Bài học về công tác quản lý trong thực hiện chế độ chính sách

03/06/2013 18:27

Thanh Chương là địa phương đứng thứ 2 toàn tỉnh về số người có công, hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng lên đến 8.777 người, số tiền chi trả gần 10 tỷ đồng/tháng. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, một số địa phương ở Thanh Chương đã để xảy ra những sai phạm dẫn đến mất cán bộ, mất niềm tin của người dân…

(Baonghean) - Thanh Chương là địa phương đứng thứ 2 toàn tỉnh về số người có công, hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng lên đến 8.777 người, số tiền chi trả gần 10 tỷ đồng/tháng. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, một số địa phương ở Thanh Chương đã để xảy ra những sai phạm dẫn đến mất cán bộ, mất niềm tin của người dân…

Phát huy những cái được

Anh cán bộ chính sách xã Thanh Hưng đưa chúng tôi đến thăm bà Nguyễn Thị Nhân ở xóm 2, có chồng và con là liệt sỹ. Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà ngói 3 gian khang trang, bà Nhân xúc động nói: “Nhờ có sự quan tâm của chính quyền và sự giúp đỡ của các đoàn thể, từ ngôi nhà cấp 4 tạm bợ, nay tôi đã có ngôi nhà vững chãi để ở và thờ cúng chồng con; những ngày lễ, tết, gia đình tôi đều nhận được sự quan tâm, thăm hỏi của các cấp chính quyền, bà con lối xóm. Để bà Nhân có được ngôi nhà tình nghĩa trị giá trên 150 triệu đồng này, là nhờ sự đóng góp hỗ trợ từ Quỹ thiện tâm Vincom (Hà Nội) 40 triệu đồng, huyện 10 triệu đồng, tỉnh 10 triệu đồng,… sự ủng hộ của anh em họ hàng và nhân dân trong xã đóng góp ngày công.

Ông Nguyễn Cảnh Hạnh - Chủ tịch UBND xã Thanh Hưng cho biết: Hàng năm xã đều có nghị quyết chuyên đề về thực hiện chế độ chính sách, công tác đền ơn đáp nghĩa; có kế hoạch chỉ đạo một cách cụ thể, chi tiết từng phần việc. Trong chi trả chế độ chính sách, xã mời các gia đình được hưởng lên nhận tại trụ sở xã vừa kịp thời và cũng là một cách để kiểm tra, giám sát giữa cán bộ chi trả và các đối tượng đến nhận chế độ. Và điều quan trọng nhất là cán bộ xã làm gương, không để người thân hưởng thêm, hưởng trùng các chế độ làm cho người dân thắc mắc, khiếu kiện.

Từ phong trào xã hội hóa công tác đền ơn đáp nghĩa, xã Thanh Hưng đã huy động được hàng trăm triệu đồng để sửa chữa, xây dựng nhà ở cho các đối tượng chính sách, xây dựng, tu bổ nghĩa trang, đền thờ liệt sỹ của xã; các dịp lễ, tết xã tổ chức thăm hỏi, giúp đỡ chu đáo các gia đình chính sách; tổ chức gặp mặt tọa đàm các gia đình chính sách tiêu biểu, tổ chức đoàn đại diện các gia đình chính sách do 12 xóm bầu ra đi thăm Nghĩa trang Trường Sơn, Thành cổ Quảng Trị... Với cách làm rõ ràng, khoa học, cán bộ xã tận tâm, trong nhiều năm liền xã Thanh Hưng luôn hoàn thành tốt công tác đền ơn đáp nghĩa, không để xảy ra khiếu kiện; xã được Chủ tịch nước khen thưởng.

