“Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác”

24/05/2013 10:45

(Baonghean) - Những ngày này, Kim Liên, Nam Đàn không lúc nào ngớt người về thăm, viếng khu di tích làng Trù, làng Sen và Mộ bà Hoàng Thị Loan. Mình đi xa rồi nên chẳng mấy khi có dịp chứ hồi còn đi học cũng phải hơn chục lần mình đi thăm quê Bác rồi đấy. Năm nào các trường học và cơ quan chẳng tổ chức cho học sinh, con em nhân viên về báo công với Bác là gì? Hôm nọ, đứa cháu mình vừa khoe được đi dự Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ của trường, được về quê Bác, làm mình nghĩ lại thời mình đi học, tự nhiên bồi hồi.

(Baonghean) - Những ngày này, Kim Liên, Nam Đàn không lúc nào ngớt người về thăm, viếng khu di tích làng Trù, làng Sen và Mộ bà Hoàng Thị Loan. Mình đi xa rồi nên chẳng mấy khi có dịp chứ hồi còn đi học cũng phải hơn chục lần mình đi thăm quê Bác rồi đấy. Năm nào các trường học và cơ quan chẳng tổ chức cho học sinh, con em nhân viên về báo công với Bác là gì? Hôm nọ, đứa cháu mình vừa khoe được đi dự Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ của trường, được về quê Bác, làm mình nghĩ lại thời mình đi học, tự nhiên bồi hồi.

Quê Bác, mình đi nhiều đến nỗi cái cô hướng dẫn, thuyết minh ở trong gian nhà tranh ở hai làng nội, ngoại của Bác mình nhẵn cả mặt, thuộc luôn câu chuyện cô kể về từng gian nhà, từng đồ vật. Này đây là chiếc khung cửi mẹ Bác ngồi dệt vải để kiếm tiền nuôi chồng, nuôi con, ngay bên cạnh là chiếc võng, bà vừa ru con, vừa dệt vải, này đây là chiếc phản bị cháy phải cưa mất một đoạn mà Bác Hồ sau bao nhiêu năm về thăm quê vẫn nhận ra, còn đây là nơi các bậc trí thức thời ấy ngồi bàn luận chuyện nước nhà khi Bác Hồ vẫn chỉ là cậu bé đứng ngoài cửa lẳng lặng mà nghe. Trong giọng kể trầm lắng mà thiết tha, gian nhà tranh tối tranh sáng tự nhiên như không còn dấu tích gì của thời gian, một câu hát ví dặm và tiếng võng kẽo kẹt vọng về từ muôn thuở, khiến tất cả lặng im, thảng thốt xót xa mà thêm phần kính yêu vị cha già dân tộc.

Làng Trù, làng Sen nay đã đổi khác đi nhiều. Ngoài khu di tích nhà Bác Hồ thì vùng quê nghèo năm xưa bây giờ đã không còn vách đất nhà tranh. Nếu có còn gì vương vấn với những năm tháng Bác sống có lẽ là hương Sen ngát lòng người mỗi bận tháng năm, hay là những câu dân ca, câu đò đưa ví dặm mà tuổi ấu thơ của Bác đã đi suốt chiều dài, chiều rộng, để rồi đi suốt cuộc đời Bác vẫn lưu luyến, nhớ thương sông Lam sóng nước và những phường hát đêm trăng.

Ở nơi đất khách quê người, mỗi khi ai hỏi quê mình ở đâu, mình vẫn thường tự hào nói rằng mình sinh ra trên mảnh đất quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Để thấy mảnh đất ấy không còn là một địa danh thuần tuý, mà khi ta nhắc đến không khỏi trào dâng nỗi biết ơn vô hạn với mảnh đất sản sinh, hình thành nên con người, nhân cách, tư tưởng của vị anh hùng giải phóng dân tộc. Để thấy người con xưa từ làng Sen ra đi tìm đường cứu nước, nay đã làm rạng danh cả quê hương, đất nước, con người.

Nói về mảnh đất ân tình nơi mình sinh ra. Bác Hồ xúc động ngày trở về:

Quê hương nghĩa trọng tình cao,
Năm mươi năm ấy biết bao nhiêu tình!


Chúng ta đã và đang vận động làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Học tập Người từ những điều giản dị, gần gũi mà nhân văn nhất như đạo lý sống nghĩa tình với quê hương, lý tưởng sống để bảo vệ và xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp... Nếu trưởng thành, lớn mạnh rồi mà vẫn chung thuỷ sắt son với nguồn cội của mình như Bác Hồ (Người dù đi qua nhiều đất nước, nói nhiều thứ tiếng vẫn giữ được chất giọng Nghệ trầm ấm, vẫn khắc khoải nỗi nhớ quê hương), chính là bản thân được người đời tôn vinh, nhưng cũng là tôn vinh quê hương của mình, để quê hương mình được rạng danh, lưu danh mãi về sau.

Bác ạ, đêm nay chúng con hát câu ví dặm, đò đưa mà bát ngát nhớ thương. Nếu khi xưa câu hát Bác nghe là của dân mất nước, thì ngày nay chúng con hát là câu ca độc lập tự do, hát nỗi ước mong thuở xưa của Bác. Còn câu hát xây dựng và bảo vệ quê hương mà Bác đã bỏ cả cuộc đời để giải phóng, vẫn còn đang chờ chúng con viết tiếp, hát tiếp, có phải không thưa Bác kính yêu?


Hải Triều (Email từ Paris)