Kỳ 4: “Vắt chanh bỏ vỏ”

22/03/2013 10:59

(Baonghean) - Để thể thao thành tích cao gặt hái được nhiều thành tích, ngoài công tác huấn luyện, đào tạo, thì chế độ đãi ngộ đối với HLV, VĐV cũng rất quan trọng kể cả sau khi họ giải nghệ. Vậy mà, ở tỉnh ta vẫn đang xảy ra tình trạng "xem VĐV như vỏ chanh, vắt hết nước rồi thì vứt đi"...

>> Kỳ 3: Đầu tư dàn trải, thiếu sự quan tâm, sâu sát

Lòng vòng qua vài ngõ nhỏ, sau vài lần hẹn chúng tôi mới tìm gặp được chị Trần Thị Soa -"nữ hoàng điền kinh" Việt Nam một thuở. Trong căn nhà nhỏ ở tạm trên đất tập thể của Sở TDTT cũ, chị Soa cho biết: Sau nhiều năm liền vô địch quốc gia, tham dự các giải quốc tế, trở về cơ quan, do không có bằng cấp, chị bị bố trí làm đủ thứ việc lặt vặt như dọn vệ sinh, làm tạp vụ... mà không hề nhận được một sự ưu đãi hay khen thưởng nào. Để trang trải cuộc sống hàng ngày, chị phải làm thêm đủ nghề như giữ xe đạp, nhổ cỏ... Tâm sự với chúng tôi, chị nói rằng: "Đời VĐV bạc lắm chú ạ, vì đam mê mà mình theo đuổi thôi. Hồi đó, ăn không đủ no, đi thi đấu, có những lúc chạy về đích ngất đi phải thở ô xy, chân thì rớm máu mà tôi vẫn nỗ lực hết mình để giành chiến thắng. Giờ nhiều khi ngồi một mình thấy tủi thân lắm, nghĩ mình như vỏ chanh, vắt hết nước rồi thì vứt đi". Cùng ở trong căn nhà chật hẹp này, còn có người con trai của chị Soa là Nguyễn Hùng - từng là VĐV thuộc đội tuyển bắn súng của tỉnh. Sau nhiều năm theo nghiệp VĐV và được gọi vào đội tuyển quốc gia, dù đang ở đỉnh cao sự nghiệp, và rất đam mê với môn thể thao này, anh cũng đành phải bỏ dở vì... đội tuyển bắn súng của tỉnh bị giải tán! Hùng cho biết, mặc dù là thành viên của đội tuyển trẻ quốc gia, nhưng do không có nơi tập luyện thường xuyên nên đội tuyển họ không gọi mình nữa. Khi giải nghệ, anh và các đồng đội ở đội tuyển bắn súng Nghệ An "thân ai người ấy lo", không được ngành TDTT hỗ trợ gì mà phải tự kiếm nghề khác để sinh sống. Sau khi giải nghệ, Hùng phải vay mượn tiền để học nghề lái xe và giờ đây đã xin được một chân lái xe ở Cảng Nghệ Tĩnh. Với Hùng, thế là may mắn lắm rồi, vì những đồng đội khác ở đội tuyển bắn súng giờ vẫn còn sống vất vưởng, chưa có nghề nghiệp gì.



Sau khi giải nghệ, tài sản còn lại của hai mẹ con VĐV Trần Thị Soa và Nguyễn Hùng là những tấm ảnh và những bộ huy chương làm kỷ niệm

