Gìn giữ giá trị truyền thống gia đình Việt
(Đồng chí Hoàng Thị Quỳnh Anh - Phó Giám đốc Sở VH-TT và DL, trả lời PV Báo Nghệ An nhân Ngày Gia đình Việt Nam)
PV: Được biết, chủ đề Năm Gia đình Việt Nam 2013 là “Kết nối yêu thương” với các thông điệp truyền thông “Gia đình là tổ ấm của mỗi người, là tế bào lành mạnh của xã hội”, “Hãy để tình yêu thương sưởi ấm ngôi nhà bạn”…, đồng chí có thể nói rõ hơn chủ đề này có ý nghĩa như thế nào?
Đồng chí Hoàng Thị Quỳnh Anh: Ngày 19/02/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ký Công văn số 251/TTg-KGVX về việc lấy năm 2013 là Năm Gia đình Việt Nam với mục đích nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp và toàn xã hội về gia đình, vai trò của gia đình đối với xã hội, đất nước và đối với cá nhân. Đồng thời chỉ đạo các bộ, ngành; các tỉnh, thành phố tổ chức những hoạt động thích hợp, cụ thể và thiết thực để đẩy mạnh công tác gia đình; tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.
Chủ đề của Năm Gia đình Việt Nam 2013 là “Kết nối yêu thương”, chính tình yêu thương, sự quan tâm chăm sóc, mối quan hệ gắn bó, hòa thuận, đoàn kết của các thành viên trong gia đình là yếu tố cần thiết và quan trọng để gia đình hạnh phúc và tiến bộ. Sẽ không có mâu thuẫn, không có bạo lực, không phân biệt, đối xử giữa con gái với con trai, các thành viên không mắc vào tệ nạn xã hội và vi phạm pháp luật trong gia đình có sự kết nối yêu thương. Mối quan hệ gắn kết, có trách nhiệm ngay từ trong gia đình cũng là nền tảng để các thành viên trong gia đình có các mối quan hệ lành mạnh ngoài xã hội, góp phần xây dựng xã hội ổn định, văn minh.
Đẩy mạnh tuyên truyền chủ đề của Năm Gia đình Việt Nam để mọi người đều nhận thức được tình yêu thương chính là cốt lõi của hạnh phúc gia đình và hạnh phúc của mỗi cá nhân, góp phần hạn chế, giảm thiểu các vụ bạo lực gia đình và đổ vỡ gia đình, ngăn chặn các tệ nạn xâm nhập vào gia đình. Bên cạnh sự nỗ lực vươn lên, chăm lo xây dựng gia đình êm ấm, hạnh phúc của mỗi nhà, các tầng lớp nhân dân sẽ tích cực nỗ lực hơn trong việc tham gia xây dựng Làng văn hóa, Xã văn hóa nông thôn mới.
Bữa cơm gia đình. Ảnh: P.V
PV: Thưa đồng chí, có nhiều ý kiến cho rằng: Hình ảnh gia đình truyền thống đang dần bị mai một. Trước đây, cuộc sống thiếu thốn, khó khăn, gia đình quây quần, đầm ấm, nay khấm khá, dư dả hơn thì gia đình trở nên mong manh, dễ vỡ. Và điều khiến nhiều người băn khoăn là “làm thế nào để giữ gìn nếp sống truyền thống trong mỗi gia đình Việt Nam”. Với vai trò là cơ quan quản lý, thời gian qua, ngành VHTTDL đã có những hoạt động gì góp phần gìn giữ nền nếp gia phong gia đình Việt Nam?
Đồng chí Hoàng Thị Quỳnh Anh: Gia đình truyền thống Việt Nam xưa rất chú trọng xây dựng gia đạo, gia phong và gia lễ. Văn hóa gia đình truyền thống giàu tính nhân văn, nhân bản, đề cao giá trị đạo đức, xây dựng nếp sống văn hóa trật tự, kỷ cương, hun đúc tâm hồn, bản lĩnh cho con người, làm cho gia đình trở thành tế bào lành mạnh của xã hội. Mỗi gia đình tốt là bảo đảm cho dân giàu, nước mạnh, xã hội phát triển và văn minh.
Hiện nay đúng là có rất nhiều gia đình bị ảnh hưởng của cơ chế thị trường, bố mẹ lo làm ăn, quá coi trọng tiền bạc mà không coi trọng đúng mức giá trị của đạo đức và trí tuệ, không quan tâm tới con cái, dẫn đến tình trạng con cái hư hỏng, nghiện hút, bị lạm dụng tình dục,… nhất là tình trạng bất bình đẳng giới, ly hôn và bạo lực gia đình ngày càng gia tăng đến mức báo động. Nền nếp, bản sắc và truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam ngày càng phai nhạt. Xác định văn hóa gia đình là cái “gốc” của văn hóa làng, văn hóa nước, thời gian qua, ngành VH-TT&DL đã đẩy mạnh thực hiện phong trào xây dựng Gia đình văn hóa, Làng văn hóa trên địa bàn toàn tỉnh.
