Trăn trở nét văn hóa làng xưa

17/06/2013 19:01

Trải qua quá trình hình thành và phát triển, mỗi làng quê đều sản sinh ra các giá trị văn hoá truyền thống đặc sắc và được nhân dân bảo vệ, lưu giữ, chuyển giao từ đời này sang đời khác. Tuy nhiên, dưới tác động của nhiều yếu tố, nhiều làng quê xứ Nghệ đang dần mai một nét văn hóa làng xưa.

(Baonghean) - Trải qua quá trình hình thành và phát triển, mỗi làng quê đều sản sinh ra các giá trị văn hoá truyền thống đặc sắc và được nhân dân bảo vệ, lưu giữ, chuyển giao từ đời này sang đời khác. Tuy nhiên, dưới tác động của nhiều yếu tố, nhiều làng quê xứ Nghệ đang dần mai một nét văn hóa làng xưa.



Đường làng xã Nam Thành (Yên Thành). Ảnh: Hồ Các

Mới đây chúng tôi có dịp khảo sát bước đầu tại nông thôn huyện Quỳnh Lưu với 3 xóm thuộc 3 xã khác nhau.

Xóm 3, xã Quỳnh Đôi nằm ở trung tâm của làng Quỳnh xưa, có đình làng Quỳnh, Nhà Văn hóa và Nhà truyền thống xã. Xóm 3 xưa vốn từng có nhiều tên gọi như xóm Đình, xóm Điếm (vì có điếm canh của làng), xóm Lũy (vì có nhiều lũy tre lớn), xóm Giữa, xóm Trước… (theo vị trí với các làng xóm khác). Ông Dương Văn Giáp, Xóm trưởng cho biết: Xóm 3 Quỳnh Đôi có một đặc điểm nổi bật là tuy vẫn là xóm thuần nông, nhưng bà con năng động mở mang thêm nhiều nghề phụ như làm hương trầm (mới được công nhận làng nghề hương trầm năm 2013), đan mây tre, bện chổi, làm bún bánh và kinh doanh dịch vụ, nên số lao động trẻ dù ly nông nhưng ly hương rất ít so với nhiều làng xã thuần nông khác. Là xóm trung tâm của làng khoa bảng nổi tiếng từ xưa, nếp văn hóa làng của xóm 3 Quỳnh Đôi dường như vẫn đang giữ được nếp gia phong nho học; như “ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền”, tình làng nghĩa xóm vẫn giữ vững, nhất là các phong trào như khuyến học, đền ơn đáp nghĩa, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới,… xóm 3 luôn là đơn vị dẫn đầu của xã.

Quỳnh Hậu là xã đạt danh hiệu Xã Văn hóa đầu tiên của Quỳnh Lưu, là xã thuần nông rất nền nếp, yên bình từ bao đời nay, nhưng với xu hướng già hóa dân số cũng như tác động từ xu thế đô thị hóa, thị trường hóa, nên văn hóa làng có mặt “xáo động”. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Trần Cường, Chủ tịch xã Quỳnh Hậu cho hay, những năm gần đây, số lao động trẻ của Quỳnh Hậu đi làm ăn xa, vừa ly nông vừa ly hương ngày một tăng. Tính riêng số lao động thời vụ được các doanh nhân là chủ các doanh nghiệp xây dựng (là con em địa phương) về tuyển dụng cũng tới trên trăm người, lao động vào Tây Nguyên làm cà phê, cao su… theo mùa vụ cũng tới hàng trăm người.

Từ đặc điểm này tác động đến đời sống văn hóa có cả mặt tích cực và tiêu cực; cụ thể là thu nhập kinh tế tăng, có điều kiện nâng cấp cơ sở vật chất khang trang (nhà cửa, tiện nghi…), con em có điều kiện học hành. Mặt tiêu cực là vào dịp lễ tết, số lao động trẻ đi làm ăn xa về mang theo lối sống thực dụng, lai căng như tụ tập chơi bời, rượu chè, quậy phá… làm mất trật tự an ninh thôn xóm. Mặt khác, do số lao động trẻ đi làm ăn xa tăng lên, nên đến mùa vụ cấy gặt, các hộ buộc phải thuê mướn nhân công với giá khá cao.

Chúng tôi về xóm Nam Tiến, xã An Hòa được ông Mai Văn Danh, Xóm trưởng và ông Hồ Ngọc Bình, Bí thư xóm cho biết: Xóm Nam Tiến do chỉ thuần làm muối, lại không có thêm nghề phụ nên đời sống khá chật vật. Bình quân thu nhập đầu người dưới 14 triệu đồng/năm. Nói đến đời sống văn hóa nói chung, ông Danh, ông Bình đều cho rằng, tuy số lao động trẻ đi làm ăn xa khá nhiều, nhưng các dịp lễ Tết cũng chưa xảy ra những vụ việc lớn về an ninh, trật tự trong thôn xóm, vậy nhưng cũng không thể không lường trước về những tiêu cực có thể xảy ra trong tương lai. Mặt tích cực là nhờ số lao động đi làm ăn xa góp phần rất lớn vào việc giảm nghèo cho địa phương (nay chỉ còn 11%), xóm Nam Tiến đạt tỷ lệ gần 90% gia đình văn hóa. Người dân trong xóm, nhất là người cao tuổi luôn nêu cao đức tính cần cù chịu khó, suốt ngày “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” để làm nên vị mặn cho đời, đó cũng là một nét văn hóa từ bao đời nay của làng.

Qua khảo sát tình hình thực tế một số thôn xóm trên, chúng tôi nhận thấy rằng: Ở các làng quê ngày càng giảm số hộ duy trì nếp sống nhiều thế hệ trong một nhà (như tam đại, tứ đại đồng đường); đồng nghĩa với xu hướng các cặp vợ chồng trẻ sống độc lập, các cặp người cao tuổi đơn thân, không sống chung với con cháu tăng lên; điều đó tỷ lệ thuận với xu hướng đô thị hóa ở nông thôn đang diễn ra mạnh mẽ. Mặc dù đời sống mọi mặt có được cải thiện hơn, nhưng người cao tuổi và trẻ em dưới độ tuổi lao động ở nông thôn vẫn phải tham gia lao động kiếm sống vất vả không kém trước đây, thời gian dành cho nghỉ ngơi, vui chơi giải trí hầu như rất ít ỏi, đời sống tinh thần rất hạn chế. Thực tế cho thấy, bản sắc văn hoá làng một thời đã tạo thành sức mạnh nội lực để người dân chống chọi với thiên tai, giặc dã, vượt qua bao khó khăn, thử thách trong cuộc sống. Vì vậy, bộ mặt nông thôn dù có thay đổi, văn minh, giàu mạnh đến đâu thì những bản sắc văn hoá làng vẫn cần được gìn giữ, phát huy. Đó là nền móng bền vững cho sự phát triển.


Mai Hồ Minh