"Hãy nhóm lò lên, tạo thành hơi ấm...”

06/02/2013 18:06

Xin phép được trích một câu trong Cuộc tiếp xúc với cử tri Quận Tây Hồ, Thành phố Hà Nội của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để làm tiêu đề cho bài viết. Nói và viết, nói và làm là quyền của mỗi con người, Đồng thời đó cũng là nơi bộc lộ nhân cách, trí tuệ, phẩm giá của mỗi người. Đối với một người có trọng trách lớn, mỗi lời nói, mỗi câu văn còn có ý nghĩa “chở đạo” và truyền lửa. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có nhiều bài viết trước khi ông là Tổng Bí thư, mà ở đó, người ta đọc, hiểu và quý trọng con người, cốt cách, tâm thế của ông...

(Baonghean) - Xin phép được trích một câu trong Cuộc tiếp xúc với cử tri Quận Tây Hồ, Thành phố Hà Nội của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để làm tiêu đề cho bài viết. Nói và viết, nói và làm là quyền của mỗi con người, Đồng thời đó cũng là nơi bộc lộ nhân cách, trí tuệ, phẩm giá của mỗi người. Đối với một người có trọng trách lớn, mỗi lời nói, mỗi câu văn còn có ý nghĩa “chở đạo” và truyền lửa. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có nhiều bài viết trước khi ông là Tổng Bí thư, mà ở đó, người ta đọc, hiểu và quý trọng con người, cốt cách, tâm thế của ông...

Từ tình cảm gần gũi, ấm áp và những trang viết nóng bỏng...



Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lưu bút tại Nhà tưởng niệm Bác Hồ.
Ảnh: Sỹ Minh

Hôm đó trời mưa rất to, trắng xóa nước. Có người hỏi: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về thăm quê mình à! Thật không, mừng quá! Và niềm vui mừng ấy đã đến với người dân quê tôi. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã mở đầu hành trình về thăm Nghệ An bằng cuộc gặp gỡ, tiếp xúc giản dị, chân thành với nhân dân một xã vùng cao biên giới. Đó là xã Môn Sơn (huyện Con Cuông) - nơi thành lập chi bộ đảng đầu tiên ở miền núi xứ Nghệ. Bất chấp cơn mưa rừng xối xả, vị lãnh đạo cao nhất của Đảng đã đến với nhân dân, ân cần thăm hỏi sức khỏe bà con, tay bắt mặt mừng với các già làng, trưởng bản và mọi người. Ông căn dặn cán bộ chủ chốt của tỉnh, huyện và xã “không được quên công tác xây dựng Đảng ở cơ sở”.

Bà Trần Thị Hường, 64 tuổi - bản Cửa Rào (xã Môn Sơn) vui sướng nhớ lại: “Nghe nói Tổng Bí thư về thăm, tui và bà con mang áo mưa đứng đợi ngoài cổng để coi cho rõ. Tổng Bí thư đến bắt tay tui và mọi người, hỏi han sức khỏe. Chao ôi, từ khi đẻ ra đến giờ tui mới được bắt tay với một vị lãnh đạo cao cấp như rứa. Tổng Bí thư thật hiền từ”. Anh Lang Văn Tuấn, cán bộ xã Môn Sơn thì nhớ đến chi tiết: “Khi Tổng Bí thư đi trồng cây lưu niệm, cán bộ tỉnh đưa thùng nước để tưới như thường lệ. Tổng Bí thư nói: “Trời mưa thế này, không phải tưới đâu. Đừng hình thức như thế”. Còn khi anh Tuấn đưa chậu nước cho Tổng Bí thư rửa tay, ông cười và ra hiệu là không cần, bảo “còn vắt xôi ăn được mà”.

Cụ Lang Văn Tý, 73 tuổi, nhiều năm là Bí thư Chi bộ bản Tân Sơn (xã Môn Sơn) nói về lần gặp gỡ, tiếp xúc với Tổng Bí thư: “Đảng vừa đề ra Nghị quyết, Tổng Bí thư còn về tận cơ sở để kiểm tra. Tổng Bí thư về, chúng tôi “thấm” hơn về tầm quan trọng của Nghị quyết Trung ương 4, về công tác xây dựng Đảng. Ý kiến phát biểu của tôi về công tác xây dựng Đảng, về xóa đói giảm nghèo cho đồng bào miền núi, Tổng Bí thư đều chăm chú ghi lại và nhắc Bí thư Tỉnh ủy nghiên cứu, đề xuất”.

