Bài cuối: Làm mô hình, cần sát thực tế

29/03/2013 19:20

- Nghị quyết 30a của Chính phủ dành cho 62 huyện nghèo trong cả nước còn kéo dài đến năm 2020. Do vậy, các địa phương Quế Phong, Tương Dương và Kỳ Sơn trong những năm tiếp theo sẽ thực hiện nhiều mô hình chăn nuôi, sản xuất để bà con học hỏi kinh nghiệm và nhân rộng. Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng và địa phương trước khi thực hiện mô hình cần phải nghiên cứu kỹ từng cây trồng, vật nuôi dựa trên đặc thù của mỗi dân tộc, vùng miền...

(Baonghean) - Nghị quyết 30a của Chính phủ dành cho 62 huyện nghèo trong cả nước còn kéo dài đến năm 2020. Do vậy, các địa phương Quế Phong, Tương Dương và Kỳ Sơn trong những năm tiếp theo sẽ thực hiện nhiều mô hình chăn nuôi, sản xuất để bà con học hỏi kinh nghiệm và nhân rộng. Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng và địa phương trước khi thực hiện mô hình cần phải nghiên cứu kỹ từng cây trồng, vật nuôi dựa trên đặc thù của mỗi dân tộc, vùng miền...

>>Bài 2: Mô hình hỗ trợ sản xuất - Nhìn từ thực tiễn

Nhìn lại 4 năm thực hiện Chương trình 30a của Chính phủ về xây dựng các mô hình chăn nuôi, trồng trọt, theo tìm hiểu của chúng tôi, có thể điểm những mô hình khả thi có tính bền vững để nhân ra diện rộng: nuôi lợn đen địa phương, nuôi lợn nái Móng Cái, mô hình nuôi bò Mông ở các địa phương; mô hình trồng cây bo bo ở xã Nậm Nhoóng, mô hình trồng chanh leo ở xã Tri Lễ, mô hình cấy lúa chịu lạnh ở Quế Phong; mô hình chăn nuôi bò lai Sind ở Tam Quang (Tương Dương)… Điều rất dễ hiểu là phần lớn các mô hình cây trồng, vật nuôi này mang tính bản địa, phù hợp với điều kiện sản xuất của đồng bào các dân tộc. Đó là những nỗ lực rất lớn của các địa phương, mấy năm qua đã mày mò khai thác, cần được phát triển trong những năm tiếp theo. Ngược lại, đối với những mô hình có thể đánh giá là kém hiệu quả, cho thấy nguyên nhân do yếu tố chủ quan là chính.

Tại sao, mô hình trồng lạc 4,5 ha tại các bản Ná Nháo, Ná Véo, Ná Tóng (xã Châu Thôn - Quế Phong) không được người dân nhân ra diện rộng? Một thực tế là đồng bào dân tộc Thái ở đây từ trước đến nay không quen trồng cây màu, đặc biệt là cây lạc. Xã Châu Thôn có 95% dân số là đồng bào Thái. Khi thực hiện mô hình, bà con được nhà nước đầu tư 100% giống, phân bón, kỹ thuật… bà con chỉ bỏ ngày công. Thực ra, năng suất lạc đạt khá cao, đồng nghĩa với việc người dân có thu nhập. Nhưng xong mô hình thì người dân không làm theo, thậm chí bỏ đất hoang.

Nguyên nhân, theo ông Vi Văn Chín – Chủ tịch UBND xã, thứ nhất là do người dân không chịu đầu tư, mặc dù nhà nước có chính sách hỗ trợ giá giống. Thứ hai, do tập quán của đồng bào Thái quen sản xuất lúa nước, chăn nuôi trâu, bò, lợn, mà không quen trồng cây màu. Thực tế cho thấy, những năm qua địa phương cũng được Chương trình 30a đầu tư thực hiện mô hình chăn nuôi gia súc, mang lại hiệu quả thiết thực, bà con rất phấn khởi.

Tìm đến gia đình bà Lô thị Thư, bản Ná Tóng, người tham gia thực hiện mô hình trồng lạc theo Chương trình 30a của xã từ năm trước. Bà Thư nói, gia đình có khoảng 700m2 đất màu, khi thực hiện mô hình, gia đình thu hoạch được khá nhiều lạc. Nhưng nay hết mô hình, gia đình chỉ trồng khoảng 200m2 lạc, còn lại để đất hoang. Đám lạc này từ khi trỉa hạt đến nay, gia đình chưa bón phân gì, vì không có tiền đầu tư. Trong khi đó, trồng lạc cần phải đầu tư đúng mức thì củ mới nhiều và chắc.



