Bộ GD-ĐT “từ chối” đề nghị của Trường ĐH Y Hà Nội

08/08/2013 10:04

Để "cứu" những thí sinh đạt 9 điểm/môn vẫn bị trượt, ĐH Y Hà Nội đã có công văn gửi Bộ GD-ĐT xin đào tạo hệ ngoài ngân sách. Tuy nhiên trong cuộc họp chiều tối ngày 7/8, lãnh đạo Bộ GD-ĐT khẳng định: “Không có chỉ tiêu dành cho hệ ngoài ngân sách”.

Với động thái này của Bộ GD-ĐT thì đồng nghĩa cơ hội cho những thí sinh thi Trường ĐH Y Hà Nội đạt 26 - 27,5 điểm nhưng đăng ký ngành Bác sỹ đa khoa gần như đã khép lại. Cơ hội cuối cùng của thí sinh phụ thuộc vào quyết định Hội đồng xét duyệt điểm chuẩn của Trường ĐH Y Hà Nội.

Trao đổi nhanh với PV Dân trí ngay sau khi cuộc họp kết thúc, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga nhấn mạnh: “Quan điểm của Bộ GD-ĐT là không có chỉ tiêu hệ đào tạo ngoài ngân sách. Xây dựng điểm chuẩn như thế nào để đảm bảo hợp lý là trách nhiệm của trường ĐH Y Hà Nội. Tuy nhiên thực hiện theo cách nào thì cũng phải đảm bảo không vượt quá tổng chỉ tiêu được giao”.

Theo nguồn tin riêng của Dân trí, ngay sau khi Bộ GD-ĐT công bố điểm sàn vào ngày mai (8/)8, Hội đồng tuyển sinh của trường ĐH Y Hà Nội sẽ họp bàn để quyết định mức điểm chuẩn vào trường. Một lãnh đạo của Bộ GD-ĐT cho biết: “Thông tin đạt 28,0 điểm mới vào ngành Bác sỹ Đa khoa Trường ĐH Y Hà Nội mới chỉ là kênh thông tin chưa chính thống. Chỉ khi Trường ĐH Y Hà Nội có văn bản xác định điểm chuẩn và báo cáo về Bộ thì đó mới là chính thức”.

Ngay sau khi biết chủ trương của Bộ trong cách giải quyết 9 điểm/môn nhưng vẫn trượt ĐH, phó giám đốc của một bệnh viện lớn ở Hà Nội chia sẻ: “Đây là một điều rất đáng tiếc bởi như chúng ta đã biết ngành y tế đang cần những đội ngũ bác sỹ giỏi. Trong khi đó với truyền thống đào tạo lâu năm, ĐH Y Hà Nội đã có uy tín cả trong và ngoài nước. Việc Bộ GD-ĐT không đồng ý cho ĐH Y Hà Nội tuyển bổ sung hệ ngoài ngân sách sẽ dẫn đến có nhiều hệ lụy làm “chảy máu chất xám" cũng như “chảy máu ngoại tệ”.

Phó giám đốc này phân tích: “Như chúng ta đã biết với mức điểm 26-27,5 thì Trường ĐH Y Hà Nội sẽ có hàng trăm thí sinh đạt nhưng nhà trường chỉ xác định xin bổ sung 150 chỉ tiêu bởi khi xác định theo học hệ này chi phí sẽ “đội” lên nhiều và không phải gia đình nào cũng có điều kiện cho con em mình tham gia. Những gia đình có con em trượt ngành Bác sỹ đa khoa và có điều kiện sẽ lựa chọn cho con đi du học ngành Y ở một số nước lân cận. Như vậy, việc này có thể đã "đẩy" những em có tiềm năng ra nước ngoài học và tất nhiên các em hoàn toàn có thể được giữ lại đất nước họ công tác sau khi tốt nghiệp. Quan trọng hơn, chi phi học tập ở nước ngoài cao hơn rất nhiều so với mức học phí hệ ngoài ngân sách. Như vậy, một lần nữa chúng ta lại không biết tận dụng nguồn chi phí này để đào tạo ở trong nước trong khi nhu cầu xã hội là có”.

Một số chuyên gia tuyển sinh khác lại cho rằng, khả năng đào tạo của Trường ĐH Y Hà Nội hoàn toàn cao hơn rất nhiều so với tổng chỉ tiêu năm nay. Điều này không khó để kiếm chứng khi mà thực tế nhiều trường mới mở ngành đào tạo Y thì chỉ tiêu cũng chẳng kém ĐH Y Hà Nội là bao. Câu hỏi đặt ra ĐH Y Hà Nội không tăng chỉ tiêu là để tập trung nâng cao chất lượng hay do thiếu cơ chế nên họ cũng chẳng "mặn mà"?


Theo HNMO- TH