Dùng thuốc cho trẻ không dễ như ta tưởng
Cơ thể trẻ em là một cơ thể đang lớn và đang trưởng thành. Vì vậy, khi trẻ ốm dùng thuốc cho trẻ phải hết sức cẩn trọng để không gây hại cho trẻ.
Trẻ em không phải là người lớn thu nhỏ, vì vậy không phải mọi thứ thuốc dùng cho người lớn đều có thể dùng cho trẻ em dù đã giảm liều. Khi sử dụng các loại thuốc để điều trị cho trẻ cần phải hiểu rõ tính chất dược lý của thuốc và đặc điểm cơ thể của trẻ, dùng thuốc đúng bệnh, thuốc phải mang lại hiệu quả, an toàn và kinh tế nhất.
Ở trẻ còn có một hiện tượng đặc biệt là trẻ rất nhạy cảm đối với thuốc - một trong những sự nhạy cảm này là có nhiều thuốc gây biến đổi nhiệt độ một cách đột ngột và gây đáp ứng quá mức đối với trẻ. Ví dụ, thuốc aspirin, paracetamol, ở liều điều trị gây hạ nhiệt tốt nhưng khi dùng quá liều một chút lại làm trẻ tăng nhiệt độ (sốt do thuốc) và chỉ khi ngừng thuốc thì mới hết sốt.
Cần cho trẻ uống thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ. Ảnh: SGGP
Điểm nữa, ở trẻ nhỏ, đặc biệt trẻ sơ sinh có nhiều tác dụng phụ của thuốc xuất hiện mà không thấy xuất hiện ở người lớn, chẳng hạn như: làm chậm lớn với tetracyclin và các thuốc corticoid; làm lồi thóp và vàng xám răng vĩnh viễn với tetracyclin; tăng áp lực sọ não với các thuốc corticoid, acid nalidixic, vitamin A, D dùng quá liều, vàng da với novobiocin, sulfamid, dậy thì sớm với androgen. Các loại thuốc chữa ho hay tiêu chảy cho người lớn có chứa các dẫn xuất thuốc phiện không được dùng cho trẻ em dưới 5 tuổi vì có thể gây ngộ độc, làm ức chế trung tâm hô hấp gây tử vong. Thuốc nhỏ mũi naphazolin gây co mạch rất mạnh, nếu dùng cho trẻ em có thể gây choáng...
Nên dùng thuốc thế nào?
Trên nguyên tắc, đối với trẻ dưới 2 tuổi phải dùng loại thuốc "dành cho trẻ sơ sinh", từ 2 - 12 tuổi dùng thuốc "dành cho trẻ em", trên 15 tuổi có thể dùng thuốc dành cho người lớn nhưng phải giảm liều. Về liều lượng thuốc: có thể tính liều theo tuổi; hoặc cân nặng (tức là theo mg thuốc/kg thể trọng). Khi buộc phải sử dụng thuốc điều trị bệnh cho trẻ, chúng ta cần lưu ý mấy điều sau:
Chỉ sử dụng thuốc đúng bệnh, đúng liều lượng theo cân nặng và lứa tuổi đứa trẻ. Không dùng thuốc theo kiểu tràn lan, bao vây khi chưa xác định được bệnh.
Sử dụng thuốc chọn lọc, lựa chọn thuốc có hiệu quả tốt trong điều trị, nhưng phải an toàn (ít độc tính) cho trẻ và ít tốn kém. Ví dụ, kháng sinh nhóm aminozid (gentamyxin, amikaxin, kanamyxin…) nếu dùng liều cao, kéo dài, sẽ có hại cho gan, thận và thính giác đứa trẻ. Nhóm quinolon như norfloxaxin... điều trị bệnh thương hàn rất có hiệu quả, nhưng không dùng cho trẻ dưới 14 tuổi vì làm tổn thương sụn…
Kết hợp thuốc hợp lý, không nên dùng quá nhiều thuốc cùng một lúc dễ gây tương tác thuốc. Chẳng hạn, nếu trẻ thiếu máu thiếu sắt cho uống viên sắt kết hợp với vitamin C là tốt nó sẽ tăng cường hấp thu sắt…Nhưng khi dùng vitamin B12 nếu sử dụng chloramphenicol sẽ làm giảm hấp thu vitamin B12, hay khi dùng acid folic nếu có dùng sulfamid, bactrim sẽ làm giảm hấp thu acid folic từ thức ăn…
Chỉ sử dụng thuốc khi thật cần thiết, tránh lạm dụng thuốc. Ngay cả vitamin cũng không nên lạm dụng. Vitamin ở nhóm tan trong nước còn dễ loại trừ, nhưng dùng liều cao cũng gây tác hại, còn đối với vitamin tan trong chất béo (dầu, mỡ) khó thải trừ dễ gây ngộ độc cho gan, thận. Chỉ sử dụng vitamin trong những trường hợp như rối loạn tiêu hóa, dinh dưỡng kém, các bệnh thiếu vitamin B1, A, còi xương, scorbut… Còn ở những trẻ khỏe mạnh, ăn uống đủ chất thì không cần sử dụng thêm vitamin.
Theo dõi phản ứng của trẻ sau khi dùng thuốc. Thuốc nào cũng có tác dụng phụ (còn gọi là tác dụng không mong muốn), không có thuốc nào là vô hại. Tuy nhiên, tùy theo cơ địa của từng trẻ, một loại thuốc nào đó có thể biểu hiện phản ứng khác thường ở người này mà không biểu hiện ở người khác. Bởi vậy, trong khi dùng thuốc nếu thấy có những phản ứng bất thường (phát ban, mẩn ngứa, vật vã, kích thích, rối loạn tiêu hóa…) cần ngừng thuốc ngay và đưa ngay trẻ đến thầy thuốc để kịp xử trí. Trẻ dưới 2 tuổi không bôi, xoa các loại tinh dầu (các loại dầu gió chứa long não, bạc hà) lên da của trẻ, đặc biệt là bôi lên mũi có thể làm ngừng hô hấp.
Thầy thuốc đương nhiên là cần nắm vững, thường xuyên cập nhật thông tin để dùng thuốc cho trẻ em một cách an toàn và hiệu quả nhất. Còn các bậc cha mẹ, cần hỏi và nhớ kỹ hướng dẫn của thầy thuốc về tên thuốc, liều lượng dùng mỗi lần, số lần uống trong mỗi ngày, uống trước, trong hay sau bữa ăn, thời gian uống trong bao nhiêu ngày… Tất cả các loại thuốc phải bảo quản tốt và cất giữ cẩn thận ở nơi trẻ không tự lấy được.
Theo Sức khỏe & Đời sống - NT