Ách tắc thông thương

14/08/2013 19:08

Sự trầm lắng của hoạt động kinh doanh này đã kéo theo nhiều khó khăn cho doanh nghiệp cũng như người lao động.

Nhìn dãy thuyền vận tải nằm xếp đống đói hàng, anh Nguyễn Quang Tú sống ở khu 4 phường Hải Hà thành phố Móng Cái chỉ biết thở dài ngao ngán. Trước đây, anh Tú phải từ chối bớt việc để lấy thời gian nghỉ ngơi, thì nay cả tuần chẳng có ai hỏi tới.

Ngày nào anh Tú cũng ra sông Ka Long để ngóng việc. Cả gia đình 5 miệng ăn trông cả vào tiền vận chuyển hàng bằng thuyền dọc sông Ka Long của anh. Tiền nuôi gia đình có thể xoay bữa qua ngày nhưng khốn đốn, lo ngại nhất là tiền trả lãi vay ngân hàng gia đình anh đã đầu tư cho đống phương tiện này.


Hoạt động giao thương trước khi có Thông tư 05 và 59. (Ảnh: Báo Quảng Ninh)

Dọc đường biên từ TP Móng cái đi Pò Hèn, Bắc Phong cũng cám cảnh không kém cửa khẩu chính Bắc Luân. Không còn cảnh tấp nập xe hàng. Thay vào đó là cảnh người dân chuyển đổi công việc thuần túy quay lại với nghề rừng. Những đống cây keo non tuổi bị đốn hạ chất đống hai bên đường. Từng đoàn trâu kéo gỗ hối hả về nơi tập kết, khiến ai gặp cũng không khỏi xót lòng.

Bà Nguyễn Thị Hạnh, Giám đốc công ty Xuất nhập khẩu Quảng Ninh nhận xét, trước đây mỗi tháng lượng hàng hóa lưu thông cả ngàn container, có thể giải quyết được công ăn việc làm cho hàng vạn người lao động, xe vận tải. Nay đến cả đội thuyền ở Móng Cái cũng có hàng nghìn chiếc cứ nằm chơi mà vẫn phải thuê người trông.

Theo báo cáo nhanh của UBND tỉnh Quảng Ninh, riêng số thu thuế hoạt động tạm nhập tái xuất qua Hải quan Quảng ninh năm 2011 đạt 3,77 tỷ USD; năm 2012 chỉ còn đạt 1,854 tỷ USD và 6 tháng đầu năm nay vớt vát còn 1 tỷ USD.

Ông Nguyễn Kiên Giang, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng biển Hải Phòng khu vực 3 nêu vấn đề: Khi chưa có thống kê lợi ích đem lại của hoạt động kinh doanh tạm nhập tái xuất, những tác động của nó đến an sinh xã hội đã vội quy chụp hàng tạm nhập tái xuất có thể thẩm lậu trong nước và tiến hành cấm là điều cần xem xét lại.

Thực tế trong những năm qua, thông qua hoạt động kinh doanh tạm nhập tái xuất, hơn 400 doanh nghiệp tại cửa khẩu Móng Cái đã tạo việc làm trực tiếp cho trên 20 vạn lao động, tạo cho gia đình họ ổn định cuộc sống hàng ngày, yên tâm sinh sống tại khu vực biên giới.

Khi hoạt động tạm nhập tái xuất vùng biên ngưng trệ, không chỉ có cuộc sống của hơn 20 vạn lao động thuộc các công ty kinh doanh tạm nhập tái xuất bị tinh giảm, mà kéo theo đó là hàng chục ngàn lao động các địa phương về vùng biên cũng thất nghiệp dài ngày theo, đây cũng là gánh nặng cho chính quyền cơ sở.

Ông Dương Văn Cơ, Xhủ tịch UBND thành phố Móng Cái chia sẻ: Doanh nghiệp ngưng hoạt động, các loại hình kinh doanh dịch vụ, nguồn lao động theo doanh nghiệp cũng bị giảm theo. Thành phố Móng Cái hiện nay có hơn 20 vạn lao động thất nghiệp, điều này có thể dẫn đến chuyện họ lại tính đi xuất khẩu trái phép sang biên giới để làm thuê.

Việc các doanh nghiệp kinh doanh hàng tạm nhập tái xuất bị ngưng trệ do những quy định thiếu thực tế của Thông tư 05 của Bộ Công Thương và Thông tư 59 của Bộ Tài chính khi hướng dẫn địa phương, doanh nghiệp thực hiện Chỉ thị 23/CP-TTg đã gây những ảnh hưởng tiêu cực tới đời sống của người dân vùng biên giới, cũng như đẩy hàng trăm doanh nghiệp buộc phá sản.

Rõ ràng những tồn tại phát sinh trong thực tế sau khi Thông tư 05 và 59 ra đời đã không chỉ tác động xấu tới các doanh nghiệp mà còn có những ảnh hưởng lớn tới an sinh xã hội, gây khó khăn cho nguồn thu ngân sách các địa phương giáp biên, nguy cơ tiềm ẩn về trật tự an ninh, an sinh xã hội.

Theo thông tin mới nhất, vào chiều 13/8/2013, Bộ Công Thương đã tổ chức cuộc họp khẩn với Lãnh đạo các địa phương Quảng Ninh, Cao Bằng, Lào Cai, Lạng Sơn, Hà Giang và thành phố Hải Phòng về chỉ thị 05 của Bộ để báo cáo Thủ tướng chính phủ về những hạn chế, bất cập nhằm khắc phục, tháo gỡ khó khăn cho các địa phương, thương nhân kinh doanh tạm nhập tái xuất./.


Theo VOV - HV