Mô hình trồng cây bo bo ở xã Nậm Nhoóng (Quế Phong) đang phát triển tốt, cần nhân ra diện rộng.

Huyện Quế Phong năm 2012 còn có mô hình nuôi o­ng lấy mật tại 2 xã Châu Thôn và Tiền Phong. Mô hình nuôi o­ng được đầu tư 50 tổ, giá mỗi tổ 1 triệu đồng. Đầu tháng 3/2013, Trạm Khuyến nông đã cung ứng đủ 50 tổ o­ng cho 15 hộ nuôi (chủ yếu là xã Châu Thôn). Trước khi nhận o­ng về nuôi, Trạm Khuyến nông đã tổ chức lớp tập huấn nuôi o­ng mật cho bà con. Xét về mặt điều kiện tự nhiên thì tại hai địa phương này có thể nuôi được o­ng lấy mật, vì diện tích rừng nhiều, phong phú các loại hoa phấn, cần được khai thác. Nhưng xét về con người thì cần phải cân nhắc. Vì o­ng lấy mật vốn rất "khó tính", không phải ai cũng đam mê và chăm sóc tận tình được.

Xin nhắc lại mô hình trồng chuối tiêu hồng ở xã Tiền Phong (Quế Phong) và xã Lưu Kiền (Tương Dương). Trước mắt, có thể khẳng định là 2 vùng đất này không phù hợp với trồng chuối. Cây chuối rất dễ trồng, dễ thu hoạch, nhưng phải biết đặc tính của nó. Thứ nhất, cây chuối rất ưa đất có độ ẩm cao. Trong khi đó, 2 vùng đất này khô cằn, chưa có công trình thủy lợi, từ trước đến nay bà con sản xuất lúa nước chủ yếu trông chờ vào nguồn nước mưa.

Hơn nữa, theo anh Vi Thanh Tùng - Phó Chủ tịch UBND xã Lưu Kiền, trồng chuối đang mâu thuẫn với chăn nuôi. Tập quán chăn nuôi của đồng bào các dân tộc là thả rông, vì vậy gia súc sẽ phá hại chuối, trong khi mô hình trồng chuối tiêu hồng không được đầu tư rào chắn gì. Một thực tế cho thấy nữa là, những gia đình thực hiện mô hình trồng chuối chưa quan tâm lắm, dẫn đến thiếu sự chăm sóc của con người. Việc này đáng lẽ cán bộ phụ trách mô hình cần phải giám sát, hướng dẫn bà con cách chăm sóc cho hợp lý. Vùng miền núi cây que nhiều, nếu cán bộ phụ trách và gia đình có trách nhiệm cao thì rào chắn cẩn thận, mới mong có chuối bán.

Hay như mô hình trồng dưa hấu ở xã Tam Quang (Tương Dương), là hướng đi mới nhằm mục đích tạo ra sản phẩm hàng hóa, tăng thu nhập trên đơn vị diện tích cho một bộ phận người nông dân. Nhưng nếu nhà nước đầu tư một cách đồng bộ, ngoài giống, phân bón… là thủy lợi thì chắc chắn mô hình sẽ thành công và bền vững.

Ngược lại, với mô hình trồng cây bo bo làm dược liệu tại xã Nậm Nhoóng (Quế Phong) cho thấy, hiệu quả rất rõ rệt. Nguyên nhân dễ nhận thấy, bo bo là cây bản địa ở Nậm Nhoóng. Đầu năm 2012, Trạm Khuyến nông huyện thực hiện mô hình trồng 1,5 ha cây bo bo tại vườn đồi của gia đình ông Vi Văn Điền, bản Na. Chỉ sau 1 năm trồng và chăm sóc, mô hình bo bo phát triển rất tốt, bắt đầu cho thu hoạch. Về mặt tự nhiên, cây bo bo ở đây đã phát triển rộng khắp trên các diện tích rừng của xã Nậm Nhoóng, nhưng địa phương cần khoanh nuôi, quản lý và người dân thu hoạch một cách có khoa học để khai thác lâu dài. Do vậy xây dựng mô hình trồng cây bo bo ở Nâm Nhoóng là có cơ sở để nhân ra diện rộng.

