Lưu ý khi điều trị các bệnh tiêu chảy

13/05/2013 21:42

Khi nhiễm bệnh, cho dù nguyên nhân là gì và loại vi khuẩn nào gây nên thì việc quan trọng nhất và đầu tiên cần làm là bù nước và điện giải.



Vi khuẩn gây tiêu chảy.

Mùa hè với thời tiết nắng nóng là điều kiện hết sức thuận lợi cho các bệnh tiêu chảy cấp. Có nhiều loại vi khuẩn gây nên bệnh lý tiêu chảy cấp như tụ cầu vàng, E.coli, phẩy khuẩn tả, giun, sán, vi khuẩn Salmonela, Shigela hoặc Rotavirus.

Cần chú ý pha dung dịch bù nước phải theo đúng hướng dẫn sử dụng, không được chia nhỏ gói oresol hoặc viên hydrit để pha làm nhiều lần. Dung dịch bù nước đã pha nếu quá 12 giờ không uống hết phải bỏ đi. Việc cho uống bù nước phải được duy trì đến khi người bệnh đi tiêu phân sệt và dưới 3 lần mỗi ngày.

Một điểm hết sức quan trọng nữa đó là trong khi bị tiêu chảy cần duy trì chế độ ăn thích hợp. Thức ăn cần mềm và lỏng hơn bình thường, nhưng vẫn phải đủ 4 nhóm thực phẩm. Nếu bệnh nhân là trẻ nhỏ thì vẫn phải cho trẻ bú mẹ và các bữa ăn dặm phải lỏng hơn, mềm hơn và chia thành nhiều bữa nhỏ.

Ngoài ra, tùy thuộc vào nguyên nhân gây tiêu chảy mà có thể sử dụng kháng sinh, thuốc làm giảm nhu động ruột hoặc men tiêu hóa. Tuy nhiên, chỉ có bác sĩ mới có quyền chỉ định cho dùng thuốc gì, bạn không nên tự ý sử dụng thuốc để tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.

Với tiêu chảy do phẩy khuẩn tả, bệnh nhân sẽ được điều trị bằng kháng sinh đặc hiệu, bù nước và điện giải. Tiêu chảy cấp do Salmonella thì điều trị chủ yếu bằng bù dịch, hạ sốt, dùng thuốc an thầnhoặc dùng kháng sinh nếu cần. Tiêu chảy cấp do độc tố của tụ cầu, đều cần bổ sung nước và điện giải, trợ tim mạch. Bệnh do Rotavirus thì chỉ cần cân bằng nước và điện giải...

Tiêu chảy cấp nói chung và tiêu chảy cấp do nhiễm khuẩn nói riêng là nguyên nhân gây tử vong quan trọng ở nhiều vùng trên thế giới, trong đó có một số vùng ở Việt Nam do vậy cần hết sức quan tâm đến việc tuyên truyền giáo dục cho mọi người dân có ý thức trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường, giữ gìn vệ sinh và bảo đảm an toàn thực phẩm, bảo quản tốt thức ăn, nước uống trước, trong và sau khi chế biến; ăn chín, uống sôi; tạo lập thói quen rửa tay trước khi ăn, rửa tay sau khi đi vệ sinh; quản lý tốt chất thải sinh hoạt, đặc biệt chất thải của con người nhất là của bệnh nhân tiêu chảy cấp. Khi vật nuôi bị ốm vì bất cứ nguyên nhân gì cũng cần cách ly chúng, không nên tiếp xúc, đặc biệt là trẻ em.


Theo ThS Nguyễn Bạch Đằng - Sức khỏe & Đời sống - NT