Cũng như hai mẹ con chị Soa, điều mà các VĐV đang tập luyện tại Trung tâm TDTT tỉnh rất trăn trở là việc làm sau khi giải nghệ. Chính vì điều đó mà nhiều VĐV đang ở thời kỳ đỉnh cao của sự nghiệp hay mới đoạt được vài huy chương ở các giải trẻ đã tìm cách xin đi học để mong sau này có được một việc làm ổn định, có người thì đi xuất khẩu lao động... Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay phần lớn các VĐV tham gia các đội tuyển ở tỉnh sau khi giải nghệ đều phải tự tìm việc làm, họa hoằn một vài VĐV có thành tích xuất sắc mới được "cho" đi học và quay trở về làm HLV! Mãi đến bây giờ, cơ chế đãi ngộ cho các HLV, VĐV đạt thành tích cao ở Nghệ An cũng chưa có, dẫn đến tình trạng có những VĐV như Dương Trọng Bình (môn võ cổ truyền), đã đầu quân cho Đà Nẵng và tại Đại hội TDTT toàn quốc 2010 anh đã đoạt HCV...

Còn những người có tài, tâm huyết, muốn ở lại cống hiến cho thể thao tỉnh nhà cũng “không được chào đón”. Ví như VĐV Đoàn Xuân Luyện - 9 năm liền giành HCV vô địch toàn quốc, vô địch 3 kỳ Đại hội TDTT toàn quốc liên tiếp, có bằng ĐH TDTT, từng được suy tôn là 1 trong 8 điển hình thanh niên tiêu biểu toàn tỉnh, đã làm đơn xin vào biên chế ở Trung tâm Đào tạo và huấn luyện thể thao tỉnh, nhưng đợt xét tuyển vào biên chế 2012 vừa rồi anh vẫn trượt (cùng lúc đó vẫn có 2 người khác được tuyển vào Trung tâm Đào tạo và huấn luyện thể thao tỉnh). Do chưa được vào biên chế, hiện nay Đoàn Xuân Luyện phải chấp nhận làm HLV hợp đồng từng năm một với mức lương chưa đầy 2 triệu đồng/tháng.

Ông Nguyễn Anh Tuấn - trọng tài karate quốc tế duy nhất ở Nghệ An tại thời điểm này, cho biết: Để đạt được đẳng cấp trọng tài quốc tế, ông đã theo đuổi niềm đam mê này trên 14 năm, phải tự bỏ tiền nhà ra để đi học và dự các kỳ thi trong nước và quốc tế. Nhưng dù đạt đến đẳng cấp này, ông cũng rất ít nhận được sự quan tâm nào từ ngành TDTT tỉnh. Chỉ khi nào ngành TDTT tổ chức giải karate cấp tỉnh thì lại nhờ ông làm trọng tài chính và trả thù lao vài trăm ngàn mỗi ngày là xong!

Một VĐV ở Trung tâm Đào tạo và huấn luyện thể thao thì phàn nàn với chúng tôi rằng: “Trung tâm đào tạo và huấn luyện thể thao là nơi tập trung đào tạo và huấn luyện các VĐV thành tích cao của tỉnh, vậy mà trong lễ tổng kết hàng năm, các VĐV, HLV đạt thành tích cao ở các giải đấu trong nước cũng chẳng có lấy một tờ giấy khen để động viên, khích lệ tinh thần”.

Còn HLV trưởng đội tuyển cầu mây nữ Việt Nam - Hoàng Hữu Nghĩa (HLV trưởng cầu mây Nghệ An) cho biết: Khi tham gia đội tuyển quốc gia, các VĐV, HLV ở các tỉnh thành khác tại các đội tuyển đều nhận được sự quan tâm của ngành TDTT, lãnh đạo địa phương đến thăm, động viên trước khi đi thi đấu, khi giành thành tích về thì được chào đón nhiệt liệt và được đãi ngộ xứng đáng, còn các VĐV, HLV Nghệ An thì "đi không ai biết, về không ai hay"!