Trong các tiêu chí của Gia đình văn hóa, Làng văn hóa có một tiêu chí là phải giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Có thể nói, phong trào đã thực sự đi vào chiều sâu và có sức lan tỏa mạnh mẽ, tỷ lệ gia đình văn hóa ngày càng tăng, chất lượng danh hiệu Gia đình văn hóa ngày càng được nâng lên. Một số huyện, thành, thị đã chủ động sáng tạo xây dựng danh hiệu Dòng họ văn hóa. Ở các địa phương hàng năm, nhân Ngày Gia đình Việt Nam đã tổ chức biểu dương, khen thưởng những gia đình nhiều thế hệ chung sống hòa thuận; gia đình nuôi con khỏe, dạy con ngoan, sống hạnh phúc; gia đình giáo dân “sống tốt đời đẹp đạo”; gia đình làm kinh tế giỏi... Phong trào đã góp phần gìn giữ truyền thống gia đình Việt Nam, đồng thời làm phong phú đời sống văn hóa mới ở khu dân cư, nhất là vùng nông thôn, miền núi.
Bên cạnh đó, ngành cũng đã triển khai Đề án “Tuyên truyền, giáo dục đạo đức lối sống gia đình Việt Nam”, thí điểm tại xã Đồng Văn, huyện Thanh Chương và đạt nhiều kết quả tốt. Thời gian tới, ngành sẽ tiến hành nhân rộng đề án này trên địa bàn toàn tỉnh. Ngoài ra đã triển khai kế hoạch phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn toàn tỉnh giai đoạn 2012 – 2015 và những năm tiếp theo. Trong 6 năm qua, được sự chỉ đạo của Bộ VH-TT&DL và hỗ trợ tích cực từ tổ chức Ford, Sở VH-TT&DL tỉnh đã chọn Thị xã Cửa Lò để xây dựng một mạng lưới cơ sở phòng, chống bạo lực gia đình hoạt động rất có hiệu quả. Sở VH-TT&DL đang có kế hoạch nhân rộng mô hình này ra toàn tỉnh trong năm tới. Những hoạt động này cũng góp phần quan trọng trong xây dựng gia đình văn hóa truyền thống.
PV: Để hưởng ứng Năm Gia đình Việt Nam 2013, ngành văn hóa tỉnh ta đã có chương trình, kế hoạch cụ thể nào?
Đồng chí Hoàng Thị Quỳnh Anh: Riêng năm 2013, Sở VH - TT&DL đã chủ động tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1643/QĐ.UBND.VX, ngày 07/5/2013 về Kế hoạch thực hiện “Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 trên địa bàn tỉnh Nghệ An”; trong năm 2013 này, Sở VH-TT&DL tiếp tục tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 81/NQ-CP ngày 04/12/2012 của Chính phủ thực hiện Thông báo Kết luận số 26-TB/TƯ ngày 09 tháng 5 năm 2011 của Ban Bí thư về việc sơ kết Chỉ thị số 49-CT/TƯ ngày 21 tháng 02 năm 2005 của Ban Bí thư (khóa IX) về “xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” trên địa bàn tỉnh Nghệ An; kế hoạch triển khai Nghị định số 02/2013/NĐ-CP ngày 3/1/2013 của Chính phủ quy định về công tác gia đình và tham mưu thành lập Ban chỉ đạo công tác gia đình cấp tỉnh, huyện, xã.
Để hưởng ứng Năm Gia đình Việt Nam 2013, Sở đã triển khai kế hoạch đến tận các huyện, thành, thị về việc tổ chức thực hiện công tác gia đình năm 2013; chủ trì phối hợp với các ngành liên quan tổ chức các hoạt động tuyên truyền, cổ động trực quan về Ngày Gia đình Việt Nam 28/6, Ngày Thế giới xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ 25/11, Ngày Quốc tế hạnh phúc năm 2014; hướng dẫn các huyện, thành, thị tổ chức Hội nghị Tuyên dương Gia đình văn hóa tiêu biểu giai đoạn 2007 – 2012 và sơ kết 5 năm thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình giai đoạn 2008 - 2013; phối hợp với Đài PTTH tỉnh, Hội LHPN tỉnh tổ chức tọa đàm về “Hạnh phúc gia đình” trên sóng NTV nhân Ngày Gia đình Việt Nam; giao Trung tâm Văn hóa tỉnh phối hợp các đơn vị trong ngành tổ chức đêm giao lưu nghệ thuật chào mừng Ngày Gia đình Việt Nam vào tối 27/6 tại Quảng trường Hồ Chí Minh. Với những chương trình hoạt động cụ thể này, chắc chắn sẽ góp phần thúc đẩy mạnh mẽ sự vào cuộc của toàn xã hội đối với công tác gia đình để vươn tới thành công như mong muốn.
PV: Xin cảm ơn đồng chí về cuộc trao đổi thú vị này. Nhân Ngày Gia đình Việt Nam, chúc đồng chí luôn là “ngọn lửa ấm” nuôi dưỡng hạnh phúc gia đình.
Thanh Thủy (thực hiện)