Phân định rõ trách nhiệm của các cấp, ngành trong quản lý tài nguyên khoáng sản

04/07/2013 10:31

Thực hiện Thông báo số 260/TB-UBND ngày 7/6/2013, Thông báo ý kiến kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường tại cuộc họp bàn biện pháp chấn chỉnh hoạt động khai thác khoáng sản trái phép ngày 5/6/2013, với sự tham gia góp ý của các ngành liên quan và các huyện trọng điểm, Sở TN&MT đã tham mưu hoàn thiện việc bổ sung sửa đổi Quy chế kèm theo Quyết định 14 về Quy chế phối hợp và trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Phóng viên Báo Nghệ An có cuộc trao đổi với ông Võ Duy Việt - Giám đốc Sở TN&MT để làm rõ những điểm mới của bộ quy chế này.

(Baonghean) - Thực hiện Thông báo số 260/TB-UBND ngày 7/6/2013, Thông báo ý kiến kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường tại cuộc họp bàn biện pháp chấn chỉnh hoạt động khai thác khoáng sản trái phép ngày 5/6/2013, với sự tham gia góp ý của các ngành liên quan và các huyện trọng điểm, Sở TN&MT đã tham mưu hoàn thiện việc bổ sung sửa đổi Quy chế kèm theo Quyết định 14 về Quy chế phối hợp và trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Phóng viên Báo Nghệ An có cuộc trao đổi với ông Võ Duy Việt - Giám đốc Sở TN&MT để làm rõ những điểm mới của bộ quy chế này.

Phóng viên (PV): Thưa đồng chí Võ Duy Việt, đồng chí có thể cho biết những nội dung cần sửa đổi, bổ sung trong Quy chế: “Phối hợp trong công tác quản lý tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh” kèm theo Quyết định số 14/QĐ-UBND?

Đồng chí Võ Duy Việt: Sau khi UBND tỉnh ban hành Quyết định số 14, với sự vào cuộc quyết liệt của các ngành cấp tỉnh, chính quyền địa phương công tác quản lý nhà nước về khoáng sản nói chung và quản lý khoáng sản chưa cấp phép đã có nhiều chuyển biến tích cực. Nhiều điểm nóng về khai thác khoáng sản trái phép đã được chấn chỉnh. Tuy nhiên, nguy cơ tái diễn hoạt động khai thác khoáng sản trái phép các loại khoáng sản, nhất là quặng vàng, cát sỏi là rất lớn. Thực tế, một số địa bàn thuộc các huyện Tương Dương, Quế Phong đã có biểu hiện hoạt động trái phép trở lại. Các vi phạm trong hoạt động khoáng sản tiềm ẩn nguy cơ sập hầm, hố làm thiệt hại về người và tài sản, làm ảnh hưởng đến kỷ cương pháp luật của Nhà nước, gây bức xúc trong dư luận, thất thoát tài nguyên, hủy hoại môi trường. Để xẩy ra tình trạng này, ngoài những nguyên nhân khách quan, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường đã chỉ rõ các nguyên nhân như: công tác quản lý nhà nước của các ngành cấp tỉnh, chính quyền địa phương chưa thực sự hiệu quả; chưa có biện pháp quản lý lâu dài, hiệu quả các khu vực quặng vàng, thiếc, cát sỏi lòng sông... Chính vì vậy, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đã giao nhiệm vụ cho Sở TN&MT chủ trì phối hợp với các ngành liên quan và một số huyện trọng điểm về hoạt động khoáng sản tham mưu bổ sung, sửa đổi quy chế kèm theo Quyết định số 14, trong đó lưu ý tới các nội dung: Trách nhiệm và nghĩa vụ cụ thể của các cấp ngành trong việc phối hợp giữa các cấp, các ngành, đặc biệt là công tác quản lý tại các khu vực giáp ranh địa giới hành chính, khu vực biên giới, khu vực đất lâm nghiệp và trách nhiệm, hình thức xử lý người đứng đầu trong công tác quản lý nhà nước về hoạt động khoáng sản. Có thể khẳng định, việc sửa đổi Quy chế thể hiện rõ sự tiếp tục quyết tâm của UBND tỉnh trong việc chấn chỉnh và từng bước quản lý triệt để các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn.



Kiểm tra, đẩy đuổi các đối tượng khai thác khoáng sản vàng trái phép tại vùng núi Huôi Háng (xã Cắm Muộn, Quế Phong). Ảnh: NL

Điểm mới nhất tại Quy chế này đó là, làm rõ và cụ thể trách nhiệm của các cấp, các ngành, trong đó nhấn mạnh đến vai trò của cấp huyện, cấp xã theo quy định của Luật. Với sự tham gia đóng góp ý kiến của các ngành liên quan, các huyện trọng điểm về khoáng sản, Sở TN&MT đã hoàn thiện Quy chế mới, trong đó chỉ rõ vai trò của các cấp, các ngành như sau: Văn phòng UBND tỉnh có trách nhiệm kịp thời tổng hợp trình Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Chủ tịch phụ trách xử lý các kiến nghị, đề xuất của các sở, ngành và UBND các huyện, thị xã và Thành phố Vinh trong công tác bảo vệ tài nguyên khoáng sản và công tác phối kết hợp xử lý hoạt động khai thác khoáng sản trái phép.

