Quan hệ hợp tác Việt Nam - Pháp: Sâu sắc và toàn diện
Vừa qua, tại Hà Nội đã diễn ra các hoạt động: khai mạc năm Pháp tại Việt Nam và lễ kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Pháp (12/4/1973-12/4/2013). Có thể khẳng định, trong 40 năm qua, mối quan hệ hợp tác Việt Nam- Pháp phát triển năng động, đa dạng, sâu sắc và toàn diện trên mọi lĩnh vực.
(Baonghean) - Vừa qua, tại Hà Nội đã diễn ra các hoạt động: khai mạc năm Pháp tại Việt Nam và lễ kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Pháp (12/4/1973-12/4/2013). Có thể khẳng định, trong 40 năm qua, mối quan hệ hợp tác Việt Nam- Pháp phát triển năng động, đa dạng, sâu sắc và toàn diện trên mọi lĩnh vực.
Về chính trị, hai bên thường xuyên có trao đổi đoàn ở tất cả các cấp, thiết lập các cơ chế đối thoại đều đặn nhằm tăng cường niềm tin và sự hiểu biết lẫn nhau, là cơ sở cho mọi sự hợp tác và tiến tới cùng xây dựng quan hệ đối tác chiến lược.
Về kinh tế, Pháp là một trong những nước châu Âu đầu tiên ủng hộ sự nghiệp đổi mới của Việt Nam từ năm 1986 và đến nay, và là đối tác kinh tế châu Âu hàng đầu của Việt Nam với kim ngạch trao đổi thương mại song phương lên đến 3,7 tỷ USD. Hơn 300 doanh nghiệp Pháp làm ăn tại Việt Nam trên mọi lĩnh vực, góp phần tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế ở Việt Nam và trao đổi thương mại giữa hai nước. Pháp hiện là nhà tài trợ song phương đứng thứ hai ở Việt Nam về viện trợ phát triển, với 3,14 tỷ USD, đầu tư vào các lĩnh vực xóa đói giảm nghèo, chống biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.
Về giáo dục, Việt Nam trở thành cộng đồng châu Á đứng thứ hai trong các trường đại học Pháp, thể hiện qua con số hơn 7.500 sinh viên và nghiên cứu sinh Việt Nam đang theo học tại các giảng đường đại học tại Pháp và con số này đã tăng trung bình 30%/năm trong hơn một thập kỷ qua.
Về văn hóa, Chính phủ Pháp dành ưu tiên hỗ trợ cho chính sách hội nhập văn hóa của Việt Nam với phương châm khẳng định tôn trọng sự đa dạng văn hóa Việt Nam. Hiệp định giữa hai Chính phủ về các Trung tâm văn hóa được ký kết (tháng 11/2009) đã tạo cơ sở và điều kiện cho hoạt động của Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pa-ri - một trong hai trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài. Pháp là đối tác đầu tiên tham gia xây dựng Festival Huế. Ngoài ra, Việt Nam được mời tham gia vào nhiều lễ hội văn hóa nghệ thuật tại Pháp (Lễ hội nghệ thuật Avignon, Lễ hội Biển quốc tế Brest...).
Bên cạnh đó, hợp tác giữa các địa phương là một hình thức hợp tác đặc thù trong quan hệ hai nước và hiện đang đi vào chiều sâu. Hiện nay, có gần 40 địa phương của Pháp có quan hệ đối tác với các tỉnh và thành phố của Việt Nam thông qua 235 dự án cụ thể, trong đó có quan hệ hợp tác giữa tỉnh Cotes d'Armor và tỉnh Nghệ An. Năm 1994, Hội Hữu nghị Cotes d’Armor – Việt Nam (CAVN) được thành lập, đánh dấu sự hợp tác chính thức giữa 2 tỉnh.
