Để người khuyết tật tự tin vươn lên lao động và học tập

18/04/2013 10:10

(Baonghean.vn) - Người khuyết tật vốn dĩ đã khó hòa nhập cộng đồng vì mặc cảm về hình thể nên tìm được việc làm để...

(Baonghean.vn) - Người khuyết tật vốn dĩ đã khó hòa nhập cộng đồng vì mặc cảm về hình thể nên tìm được việc làm để nuôi sống bản thân là điều hết sức khó khăn. Hiện tỉnh ta có hơn 200.000 người khuyết tật trong số đó có tới hơn 90% số người không có chứng chỉ nghề. Điều đó đồng nghĩa với việc tỷ lệ người khuyết tật có việc làm rất thấp.



Những gương mặt tiêu biểu dự hội nghị biểu dương Người tàn tật toàn quốc ngày 14/4/2013.

Chúng tôi đến thăm cơ sở sản xuất Nước rửa chén Mỹ Hoa do chị Nguyễn Thị Mai Hoa làm giám đốc. Chị Hoa bị liệt một chân trái từ khi 3 tuổi. Chị đã trải qua rất nhiều năm tháng vật lộn với đôi chân tật nguyền để có thể vươn lên học tập, xây dựng gia đình, phát triển kinh tế. Sau khi tốt nghiệp đại học Tổng hợp, loay hoay mãi mà chị không thể xin được vào cơ quan nhà nước nào, năm 1997 chị lập gia đình với anh Nguyễn Văn Mỹ khi anh một mình gà trống nuôi con. Không thể tả hết những ngày tháng khó khăn, khi ấy chị đã tự mình xoay xở đủ nghề để vực dậy kinh tế gia đình và nuôi dạy các con.

Vốn là một cử nhân trong ngành sinh hóa nên chị đã tự mày mò để cho ra đời những sản phẩm như nước khoáng hay tinh dầu, nhưng những sản phẩm đó cũng không giúp chị cải thiện kinh tế. Đầu năm 2010, chị mạnh dạn chuyển sang sản xuất nước rửa chén và đăng ký nhãn hiệu Mỹ Hoa. Thương hiệu nước rửa chén Mỹ Hoa đã có uy tín nhờ chất lượng sản phẩm và giá thành chỉ bằng 2/3 giá của các nước rửa chén trên thị trường. Giờ đây cơ sở sản xuất của chị lúc nào cũng cần ít nhất 5 lao động, mỗi lao động trung bình thu nhập mỗi ngày khoảng 80.000đồng. Chị cho biết: “Từ nhỏ tôi đã ý thức rằng mình là người khuyết tật nên mình phải vươn lên. Tôi đã thi đỗ đại học nhưng may mắn vẫn không mỉm cười khi không có đơn vị nào nhận tôi vào làm việc. Bây giờ Nhà nước đã có nhiều chính sách cho người khuyết tật, hi vọng những người khuyết tật có tay nghề, có học vấn sẽ được đối xử bình đẳng vì khả năng cống hiến của họ không hề thua kém những người lành lặn khác”.

Rời cơ sở của chị Hoa tôi đến của hàng kinh doanh chăn ga gối đệm của anh Mai Hồng Quân. Anh Quân năm nay 38 tuổi bị khiếm thính từ nhỏ. Nhưng ý chí và nghị lực phải tự làm giàu bằng chính đôi bàn tay và khối óc của mình trong chàng trai khiếm thính này luôn luôn cháy bỏng. Trước đây anh mở xưởng sản xuất nhôm kính và các phụ kiện bằng inox, tạo việc làm cho 3 lao động khiếm thính cho thu nhập cao. Từ năm 2008, vợ chồng anh mở thêm cơ sở sản xuất và đại lý chăn ga gối đệm tạo việc làm cho 8-10 lao động là người khuyết tật khiếm thính với mức thu nhập ổn định từ 1.800.000 - 2.500.000 đồng. Anh cũng mong muốn ngày càng có nhiều cơ sở đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người khuyết tật để họ có thể nuôi sống bản thân và gia đình đồng thời tạo thêm việc làm cho những lao động khuyết tật khác.

Trong dự án hỗ trợ kế sinh nhai do TƯ Hội Bảo trợ Người tàn tật và trẻ mồ côi được thực hiện từ năm 2011 tại xã Nam Anh - Nam Đàn, có tổng kinh phí 137.000.000 đồng cho 28 đối tượng là trẻ mồ côi và người tàn tật… Dự án đã hỗ trợ cho 8 gia đình có người khuyết tật, mỗi gia đình 2 con lợn giống, sau một năm cho tổng đàn lên đến 48 con thu được 140.000.000 đồng. Chị Nguyễn Thị Lý- xóm 5 là hộ được nhận nuôi lợn giống, từ nguồn vốn ban đầu chị đã phát triển thêm 2 con bò. Chị phấn khởi cho biết: “Từ ngày có lợn giống nhà tôi đã có thêm thu nhập và các cháu phấn khởi vì được giúp mẹ cho lợn, cho bò ăn. Hi vọng từ những con lợn đầu tiên này gia đình tôi sẽ phát triển thành gia trại, tăng thu nhập, thoát nghèo. Các cháu sẽ được lao động và xua đi mặc cảm mình là người khuyết tật nên không làm được gì”. Được biết dự án Hỗ trợ kế sinh nhai đang được triển khai thí điểm tại các xã thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới

Cùng với việc hỗ trợ sinh kế, năm 2012, Tỉnh Hội đã mở lớp đào tạo nghề mây tre đan, nghề làm hoa, tăm tre cho 60 người khuyết tật trên địa bàn tỉnh. Trong số đó có 32 người đã tìm được việc làm tại các cơ sở sản xuất tư nhân. Con số này chỉ chiếm 0,03% trong số người khuyết tật trên địa bàn tỉnh.

Ông Nguyễn Hải Thanh - Chủ tịch Hội Bảo trợ Người tàn tật và trẻ mồ côi`cho biết: “Khi thực hiện dự án Hỗ trợ sinh kế, tâm nguyện của chúng tôi là trang bị cho người khuyết tật cái “cần câu” nên vấn đề đào tạo nghề, tạo việc làm cho từng đối tượng người khuyết tật đang là vấn đề chúng tôi trăn trở!”.


Thanh Nga