Ngày hôm sau, xem qua ti vi, ông Lang Văn Tý và bà con xã Môn Sơn thấy Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự Lễ kỷ niệm 110 năm Ngày sinh cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong – một người con ưu tú của quê hương xứ Nghệ, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông Lang Văn Tý và bà con dân bản đã chăm chú xem truyền hình trực tiếp với cảm xúc phấn khởi, tự hào. Đến đoạn Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nghẹn ngào ôn lại những hy sinh cao cả của đồng chí Lê Hồng Phong - “Nhờ các đồng chí nhắn lại với Đảng, đến giây phút cuối cùng Lê Hồng Phong vẫn một lòng tin vào thắng lợi vẻ vang của cách mạng”, lúc đó nhiều người cùng lặng đi, không cầm được nước mắt.

Những giọt nước mắt Cộng sản – có thể nói như vậy khi vị Tổng Bí thư mái đầu phơ phơ tóc trắng đã không kìm được xúc động khi ôn lại, nhắc đến những gian khổ, chịu đựng, cả những thiệt thòi, mất mát không gì bù đắp được đối với những nhà lãnh đạo tiền bối của Đảng. Đó vừa là sự xúc động, vừa là niềm tôn kính, tự hào, vừa cũng là sự gửi gắm những tâm nguyện trước anh linh Lê Hồng Phong và với các bậc tiền nhân về những vấn đề đang đặt ra của Đảng, của đất nước.

Được chứng kiến, mắt thấy tai nghe, rồi còn được nghe bà con kể lại những tình cảm và ấn tượng về đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bằng tình cảm, dấu ấn khó phai mờ với niềm tin yêu, trân quý, tôi lại nhớ về những bài viết của tác giả Nguyễn Phú Trọng mà mình từng được đọc. Bài “Bí mật của đồng tiền” (Nguyễn Phú Trọng, Tạp chí Cộng sản, tháng 3/1985) có đoạn: “Phải chăng đó là tội lỗi của chính bản thân đồng tiền? Cứ ngắm kỹ từng đồng tiền thì ta thấy nó vẫn là nó. Nó vẫn chỉ là những tờ giấy mỏng manh, hoặc những miếng kẽm, miếng nhôm hiền lành, vô tri vô giác. Nó có hề mọc sừng, mọc mỏ ra đâu… Thế mà hiện nay trong xã hội ta vẫn có những người sùng bái tiền, tôn thờ tiền. Họ cũng ham thích tiền, săn đuổi tiền, làm những việc mất cả nhân phẩm để làm giàu, để lo toan cuộc sống ích kỷ”. “Dân tộc ta từ ngàn xưa đã phải gánh chịu nhiều khó khăn, thiếu thốn trăm bề về vật chất, nhưng có phải vì thế mà mất đi cái cốt cách, cái phong độ hào hiệp, khẳng khái, trọng danh dự tuyệt vời của người Việt Nam? Đạo lý của người Việt Nam là “vật khinh, tình trọng”, “đói cho sạch, rách cho thơm”… không vì nghèo khó mà làm xằng bậy, làm mất phẩm giá con người”. Đọc lại những câu ấy, bỗng thấy “giật mình” bởi giá trị lâu dài của nó, dẫu đã qua hơn 20 năm. Phải là người bản lĩnh, trong sáng, tâm huyết, mới nói được như vậy. Bởi tiền ai mà không cần. Hay trong một bài viết khác của tác giả Nguyễn Phú Trọng có tiêu đề “Xài sang” (đăng Tạp chí Cộng sản số tháng 10/1987): Tục ngữ có câu "miệng ăn núi lở”, “mưa dầm lâu cũng lụt”, mà “đã lụt thì lút cả làng”. Một nền kinh tế dù có vững vàng bao nhiêu, sản xuất dù phát triển thế nào, nhưng nếu không tiết kiệm, cứ tiêu dùng hoang phí thì chẳng khác nào gió vào nhà trống”. Bài báo viết tiếp: “Chúng ta kiên quyết lên án những hành vi lợi dụng chức quyền tham ô, ăn cắp của công, làm lãng phí nghiêm trọng tài sản của nhà nước và của tập thể để có cuộc sống xa hoa, phè phỡn”.

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Giặc nội xâm là thứ giặc nguy hiểm, đó là bệnh cá nhân chủ nghĩa”, nó đẻ ra tham ô, tham nhũng, bè phái… Giặc ngoại bang nguy hiểm chừng nào thì giặc nội xâm cũng hiểm nguy không kém. Nhiều đồng bào bức xúc, giận dữ trước “một bộ phận không nhỏ”, họ đề nghị Đảng phải xem “giặc nội xâm” như là bọn “phản quốc”, đã làm rỗng ngân sách, làm nghèo đất nước. Bằng ngòi bút của mình, tác giả Nguyễn Phú Trọng đã “tuyên chiến” với những kẻ tham ô, “ăn cắp”. Lúc đó đất nước ta còn nghèo, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta đang gặp muôn vàn khó khăn. Tham ô giờ phát triển thành tham nhũng. Tham nhũng đang trở thành quốc nạn. Khi được tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ làm Trưởng ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng Trung ương, đông đảo cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân, dư luận báo chí lại càng hết sức quan tâm, ủng hộ, mong chờ.

