết, thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật, xứng đáng với niềm tin yêu của Bác Hồ đã dành cho đồng bào dân tộc thiểu số.



Lãnh đạo tỉnh trao đổi với các đại biểu. Ảnh: Thu Hương

Đến từ bản Pù Toong, xã Pù Nhi, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa, ông Lầu Thanh Mai (dân tộc Mông) luôn để tâm tìm gặp những đại biểu người Mông của tỉnh bạn. Gặp ông Vừ Chùa Tủa đến từ xã Mường Lống (Kỳ Sơn), ông Mai ôm chầm như anh em trong một nhà lâu ngày gặp lại. Hai người hàn huyên tâm sự về phong tục của dòng họ, về lễ hội mùa Xuân và cả chuyện xóa bỏ cây thuốc phiện, hạn chế di dân tự do. Rồi họ nói chuyện bản làng, chuyện làm ăn kinh tế. Ông Lầu Thanh Mai nói với người anh em của mình: “Cuộc sống người Mông ở Thanh Hóa giờ khá lên nhiều rồi. Bà con đã biết làm công trình thủy lợi nhỏ, khai hoang ruộng nước, lắp đặt hệ thống nước sạch, tập trung phát triển kinh tế. Đặc biệt, bà con của mình không còn di dân tự do nữa vì họ biết như thế vất vả, khổ cực lắm”.

Tranh thủ giờ nghỉ giải lao, chúng tôi trò chuyện với ông Hoàng Ngọc Định (dân tộc Mường) ở Thị trấn Yên Lập, huyện Yên Lập (Phú Thọ). Ông Định là một giáo dân, một đảng viên và là cán bộ về hưu. Hỏi về những cảm nhận khi đặt chân đến quê hương Bác Hồ, ông Định bộc bạch: “Tôi có đi qua Thành phố Vinh mấy lần nhưng không có cơ hội dừng lại. Lần này được đến Vinh, tôi thấy thành phố thật đẹp. Nhà cửa khang trang, đường sá rộng rãi, con người thân thiện. Lại có quảng trường đông vui nhộn nhịp. Được về quê Bác tham dự hội nghị, tôi vô cùng sung sướng và tự hào”.

Tham luận của ông Hoàng Ngọc Định là “Người có uy tín trong việc vận động bà con giáo dân sống tốt đời đẹp đạo, gắn bó đồng hành cùng dân tộc, góp phần tích cực vào phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Ông kể: “Vừa tham gia công tác xã hội, vừa tham gia công tác giáo hội, vừa làm tròn phận sự một công dân, vừa làm tròn phận sự một giáo dân quả thực rất vất vả. Tôi xác định phải luôn gương mẫu vận động bà con sống tốt đời, đẹp đạo, xây dựng tình đoàn kết vững bền để xây dựng quê hương. Vì Bác Hồ lúc sinh thời thường xuyên nhắc nhở phải đoàn kết lương - giáo, vì tất cả đều là con dân của đất nước Việt Nam”.

Ngồi lẫn vào giữa hội trường với hàng trăm đại biểu nhưng ông Lò Văn Biến (dân tộc Thái) ở bản Căng Nà, Thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) vẫn nổi bật bởi mái tóc dài và bạc trắng. Dáng vẻ nghệ sỹ của ông đã thu hút sự chú ý của nhiều người có mặt trong hội trường. Ông Biến năm nay đã gần 80 tuổi, là một trong những đại biểu cao tuổi nhất tham gia hội nghị lần này. Trò chuyện với mọi người, ông bày tỏ nỗi trăn trở, lo lắng trước nguy cơ bản sắc văn hóa dân tộc Thái bị mai một. Ông say sưa nói về điệu khắp, múa xòe, lễ xên bản - xên mường, chiếc khèn bè… của người Thái. Theo ông, đó là “điệu hồn” của dân tộc Thái, nếu một trong những “điệu hồn” bị mất đi có nghĩa là người Thái đã mất đi một góc tâm hồn mình.