Trên toàn huyện Thanh Chương, trong 5 năm qua đã có trên 1.500 lượt cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học đến thăm, tặng quà các đối tượng chính sách với số tiền gần 1 tỷ đồng; xây mới 283 nhà, tu sửa và nâng cấp 361 nhà tình nghĩa với tổng kinh phí gần 6 tỷ đồng, đóng góp vào Quỹ Đền ơn đáp nghĩa hơn 2,3 tỷ đồng. Các cơ quan đoàn thể như ngành Giáo dục huyện triển khai phong trào “Áo lụa tặng bà”, Hội Phụ nữ với phong trào tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa, đoàn viên thanh niên đóng góp ngày công xây dựng nhà ở cho gia đình chính sách, tu bổ nghĩa trang liệt sỹ, thắp nến tri ân… Ngoài ra, huyện còn nhận được sự ủng hộ của các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm đóng góp gần 5 tỷ đồng xây dựng 106 ngôi nhà tình nghĩa, điển hình như Công ty XNK Tân Hồng hỗ trợ 2 tỷ đồng, Quỹ Thiện tâm Công ty Vincom hỗ trợ 1,2 tỷ đồng... Thanh Chương cũng là một trong những đơn vị đầu tiên của tỉnh hoàn thành sớm Chương trình 167 xây dựng nhà ở cho các hộ nghèo.



Ngôi nhà tình nghĩa của bà Nguyễn Thị Nhân ở xóm 2, xã Thanh Hưng.

Chấn chỉnh những sai phạm

Bên cạnh những kết quả đạt được ở trên, trong thời gian qua, công tác đền ơn đáp nghĩa, chi trả chế độ chính sách ở Thanh Chương còn để xảy ra những sai phạm nghiêm trọng, dẫn đến khiếu kiện, bức xúc trong nhân dân. Như ở xã Cát Văn, từ năm 2006 đến tháng 6/2012, có hàng chục người là đối tượng chính sách (phần lớn là bố, mẹ liệt sĩ, thương bệnh binh) qua đời, nhưng cán bộ xã đã chậm làm thủ tục khai tử và không báo lên cấp trên, để chiếm dụng hàng trăm triệu đồng.

Sau khi báo chí phanh phui sự việc, Huyện ủy, UBND huyện đã ra các quyết định kỷ luật cảnh cáo đối với Chủ tịch xã, khai trừ khỏi Đảng cán bộ chính sách xã, thu hồi 143.058.000 đồng. Công an đã vào cuộc điều tra và ra quyết định khởi tố vụ án... Ở xã Thanh Chi, trong những năm 2008 - 2011, cán bộ xã làm khai sinh, báo tử giả để ăn chặn tiền chính sách. Theo đó, một số cán bộ xã Thanh Chi đã “phù phép”, tự ý thay đổi độ tuổi, ngày tháng năm sinh các đối tượng hưởng chế độ hỗ trợ dành cho người cao tuổi, “ém” các trường hợp người có công với cách mạng thuộc diện phải cắt giảm chế độ vì đã qua đời, để tiếp tục nhận nguồn trợ cấp từ huyện; đối tượng chính sách khác (trong đó có cả những đối tượng tâm thần) 2 lần được UBND huyện ra quyết định nâng mức trợ cấp xã hội nhưng UBND xã vẫn “ém” các quyết định này, vẫn tiếp tục chi trả cho các đối tượng theo mức trợ cấp cũ.

Nghiêm trọng hơn, các cán bộ xã Thanh Chi còn “khai tử” những trường hợp vẫn còn khỏe mạnh, đang cư trú tại địa phương hay ở xa để “ăn chặn” tiền hỗ trợ mai táng phí... Sau khi vụ việc bị phanh phui, Ban Thường vụ Huyện uỷ Thanh Chương đã có quyết định kỷ luật cảnh cáo tập thể Ban Thường vụ Đảng ủy xã, miễn nhiệm chức vụ Bí thư Đảng ủy xã, cách chức Chủ tịch UBND xã, miễn nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch xã, khai trừ khỏi Đảng, buộc thôi việc cán bộ chính sách xã...

