Nhớ lời Bác: Thi đua ái quốc

10/06/2013 08:52

Đã 65 năm kể từ ngày Bác Hồ viết Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/06/1948), nhưng đến nay lời kêu gọi đó vẫn nguyên giá trị và mang tính thời sự. Lời kêu gọi thi đua ái quốc mà Bác Hồ đã nêu cụ thể  cho từng giới đồng bào chúng ta mãi là mệnh lệnh của lương tâm, trách nhiệm cho “sĩ, nông, công, thương, binh, gái trai, già, trẻ, toàn thể quốc dân ta vô luận ở địa vị nào, làm công việc gì, phải ra sức tham gia cuộc thi đua ái quốc”.

(Baonghean) - Đã 65 năm kể từ ngày Bác Hồ viết Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/06/1948), nhưng đến nay lời kêu gọi đó vẫn nguyên giá trị và mang tính thời sự. Lời kêu gọi thi đua ái quốc mà Bác Hồ đã nêu cụ thể cho từng giới đồng bào chúng ta mãi là mệnh lệnh của lương tâm, trách nhiệm cho “sĩ, nông, công, thương, binh, gái trai, già, trẻ, toàn thể quốc dân ta vô luận ở địa vị nào, làm công việc gì, phải ra sức tham gia cuộc thi đua ái quốc”.

Thi đua ái quốc vừa là nguồn gốc, vừa là phương hướng; vừa mang tính dân tộc, vừa mang tính cách mạng; vừa là lý luận, vừa là thực tiễn; vừa là tình cảm, vừa là giáo lý. Bởi lẽ thi đua là rót dầu vào chiếc đèn cuộc sống, còn tư tưởng của thi đua là thắp sáng nó lên. Thi đua là để động viên tinh thần, động viên vật chất, động viên sức người, sức của. Nếu như trong thời chiến, để thực hiện toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến, vừa kháng chiến, vừa kiến quốc, làm cho “thế và lực của ta biến chuyển” thì trong thời bình là để xây dựng, phát huy sức mạnh nội lực để phát triển kinh tế, “tự cấp, tự túc đi kịp người ta”.

Thi đua ái quốc nghĩa là phải nâng cao lòng nồng nàn yêu nước và giác ngộ chính trị của mọi người. “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua” nhằm “diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm. Tức là làm cho dân no, ấm, biết chữ, làm cho Tổ quốc độc lập, tự do”. Vậy là, thi đua yêu nước kế thừa và phát huy truyền thống anh hùng, bất khuất của dân tộc trong quá trình dựng nước và giữ nước, thi đua yêu nước đã đi vào lòng người biến thành sức mạnh vật chất lớn lao.

Bác Hồ chỉ bảo về phong trào thi đua: Thi đua phải có sự lãnh đạo đúng. Trước khi thi đua phải chuẩn bị đầy đủ (giải thích, cổ động, xét kỹ kế hoạch mỗi nhóm, mỗi người). Trong quá trình thi đua, phải thiết thực đôn đốc, giúp đỡ, sửa đổi. Sau đợt thi đua, phải thiết thực kiểm tra tổng kết, phổ biến kinh nghiệm, khen thưởng những kiểu mẫu, nâng đỡ những người kém cỏi. Xuất phát từ tính toàn dân, toàn diện của thi đua ái quốc, nên lựa chọn các gương mặt tiêu biểu, đa dạng, phong phú: anh hùng thi đua, chiến sĩ thi đua, cán bộ gương mẫu, lao động tiên tiến, lao động xuất sắc… Đây là sản phẩm của đường lối phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng của đại chúng, nhằm “đẩy mạnh thi đua cho rộng khắp hơn nữa, làm cho ai nấy, bất kỳ làm việc gì, đều thi đua lập được thành tích lớn hơn nữa, ngành nào cũng thi đua tiến bộ mạnh hơn nữa, học tập và đào tạo được nhiều anh hùng, chiến sĩ hơn nữa”.

Hiện nay, chúng ta đang tiếp tục quán triệt sâu sắc và vận dụng Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Bác Hồ vào trong công cuộc đổi mới và sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, để khơi dậy lòng yêu nước, sự cố gắng thi đua của người này với người khác, nhà này với nhà khác, làng này với làng khác, ngành này với ngành khác… Bằng các hình thức khen thưởng và phong tặng các danh hiệu anh hùng, chiến sĩ thi đua thì sự chỉ bảo của Bác Hồ về bình công, báo công là định hướng đúng đắn trong việc xem xét kết quả thi đua của từng người, từng tập thể một cách công minh, không nhìn nhận đánh giá kết quả thi đua một cách phiến diện, cảm tính. Cốt để khuyến khích thi đua, bảo đảm thực chất của việc thi đua, chống được bệnh hình thức và báo cáo sai lệch trong thi đua, bảo đảm cho thi đua ái quốc là nghĩa vụ thiêng liêng của xã hội, của đất nước, làm cho thi đua phát huy tính công khai, dân chủ, tự nguyện của đại chúng, không thi đua hình thức, không cưỡng ép, không hẹp hòi, thiển cận.

Chúng ta tin tưởng rằng: với tinh thần quật cường và lực lượng vô tận của dân tộc, với lòng yêu nước và chí kiên quyết của nhân dân ta, đất nước ta ngày càng hùng mạnh; dân tộc ta càng phồn vinh; nhân dân ta càng hạnh phúc vì chúng ta có thi đua ái quốc theo tư tưởng của Bác Hồ: “Tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân, phải thật sự đoàn kết… Thấm nhuần tư tưởng của Bác về thi đua ái quốc, mỗi cơ quan đơn vị, mỗi ngành phải kịp thời kiện toàn tổ chức và chỉnh đốn lề lối làm việc… Trong các cơ quan, phải thực hành dân chủ, thường xuyên thực hiện tự phê bình và phê bình nghiêm chỉnh, giúp nhau cùng tiến bộ”. Thiết nghĩ, ôn lại những điều Bác dạy về thi đua ái quốc cũng chính là thiết thực học và làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ.


Th.s Thái Khắc Thư