Mũi tên trúng nhiều đích

10/05/2013 16:40

Chưa đầy một tháng Vietcombank đã 2 lần điều chỉnh hạ lãi suất huy động (lần điều chỉnh trước vào ngày 16/4/2013), lãi suất huy động 1 tháng của Vietcombank kể từ ngày 6/5/2013 chỉ còn 6%/năm, thấp hơn mức trần quy định của Ngân hàng Nhà nước là 1,5%/năm. Động thái này được kỳ vọng giúp hạ lãi suất cho vay, kích thích tiêu dùng, giảm hàng tồn kho và khơi thông nguồn vốn, xử lý tốt hơn vấn đề nợ xấu.

(Baonghean) - Chưa đầy một tháng Vietcombank đã 2 lần điều chỉnh hạ lãi suất huy động (lần điều chỉnh trước vào ngày 16/4/2013), lãi suất huy động 1 tháng của Vietcombank kể từ ngày 6/5/2013 chỉ còn 6%/năm, thấp hơn mức trần quy định của Ngân hàng Nhà nước là 1,5%/năm. Động thái này được kỳ vọng giúp hạ lãi suất cho vay, kích thích tiêu dùng, giảm hàng tồn kho và khơi thông nguồn vốn, xử lý tốt hơn vấn đề nợ xấu.

Tại Vietcombank Vinh, biểu lãi suất huy động VND như sau: 1 tháng chỉ còn 6%/năm, 2 tháng là 6,5%/năm và 3 tháng là 6,8%/năm; các kỳ hạn 4 - 9 tháng là 7%/năm, giảm 0,5%/năm so với lần điều chỉnh trước đó. Đây là lần thứ hai Vietcombank chủ động điều chỉnh giảm lãi suất huy động VND, tính từ khi Ngân hàng Nhà nước áp trần lãi suất huy động 7,5%/năm vào cuối tháng 3 vừa qua.

Bà Lê Thị Huệ Anh - Giám đốc Vietcombank Chi nhánh Vinh cho hay, hiện chúng tôi đang có nguồn vốn huy động dồi dào với 5.300 tỷ đồng. Và sau những ngày giảm lãi suất huy động thì nguồn vốn tiền gửi tiết kiệm từ dân cư, tiền gửi thanh toán vẫn tiếp tục duy trì tăng trưởng. Ngay khi lãi suất huy động giảm, Vietcombank Vinh đã hạ lãi suất cho vay ngắn hạn thông thường xuống còn 12%/năm, lãi suất trung dài hạn còn 13%/năm (giảm 1% so với quy định lãi suất trước đây). Lãi suất ưu đãi áp dụng cho các đối tượng là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, doanh nghiệp xuất khẩu và doanh nghiệp vừa và nhỏ chỉ còn 11%/năm đối với ngắn hạn và 12% đối với trung dài hạn. Lãi suất cho vay tiêu dùng cũng giảm xuống còn 12%, riêng cho vay cầm cố giấy tờ có giá, lãi suất cho vay giao động từ 8-10,5% tùy từng đối tượng cụ thể. Hiện dư nợ Vietcombank Vinh đạt khoảng 2.500 tỷ đồng.



Giao dịch tại Vietcombank Chi nhánh Vinh.

Theo bà Huệ Anh, hiện nay việc hạ lãi suất cho vay không chỉ là mong muốn của doanh nghiệp mà còn là bài toán của ngân hàng khi mà chi phí huy động đầu vào vẫn còn rất cao do liên tục trong một thời gian dài người dân và doanh nghiệp thường gửi tiền với kỳ hạn dài từ 12 tháng trở lên. Tuy nhiên, lãnh đạo ngân hàng này nhận định sau khi đáo hạn các nguồn vốn huy động với lãi suất cao sẽ có cơ sở để cắt giảm mạnh lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp.

Sau khi Vietcombank tuyên bố hạ lãi suất, chiều 8/5, 2 ông lớn là BIDV, VietinBank cũng đồng loạt hạ lãi suất huy động. Giám đốc BIDV Phủ Quỳ cho biết, tại BIDV Phủ Quỳ lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng còn 6%, 2 tháng đến dưới 1 năm còn 6,5%. Tại VietinBank Chi nhánh Nghệ An, kỳ hạn 1 tháng còn 7,5%, 12 tháng là 8%/ năm.

Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Nghệ An, đến đầu tháng 5, tăng trưởng huy động vốn của hệ thống các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh vẫn đạt con số 16% so với đầu năm, đạt 51.200 tỷ đồng. Trong khi đó, cho vay tiếp tục khó khăn, dư nợ chỉ tăng 3,5% so với đầu năm, đạt 80.000 tỷ đồng. “Áp lực nguồn không cao, còn dư vốn nên nhìn chung các ngân hàng tùy quy mô, cơ cấu nguồn vốn, tín dụng để có chiến lược riêng của mình trong thu hút tiền gửi.

Hạ lãi suất huy động vừa kích thích các thành phần kinh tế và người dân tiêu dùng nhiều hơn, từ đó giải quyết vấn đề hàng tồn kho; đồng thời lãi suất huy động giảm giúp giảm chi phí huy động, theo đó ngân hàng giảm lãi suất cho vay, khơi thông nguồn vốn cho doanh nghiệp. Ở góc độ khác, khi vấn đề hàng tồn kho được giải quyết cũng sẽ giúp ngân hàng xử lý bài toán nợ xấu vốn khá căng thẳng hiện nay.” - Anh Nguyễn Xuân Điệp - Trưởng phòng Tổng hợp Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Nghệ An cho biết.

Việc giảm lãi suất huy động của Vietcombank vừa qua là bước đón đầu đợt giảm lãi suất sắp tới của Ngân hàng Nhà nước. Lạm phát thấp và thanh khoản của hệ thống ngân hàng gần đây khá tốt, nhiều ngân hàng đang đối mặt với… tồn tiền nên hạ lãi suất là xu hướng tất yếu. Theo các chuyên gia kinh tế, với các chỉ số lạm phát vẫn đang được kiểm soát ở mức 6 - 7%; CPI 4 tháng đầu năm chỉ tăng 2,4% so với cuối năm 2012 - mức tăng thấp nhất trong vòng 4 năm trở lại đây, thì ngân hàng không thể neo lãi suất cao mãi được và được biết tới đây nhiều ngân hàng cũng sẽ tính tới việc điều chỉnh lãi suất cả huy động và cho vay.

Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều doanh nghiệp thì mặc dù lãi suất huy động giảm khá mạnh trong thời gian qua nhưng lãi suất cho vay giảm còn chậm; lãi suất cho vay có thể giảm thêm 1-2% so với hiện nay nếu các ngân hàng chủ động cắt giảm chi phí bởi thực tế chênh lệch giữa lãi suất cho vay và lãi suất huy động vẫn ở mức cao, khoảng 4-5%.


Bài, ảnh: Thu Huyền