Ở xã Thanh Tường, mặc dù không trục lợi trong công tác chi trả chế độ chính sách, nhưng do để cho các đối tượng hưởng sai chế độ, Chủ tịch xã và cán bộ chính sách của xã đã phải nhận hình thức kỷ luật cảnh cáo. Trao đổi với chúng tôi, ông Lưu Văn Hòa-Chủ tịch UBND xã Thanh Tường cho biết: “Do mình tin tưởng anh em chuyên môn tham mưu nên không rà soát kỹ, dẫn đến có những danh sách họ lập nên có sai sót mà mình không phát hiện ra vẫn ký vào.

Lỗi là buông lỏng công tác quản lý, cán bộ chính sách còn nể nang, cho rằng trước họ vẫn để người đã mất kéo dài thời gian hưởng chế độ thì nay mình cũng để được, nên dẫn đến sai phạm.”. Thừa nhận sai sót của mình, anh Nguyễn Hữu Tùng, cán bộ chính sách xã Thanh Tường nói: “Do bản thân nắm chưa chắc các văn bản thực hiện chế độ chính sách, việc bám nắm về đối tượng có lúc bị buông lỏng, dẫn đến nhầm lẫn trong công tác chi trả, quá trình làm việc còn cả nể nên dẫn đến làm trái nguyên tắc.

Sau khi đoàn kiểm tra của huyện phát hiện ra sai sót, tôi đã nghiêm túc nhận hình thức kỷ luật, gặp các đối tượng nói rõ tình hình và truy thu tất cả số tiền họ đã nhận để nạp lại cho Nhà nước”. Bên cạnh việc tự chấn chỉnh lại công tác quản lý ở cấp xã, ông Lưu Văn Hòa cũng kiến nghị Phòng LĐ-TB&XH huyện cần làm tốt công tác kiểm tra, kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh và giúp cơ sở nắm bắt, thực hiện những phần việc mà cơ sở nắm chưa rõ và có những vướng mắc trong quá trình thực hiện. Ông Nguyễn Công Thành - Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Thanh Chương cũng thừa nhận: “Vừa rồi có một số địa phương trên địa bàn huyện còn để xảy ra sai phạm là do công tác chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc của phòng LĐ-TB&XH huyện làm chưa tốt, chưa sâu sát với cơ sở. Đây là một bài học trong công tác quản lý cho chúng tôi”.

Còn ông Nguyễn Hữu Vinh-Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương thẳng thắn: “Những sai phạm của chúng tôi vừa rồi là do buông lỏng công tác quản lý. Chúng tôi đang chỉ đạo rà soát lại tất cả các xã trong huyện, họp các chủ tịch, cán bộ chính sách xã để quán triệt, tăng cường công tác tập huấn chính sách, phối hợp với các ban, ngành để kiểm tra và khắc phục những sai phạm xảy ra. Chúng tôi sẽ xử lý nghiêm, đúng người đúng tội để lấy lại lòng tin của người dân. Bên cạnh đó, sẽ kiểm điểm, bố trí lại nhân sự của phòng LĐ-TB&XH huyện để làm tốt hơn công tác tham mưu và thực hiện chỉ đạo ở cơ sở; tăng cường công tác chi trả trực tiếp để tránh xảy ra những sai phạm đáng tiếc như vừa qua”.

Có thể nói, việc thực hiện chế độ chính sách cho người có công và đối tượng xã hội trên địa bàn huyện Thanh Chương thời gian qua đã bộc lộ những mảng “sáng” và “tối”. Nếu nơi nào, phần việc nào được chỉ đạo sâu sát thì sẽ có kết quả tốt, còn nơi nào, phần việc nào buông lỏng công tác quản lý thì xảy ra những hậu quả đáng tiếc, làm thất thoát ngân sách Nhà nước, ảnh hưởng đến đời sống dân sinh của các đối tượng được thụ hưởng, làm giảm niềm tin của nhân dân đối với cán bộ, đảng viên và thậm chí dẫn đến cả việc mất cán bộ.


Bài, ảnh: Đức Dũng