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Công Thương trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình chịu trách nhiệm tham mưu, đề xuất UBND tỉnh ban hành theo thẩm quyền văn bản thi hành pháp luật về khoáng sản tại địa phương; chỉ đạo công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong việc bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; giám sát UBND cấp huyện trong việc bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác, xử lý hoạt động khoáng sản trái phép tại địa phương theo thẩm quyền.

Chủ tịch UBND cấp huyện có nhiệm vụ chủ trì và chịu trách nhiệm trực tiếp việc xây dựng kế hoạch, chương trình bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác tại cấp huyện, xử lý nghiêm, kịp thời, triệt để hoạt động khai thác khoáng sản trái phép; chịu trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra và giám sát Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn thực hiện các biện pháp bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; huy động và chỉ đạo phối hợp các lực lượng trên địa bàn để giải tỏa, ngăn chặn hoạt động khoáng sản trái phép; xử lý nghiêm các cán bộ, lãnh đạo có hành vi bao che, thiếu trách nhiệm trong việc không thực hiện nhiệm vụ bảo vệ tài nguyên khoáng sản, không xử lý hoạt động khoáng sản trái phép theo thẩm quyền.

Chủ tịch UBND cấp xã chịu hoàn toàn trách nhiệm trong việc phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hoạt động khoáng sản trái phép; phối hợp với các cơ quan chức năng bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, xử lý nghiêm, kịp thời, triệt để các hoạt động khoáng sản trái phép trên địa bàn.

Công an tỉnh, Công an huyện có trách nhiệm tổ chức lực lượng để giải tỏa các điểm nóng trái phép về khoáng sản ngoài khả năng của chính quyền cơ sở; tổ chức kiểm soát, xử lý việc vận chuyển, tiêu thụ khoáng sản trái phép trên địa bàn; chỉ đạo thực hiện đấu tranh phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực khoáng sản, tham mưu đề xuất UBND tỉnh xử lý tổ chức, cá nhân có hành vi bao che, buông lỏng các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép; bảo vệ khoáng sản chưa khai thác tại khu vực cấm hoạt động khoáng sản vì lý do an ninh.

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ đội Biên phòng tỉnh, Ban Chỉ huy Quân sự các huyện, thị, thành phố các đồn Biên phòng trên địa bàn tỉnh có trách nhiệm bảo vệ khoáng sản chưa khai thác tại khu vực biên giới, hải đảo và khu vực cấm hoạt động khoáng sản vì lý do quốc phòng. Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chịu trách nhiệm trong việc chỉ đạo lực lượng kiểm lâm, ban quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, các công ty lâm nghiệp chịu trách nhiệm bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trong khu vực rừng và đất lâm nghiệp được giao quản lý...

PV: Theo quy định của Luật, vai trò của chính quyền cấp xã là rất quan trọng trong việc quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác. Vậy, để chính quyền cấp xã thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm, theo đồng chí thì đâu là những việc cụ thể cần làm?

Đồng chí Võ Duy Việt: Muốn thực hiện tốt công tác bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa cấp phép, quản lý các trường hợp khai thác khoáng sản trái phép, chính quyền cấp xã phải hiểu các quy định của pháp luật và các quy định liên quan, nắm chắc quy hoạch tài nguyên khoáng sản trên địa bàn, quản lý được các tổ chức, cá nhân, các bến bãi, các khu tập kết khoáng sản và đặc biệt phải nắm chắc việc quản lý hộ tịch, hộ khẩu.

Ngay trên địa bàn, chính quyền cấp xã phải xác định được các vùng, khu vực khoáng sản để tổ chức lực lượng quản lý, thường xuyên kiểm tra và kịp thời xử lý các trường hợp vi phạm. Khi có vụ việc vượt quá khả năng phải kịp thời báo cáo cấp thẩm quyền để có biện pháp xử lý. Người đứng đầu cấp xã phải gương mẫu, chấp hành nghiêm quy định của pháp luật, từ đó xác định được trách nhiệm, kiểm soát được cán bộ dưới quyền, phát hiện được những cán bộ có hành vi vi phạm. Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm, theo đó, các cán bộ dưới quyền vi phạm cũng phải chịu trách nhiệm.

Cơ quan quản lý cán bộ cấp trên cần đưa tiêu chí phân loại, đánh giá cán bộ định kỳ dựa vào mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao về lĩnh vực này. Ngay tại địa bàn, chính quyền cấp xã cũng phải thực hiện tốt công tác tuyên truyền pháp luật về bảo vệ tài nguyên khoáng sản đồng thời cho cả cán bộ và nhân dân để từng bước thay đổi nhận thức tập quán trong khai thác vàng, cát sỏi lòng sông một cách tự do trong nhân dân, nhất là tại vùng xa, vùng sâu, vùng sông nước sống dựa vào khai thác tự nhiên. Một vấn đề cần nói là về lâu dài, chính quyền cấp xã cần chủ động đề xuất, phối hợp với chính quyền các cấp và các ban ngành tạo công ăn việc làm có thu nhập cho nhân dân, để nhân dân không coi tài nguyên khoáng sản trên địa bàn như là “của kho vô tận”, là của trong vườn nhà mình, mặc sức khai thác...

PV: Xin cảm ơn đồng chí.


Nhật Lân (thực hiện)