Vì thế, tuy già yếu nhưng ông vẫn phải cố công sưu tầm, chắt lọc và truyền dạy cho thế hệ sau, để những giá trị bản sắc của tổ tiên truyền lại không còn bị mai một. Ông đã mở các lớp truyền dạy chữ Thái, dạy các làn điệu dân ca, dân vũ, sử dụng nhạc cụ dân tộc. Lớp trẻ đến học ngày một đông, ông mừng vui và thấy ngày càng khỏe hơn. Theo ông Biến: “Già làng, người uy tín tiêu biểu ở vùng dân tộc phải cố gắng đóng góp một phần công sức nhỏ bé của mình để bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc. Phải nêu cao ý thức lưu giữ, sao chép, truyền dạy cho các thế hệ sau những nét văn hoá tốt đẹp được tổ tiên truyền lại”.

Gặp lại ông Cụt Phò Lan (bản Huồi Phuôn 1, xã Keng Đu- Kỳ Sơn) sau gần 1 năm, ông có vẻ khá trầm lặng và ít trò chuyện với mọi người. Nhận ra chúng tôi là người quen, ông vui vẻ: “Mình là dân tộc Khơ mú, nói tiếng phổ thông chậm lắm nên rất ngại chuyện trò. Nghe họ báo cáo tham luận, mình thấy ai cũng giỏi, mình còn phải cố gắng nhiều. Mai về Keng Đu, mình sẽ kể rõ với mọi người về chuyến đi đầy ý nghĩa này”. Đến lúc mọi người hỏi thăm về quê mình, ông Cụt Phò Lan lại nói chuyện một cách hồ hởi. Nào là xã Keng Đu cách trung tâm huyện đến 80 cây số, đường khó đi lắm, mùa mưa thì có khi đành chịu. Nào là ở Keng Đu chủ yếu là người Khơ mú sinh sống, tuy ở xa nhưng cuộc sống không còn đói nghèo như trước.

Đến từ nhiều tỉnh khác nhau nhưng các đại biểu luôn thể hiện sự thân mật, vui vẻ và đoàn kết. Có những người nhận ra bạn đồng ngũ, cùng đơn vị công tác sau hàng chục năm mới gặp lại. Có người cùng một hệ dân tộc nhưng cư trú ở 2 tỉnh khác nhau, dịp này lại trao đổi về đời sống và phong tục tập quán của dân tộc mình. Ông Vi Đức Tuấn (Tương Dương) tìm gặp ông Lò Văn Biến để hiểu thêm về văn hóa Thái, đặc biệt là Lễ hội Xăng- khan, Lễ Xên bản- xên mường...

Ông Và Phái Tểnh (Kỳ Sơn) tìm gặp ông Vàng A Tình (tỉnh Hòa Bình) để hỏi về kinh nghiệm vận động bà con người Mông cư trú ổn định, không di cư tự do. Còn ông Kha Diễn Tâm, bản Xốp Tụ, xã Mỹ Lý (Kỳ Sơn) chia sẻ: “Tôi phải tìm gặp ông Lầu Thanh Mai ở tỉnh Thanh Hóa để học hỏi kinh nghiệm về cách xây dựng, tổ chức soạn hương ước, tộc ước để bà con dân bản, con cháu cam kết không vi phạm pháp luật và các loại tệ nạn xã hội”. Như những người bạn lâu ngày gặp lại, câu chuyện của họ trở nên sôi nổi, thân tình...

Cuộc gặp gỡ nào cũng đến lúc phải chia tay. Sau bữa cơm trưa thân mật và thắm tình đoàn kết, các đại biểu lên xe của đoàn mình. Tất cả cùng đưa tay vẫy chào nhau, chào Thành phố Vinh yên bình. Những đóa hoa ấy lại trở về với bản làng, tỏa ngát hương thơm cho đời, làm điểm tựa vững chắc cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là cầu nối giữa ý Đảng và lòng dân.


Công Kiên