Từ đó, quan hệ hợp tác giữa 2 tỉnh đã diễn ra trên 3 lĩnh vực: Hỗ trợ dạy học Pháp ngữ: Trao đổi văn hóa; và hỗ trợ phát triển bền vững. Trên lĩnh vực hỗ trợ dạy học Pháp ngữ, CAVN đã hỗ trợ tài liệu máy vi tính và máy photocopy phục vụ cho việc dạy học tiếng Pháp ở 5 trường học ở Nghệ An là các trường tiểu học Lê Lợi, Cửa Nam (TP. Vinh), các trường THCS Lê Lợi, Đặng Thai Mai (TP. Vinh) và Nghĩa Lộc (Nghĩa Đàn), Trường THPT chuyên Phan Bội Châu. Từ năm 1996 đến nay, Hội hỗ trợ Sở GD – ĐT Nghệ An và các trường triển khai thực hiện dự án dạy song ngữ Pháp – Việt do Bộ Ngoại giao Pháp phối hợp với Bộ GD – ĐT Việt Nam tổ chức. Ngoài ra, Hội đã hỗ trợ toàn bộ chi phí học tập, ăn ở, đi lại cho giáo viên của các trường sang Pháp tập huấn nâng cao năng lực giảng dạy tiếng Pháp.
Trên lĩnh vực trao đổi văn hóa, CAVN đã tổ chức các chuyến tham quan xen kẽ hàng năm cho học sinh học tiếng Pháp 2 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh và học sinh tỉnh Cotes d’Armor. Đến nay, đã có 135 học sinh của 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh được sang Pháp theo chương trình này. Qua đó, đã có các hoạt động kết nghĩa giữa các trường học Pháp và các trường học Việt Nam, như giữa Trường THCS Beaufeillage (TP. St Brieuc) và Trường THCS Lê Lợi (TP. Vinh), Trường THCS Roger Vercel (TP. Dinan) và Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Trường THCS St Joseph (huyện Broons) và Trường tiểu học Cửa Nam (TP. Vinh). Chính điều này đã tạo nên sự gắn bó cũng như thúc đẩy mong muốn tìm hiểu lẫn nhau giữa học sinh 2 nước và tăng cường sự liên kết giữa các trường học của 2 nước.
Trong chương trình hỗ trợ phát triển bền vững, từ năm 2008, CAVN đã triển khai 2 hoạt động chính là: Cấp học bổng hỗ trợ cho trẻ em nghèo đến trường và hỗ trợ vay vốn xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế gia đình. Đến nay, đã có hơn 20 học sinh ở huyện Quế Phong được cấp học bổng; có 18 hộ nghèo ở các xã Kim Sơn (Quế Phong), Hoa Sơn (Anh Sơn), Nghi Liên (TP. Vinh)... được vay vốn phát triển kinh tế và hầu hết trong số đó đã sử dụng đồng vốn có hiệu quả.
Để có kinh phí cho các hoạt động trên, ngoài sự đóng góp tự nguyện của các thành viên, CAVN đã kêu gọi sự tài trợ từ nhiều tổ chức, doanh nghiệp trong tỉnh Cotes d’Armor, vùng Bretagne và trên khắp nước Pháp. Đặc biệt, CAVN còn phối hợp với họa sĩ trẻ Lại Thị Mai Liên – một Việt kiều ở Pháp tổ chức các cuộc triển lãm tranh và gốm sứ và phần lớn số tiền thu được từ các cuộc triển lãm sẽ được góp vào quỹ hoạt động của CAVN. Năm 2003, một Trung tâm Pháp ngữ đã được thành lập tại TP. Vinh (trụ sở tại số 36, đường Nguyễn Đức Cảnh) nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện các hoạt động của CAVN. Trong một cuộc gặp gần đây, ông Alain Rube – Chủ tịch CAVN và ông Lê Văn Ngọ - Chủ tịch Hội hữu nghị Việt – Pháp tỉnh Nghệ An đã khẳng định: Trong thời gian tới, giữa 2 tỉnh Cotes d'Armor và Nghệ An sẽ tiếp tục tăng cường các hoạt động nâng cao dạy học tiếng Pháp, giao lưu, khám phá văn hóa giữa học sinh 2 tỉnh, đồng thời mở rộng hợp tác sang lĩnh vực y tế, môi trường.
Năm Pháp tại Việt Nam được đánh dấu bởi gần 100 sự kiện thuộc tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là trao đổi kinh tế, văn hóa và sáng tạo nghệ thuật, giáo dục, quốc phòng, khoa học, du lịch, thể thao... Năm Pháp-Việt được chia làm hai mùa: mùa Pháp tại Việt Nam, kéo dài đến cuối năm nay và mùa Việt Nam tại Pháp, sẽ diễn ra vào nửa đầu năm 2014. |
Mai Anh