Trong một lần trao đổi với chúng tôi về thành tích của các VĐV điền kinh Nghệ An, ông Nguyễn Văn Bằng - Trưởng bộ môn Điền kinh kiêm Trưởng phòng Quản lý đào tạo VĐV – Trung tâm Huấn luyện và thi đấu TDTT cho biết: Do chế độ đãi ngộ VĐV có thành tích cao còn chưa tương xứng, đầu ra sau khi giải nghệ cho các VĐV cũng là một vấn đề nan giải, nên ít có người dám dành trọn tâm huyết, sức lực của mình để theo đuổi nghiệp VĐV. Theo ông Bằng, muốn có một VĐV đạt đỉnh cao thì họ phải thi đấu liên tục từ 5 - 7 năm, trong khi ở Nghệ An nếu VĐV nào thi đấu được 3 - 5 năm có thành tích là các em xin đi học để có tấm bằng CĐ, ĐH cầm tay. Do họ vừa học, vừa tham gia thi đấu nên không thể có được thành tích tốt nhất. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến Nghệ An ngày càng ít có VĐV đạt đỉnh cao.

Trong khi nhiều tỉnh thành đã có những cơ chế nhằm đãi ngộ và thu hút các VĐV, HLV tài năng để họ yên tâm tập luyện, thi đấu và cống hiến cho quê hương, đất nước như trả lương cao, đưa ra những mức thưởng tương xứng với thành tích đạt được, cấp đất ở… thì nhìn cái cách ngành TDTT đối xử với VĐV ở Nghệ An, chắc rằng ít có gia đình nào yên tâm cho con cái mình theo nghiệp VĐV, và cũng ít có VĐV nào dám dành trọn tâm huyết với niềm đam mê của mình.

Từ chủ trương “chiêu hiền, đãi sĩ” của Thành phố Đà Nẵng, ngành TDTT Đà Nẵng chiêu mộ những anh tài thể thao và mời về hàng loạt HLV, chuyên gia để giúp đỡ xây dựng và phát triển thể thao Đà Nẵng. Từ đó, chất lượng, thành tích thể thao Đà Nẵng ngày càng được nâng cao. Gần đây nhất, các VĐV Đà Nẵng đã giành được 57 HCV, 47 HCB, 52 HCĐ để xếp hạng 4/66 đơn vị tham gia thi đấu Đại hội TDTT toàn quốc 2010. Tại SEA Games 26 (2011), Đà Nẵng đóng góp cho đoàn Thể thao Việt Nam 17 VĐV, 4 HLV và mang về cho Tổ quốc 6 HCV, 1 HCB, 11 HCĐ. Có lực sĩ Trần Lê Quốc Toàn và VĐV Nguyễn Thị Thanh Phúc vinh dự đại diện Thể thao Việt Nam tham gia thi đấu tại Olympic London 2012… Với những VĐV từng đạt thành tích xuất sắc và tiếp tục có những đóng góp cho thể thao Đà Nẵng, thành phố đã có những sự hỗ trợ cần thiết với mức 10-15 triệu đồng/người/tháng, bố trí nơi ở chu đáo; các chuyên gia, HLV được hỗ trợ tiền đi lại để về thăm gia đình trong các dịp lễ, Tết… Cùng lúc, ngành TDTT đã xây dựng chế độ khung, đề xuất lãnh đạo thành phố hỗ trợ thường xuyên theo chu kỳ với những VĐV đạt thành tích huy chương tại các giải Vô địch thế giới, Olympic, ASIAD… Đồng thời, Sở VH-TT&DL sẽ có những đề xuất cùng thành phố thực hiện chế độ bán nhà ở, đất ở cho những HLV, VĐV có đóng góp xuất sắc. Hiện tại, Trung tâm HL-ĐT VĐV cũng đang xây dựng đề án giải quyết việc làm cho những VĐV có cống hiến, mang thành tích về cho thể thao Đà Nẵng sau khi nghỉ thi đấu… Sau khi xây dựng được nền tảng ban đầu, thể thao Đà Nẵng từng bước hạn chế tuyển mộ VĐV cũng như mời các HLV, chuyên gia nhằm tập trung đầu tư nội lực.

(Còn nữa)


Bài, ảnh: Đức Dũng