Cây chanh leo ở xã Tri Lễ, huyện Quế Phong cũng xuất phát từ cây bản địa, nhờ biết khai thác lợi thế, mà đến nay đã trở thành mô hình phát triển kinh tế rất hiệu quả ở Tri Lễ. Từ chỗ 2 ha năm 2010, nay nhân ra diện rộng với trên 10 ha cây chanh leo. Thu nhập của cây chanh leo ở Tri Lễ có thể đạt trên 200 triệu đồng/ha. Đây là hướng đi mới cho đồng bào Mông nơi vùng đất biên giới này.

Rõ ràng, thực hiện mô hình nếu dựa vào điều kiện thực tế về phong tục tập quán của từng dân tộc, đất đai và khí hậu thì việc thành công và người dân áp dụng để nhân ra diện rộng là điều có thể. Ngược lại, nếu các cơ quan chức năng không quan tâm đến những yếu tố trên thì rất khó thành công, và nếu mô hình mang lại hiệu quả thực sự thì cũng khó nhân ra diện rộng, vì không phù hợp với thực tế. Nói vậy cũng không loại trừ tư tưởng trông chờ ỉ lại của người dân, khi mà Đảng, Nhà nước ta đang quan tâm đến chính sách hỗ trợ cho đồng bào các dân tộc thiểu số.

Ông Lô Thanh Hài – Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương, cũng nhận thấy rằng, để mô hình 30a hiệu quả cao hơn, địa phương cần chú trọng vào những cây trồng, vật nuôi mang tính bản địa. Ví như, ở Tương Dương lâu nay mét là cây xóa đói giảm nghèo cho người dân, thì nên có chính sách phát triển cây trồng này. Bên cạnh đó, lợn đen, bò, gà Mông cũng là vật nuôi truyền thống của đồng bào các dân tộc, cần có chính sách đầu tư hoặc hỗ trợ chăn nuôi cho bà con. Vấn đề là ở chỗ, khi nhà nước quan tâm đến sản phẩm mang tính hàng hóa thì đi đối với nó là khâu tiêu thụ sản phẩm cho bà con. Ví như, mấy năm qua, trên địa bàn huyện Con Cuông xây dựng Nhà máy giấy Tân Hồng, thì các địa phương lân cận tuyên truyền, vận động bà con trồng rừng kinh tế bằng cây keo để phục vụ nguyên liệu cho nhà máy. Nhưng khi nhà máy “đóng cửa”, người trồng rừng trở nên thua thiệt...

Mục tiêu của Chương trình 30a được xác định đến năm 2010 tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện giảm xuống còn 40%, xuống bằng mức trung bình của tỉnh vào năm 2015 và xuống bằng mức trung bình của khu vực vào năm 2020. Năm 2020, thu nhập bình quân của các hộ ở các huyện nghèo tăng gấp 5 – 6 lần hiện nay. Tỷ lệ lao động nông thôn được tập huấn và đào tạo đạt trên 25% vào năm 2010, trên 40% vào năm 2015 và trên 50% vào năm 2015. Đến năm 2020, giao thông sẽ được thông suốt 4 mùa tới hầu hết các xã và cơ bản có đường ô tô tới các thôn, bản đã được quy hoạch. Điện sinh hoạt sẽ cung cấp cho hết các khu dân cư; điều kiện học tập, sinh hoạt, khám chữa bệnh, sinh hoạt văn hóa, tinh thần của người dân cơ bản được đảm bảo.

Qua 4 năm thực hiện Chương trình 30a ở 3 huyện Tương Dương, Quế Phong và Kỳ Sơn, cho thấy bên cạnh những thành quả rất khích lệ, còn bộc lộ nhiều bất cập khi thực hiện các mô hình phát triển kinh tế, do đó công tác xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm cho nông dân chưa được như ý muốn. Mỗi dân tộc, mỗi vùng miền đều có đặc thù khác nhau, khi thực hiện mô hình cần phải xem xét, nghiên cứu thật kỹ lưỡng thì mô hình mới thành công và nhân ra được diện rộng. Có như thế, Chương trình 30a mới thực sự đi vào cuộc sống của đồng bào vùng đặc biệt khó khăn, từ đó công tác xóa đói, giảm nghèo mới mang tính bền vững!


Bài, ảnh: Xuân Hoàng