Chợt nhớ người xưa từng nói: Lòng dân như sức nước, lật thuyền là nước, đẩy thuyền cũng là nước. Lòng dân tin tưởng, tình dân đậm đà, đó là điều không dễ gì có được, càng không phải tự nhiên mà có. Và khi dân đồng lòng, tin rằng việc lớn tất sẽ thành.

…đến Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI) in đậm dấu ấn người đứng đầu



Lãnh đạo và nhân dân xã Môn Sơn (Con Cuông) tặng hoa chúc mừng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về thăm xã nhà. Ảnh: Sỹ Minh

Thời điểm hiện nay, nói về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, hết thảy cán bộ, đảng viên và người dân lại nói về Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI): “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng và chỉnh đốn Đảng là trí tuệ tập thể của BCH TƯ Đảng khóa XI. Đây là một trong số rất ít Nghị quyết mà ngay sau khi ban hành đã làm “sôi” lên sự quan tâm của dư luận, thu hút sự chú ý của tất thảy cán bộ, đảng viên và đông đảo quần chúng nhân dân, làm dấy lên đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, tác động đến tận từng cán bộ, đảng viên. Hầu như đi đến đâu cũng nghe nói về chuyện “Đảng ta làm Trung ương 4”. Đây còn là Nghị quyết mà mỗi câu mỗi chữ như chở nặng tâm tư tình cảm, phập phồng những day dứt, băn khoăn, đau đáu với sự nghiệp của Đảng, với những vấn đề mang tính “sống còn” của chế độ. Cho nên, người ta có lý khi cho rằng đây là Nghị quyết đẫm “chất văn”, giàu tính chiến đấu, và nó như là “huyết tâm thư” của chính người đứng đầu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Với phương châm nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, không nể nang, né tránh, Nghị quyết T.Ư 4 đã chỉ ra những hạn chế, yếu kém kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ chậm được khắc phục, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng, nếu không được sửa chữa sẽ là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ. Nghị quyết thể hiện quyết tâm dồn tâm sức để kêu gọi toàn Đảng thực hiện một đợt xây dựng, chỉnh đốn trong toàn Đảng với mục tiêu nhằm ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một “bộ phận không nhỏ” cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.

Khi tiến hành thực hiện kiểm điểm tự phê bình và phê bình, rõ ràng là toàn Đảng đã tiến hành một đợt “tắm gội” để trở nên “sạch sẽ” hơn. Tuy nhiên, việc “tắm gội” phải được làm thường xuyên, không dễ gì có thể “sạch sẽ” ngay được. Vì thế, chia sẻ với những quan tâm và tâm tư của cử tri Thành phố Hà Nội sau kỳ họp Quốc hội vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng: “Quan trọng nhất là bước đầu phải nhóm được lò lên, tạo thành hơi ấm thì khi đó củi khô, củi tươi đưa vào cũng phải cháy hết. Phải đồng lòng, nhất trí nhóm lò lên”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ khi đang là cán bộ của Tạp chí Cộng sản từng viết: “Ai cũng biết lòng tin là một yếu tố hết sức quan trọng. Lòng tin là ngôi sao dẫn đường, là chân trời vẫy gọi và thúc dục mọi người đi tới. Nếu để mất niềm tin là mất phương hướng, mất sức mạnh, mất ý chí và nghị lực đấu tranh. Vì vậy, trách nhiệm lớn lao của mỗi người lúc này là phải giữ vững niềm tin, trong khó khăn lại càng phải giữ vững niềm tin” (“Cách nhìn”, Tạp chí Cộng sản - tháng 12/1979).

Về Nghệ An, vùng đất mà trong những thời khắc khó khăn nhất của lịch sử đất nước đã bật lên những mầm xanh tin yêu, đã sản sinh ra những tấm gương oanh liệt trọn đời phấn đấu hy sinh cho dân, cho nước, cho Đảng, chuyến đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng càng tiếp thêm sức mạnh cho cả nước nói chung, cho Đảng bộ và nhân dân Nghệ An nói riêng về tinh thần quyết tâm thực hiện thành công đợt xây dựng và chỉnh đốn Đảng có tính sống còn này. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An đã chỉ đạo thực hiện 9 vấn đề cần giải quyết ngay sau kiểm điểm. Đó là chấn chỉnh việc cấp phép, quản lý hoạt động khoáng sản; nghiêm khắc xử lý những sai phạm; rà soát những vụ việc nổi cộm, bức xúc kéo dài; soát xét lại các dự án đầu tư liên quan đến đất đai đô thị để tháo gỡ vướng mắc, thu hút đầu tư; chấn chỉnh tổ chức bộ máy, cán bộ công chức, cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, lãng phí; sửa đổi, bổ sung quy chế bổ nhiệm cán bộ và giới thiệu cán bộ ứng cử đảm bảo chọn đúng người; chấn chỉnh, nâng cao hiệu quả học tập, quán triệt nghị quyết, chỉ thị, quy định, kết luận của Đảng; rà soát, chấn chỉnh việc thực hiện chính sách đối với người có công, phân công lại lĩnh vực, địa bàn phụ trách đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện của BCH, BTV Tỉnh ủy.

Lò lửa đã nhóm. Nghị quyết Trung ương 4 đang lan tỏa, đang từng bước đẩy lùi những suy thoái, yếu kém trong công tác chỉnh đốn, xây dựng Đảng, đang nhen lên ngọn lửa ấm áp tin yêu trong Đảng và toàn xã hội.

Nhen lên những đốm lửa...


Ngày 4/9/2012, cả dải rừng Quốc gia Pù Mát ở miền biên viễn Tây Nam xứ Nghệ bị màn mưa trắng xóa quây chặt. Bà con dân bản và cán bộ chiến sĩ đội mưa chờ từ sáng sớm, thấp thỏm, lo lắng, hơn ai hết, họ quá hiểu sự chia cắt hoàn toàn có thể thể xảy ra bởi mưa nguồn suối lũ. Nhưng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và đoàn công tác đã đến, đúng hẹn, không trễ một phút, không bỏ bất cứ chi tiết nào trong lịch trình kế hoạch. Như hiểu được sự chờ đợi đó, Tổng Bí thư đã dừng lại lâu hơn, dành thời gian nhiều hơn khi gặp gỡ, tiếp xúc, thăm hỏi, quan sát, lắng nghe ý kiến bà con, cán bộ, chiến sỹ…


Trời mưa càng lúc càng to, các đồng chí trong ban tổ chức đề nghị bỏ kế hoạch trồng cây lưu niệm tại trụ sở Đảng ủy - UBND xã Môn Sơn, Tổng Bí thư nói ngay, đã chuẩn bị rồi thì cứ làm, trời mưa trồng cây càng dễ sống. Rồi đồng chí Tổng Bí thư xắn quần đi ra chỗ trồng cây. Trồng gần xong, một đồng chí ở cơ sở nhắc được rồi bác ạ, Tổng Bí thư nói: “Đã xúc hết đất đâu, đã làm thì làm cho xong!”. Khi trồng xong cây, một đồng chí cán bộ xã đưa thùng nước tưới đã chuẩn bị sẵn để Tổng Bí thư tưới nước, lập tức đồng chí Tổng Bí thư nói: “Trời mưa còn tưới nước làm gì!”.


Sáng 5/9/2012, đồng chí Tổng Bí thư về dâng hương ở Khu di tích Kim Liên. Trời vẫn mưa tầm tã. Biết các đồng chí lãnh đạo tỉnh lo lắng về việc trời mưa, núi cao, đường trơn, việc lên núi Đại Huệ dâng hương và thăm mộ cụ Hà Thị Hy và bà Hoàng Thị Loan (bà nội và thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh) gặp khó khăn. Đồng chí Tổng Bí thư nói ngay: “Trời mưa leo núi cao càng mát, đỡ mệt hơn trời nắng, chỉ có điều chúng ta phải bước cẩn thận hơn”.


Sáng 6/9/2012, sau khi dự Lễ kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Hồng Phong (6/9/1902-6/9/2012), buổi lễ kết thúc, đồng chí Tổng Bí thư cùng đoàn công tác ra xe lên đường ngay để kịp kế hoạch làm việc buổi chiều tại Thủ đô Hà Nội. Họ đã dùng bữa trưa dọc đường công tác, có thể là ở Thanh Hóa, cũng có thể là ở Ninh Bình, điều đó không quan trọng, nào có hề chi, vì theo yêu cầu của Tổng Bí thư, bộ phận phục vụ đã chuẩn bị cho mỗi thành viên trong đoàn một suất cơm hộp “để anh em mình cơ động dọc đường”…


Châu Lan