Núi Chung - mạch nguồn thiêng liêng
Từ quê nội làng Sen và quê ngoại Hoàng Trù nhìn qua cánh đồng, núi Chung hiện ra giữa sắc vàng của ánh nắng hè và sắc vàng của lúa chín. Màu xanh của núi đã làm dịu đi cái nắng gay gắt, cháy bỏng của đất trời xứ Nghệ. Về với Kim Liên lần này, chúng tôi quyết định dành thời gian ghé sang núi Chung, nơi thuở thiếu thời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng chơi trò trận giả và gửi ước mơ, hoài bão theo cánh diều.
(Baonghean) - Từ quê nội làng Sen và quê ngoại Hoàng Trù nhìn qua cánh đồng, núi Chung hiện ra giữa sắc vàng của ánh nắng hè và sắc vàng của lúa chín. Màu xanh của núi đã làm dịu đi cái nắng gay gắt, cháy bỏng của đất trời xứ Nghệ. Về với Kim Liên lần này, chúng tôi quyết định dành thời gian ghé sang núi Chung, nơi thuở thiếu thời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng chơi trò trận giả và gửi ước mơ, hoài bão theo cánh diều.
Cảm nhận đầu tiên khi bước chân lên núi Chung là vẻ tĩnh lặng. Cái tĩnh lặng ấy vừa là biểu hiện của một vẻ đẹp mang tính nguyên sơ, vừa chất chứa sự linh thiêng của một di tích có bề dày lịch sử. Tháng Năm, trời nắng như đổ lửa nhưng không khí ở đây vẫn mát dịu, trong lành. Dừng chân trên một đỉnh núi, chúng tôi như được đắm mình trong không gian tràn ngập tiếng chim. Từ đây nhìn xuống cánh đồng vàng rộm, bà con nông dân đang tất bật với công việc thu hoạch lúa.
Núi Chung nhìn từ quê ngoại Bác Hồ
Nhìn xa hơn nữa là dãy Đại Huệ chạy dài tưởng chừng như vô tận, là dãy Thiên Nhẫn trùng điệp và ngút ngàn màu xanh, là dãy Hùng Sơn (rú Đụn)- địa danh từng được liệt vào hàng “danh sơn mây khói tụ”, là nơi ghi dấu kinh thành Vạn An xưa. Nhìn xuôi theo dòng Lam trong xanh đang uốn lượn là núi Lam Thành- nơi một thời từng là lỵ sở của đất Hoan Châu và núi Dũng Quyết- nơi Quang Trung Nguyễn Huệ từng chọn đất xây thành...
Từ núi Chung phóng tầm mắt theo khắp các hướng đều thấy được phong cảnh, hình sông, thế núi và làng mạc trong vùng. Mà ở vùng đất này, mỗi ngọn núi, khúc sông và cánh đồng đều gắn với một chiến công, một nét son trong từng trang sử vẻ vang của dân tộc. Có lẽ, từ thời còn là cậu bé để chỏm cùng bạn bè lên núi Chung thả diều, chơi trò trận giả, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường phóng tầm mắt ra xa để ngắm cảnh nước non hùng vỹ và thêm yêu quê hương, xứ sở. Từ đó, Người nuôi khát vọng đi xa, mở rộng tầm nhìn để cứu dân, cứu nước.
Núi Chung có 3 đỉnh, ngày xưa La Sơn Phu tử Nguyễn Thiếp (1723-1804) đã từng để lại dòng thơ: “Chung sơn tam đỉnh hình vương tự/ Kế thế anh hùng vượng tử tôn” (Núi Chung có 3 đỉnh, hình chữ “Vương”/ Con cháu đời đời nối nghiệp anh hùng). Có thể xem lời thơ là một câu sấm về mạch đất này sẽ tiếp tục sinh ra những anh hùng hào kiệt để cứu nước, giúp đời. Tương truyền, trên núi Chung có lăng mộ của Tả tướng quân Lê Giác (thời Hậu Lê). Đây cũng là nơi luyện quân của Vương Thúc Mậu, người từng đỗ tú tài nhưng đã khởi binh hưởng ứng phong trào Cần Vương. Vương Thúc Mậu chính là thân phụ của Cử nhân Vương Thúc Qúy- thầy học của Bác Hồ thuở thiếu thời.
Núi Chung còn là một địa chỉ thiêng. Theo một số tư liệu nghiên cứu, trên núi Chung trước đây có chùa Bảo Quang. Ngôi chùa lúc đầu quy mô nhỏ, đến đời vua Lê Kính Tông (1600-1619), Định Quận công Hoàng Nghĩa Phúc làm Trấn thủ Nghệ An đã đầu tư tiền bạc để nâng cấp, mở rộng quy mô, xây thêm gác chuông và trồng thêm nhiều cây quý làm cho cảnh quan chùa thêm uy nghi, cổ kính và linh thiêng. Núi Chung còn là nơi tọa lạc của đền Thánh Cả thờ Xuân Lâm Tướng quân Nguyễn Đắc Đài - một vị tướng đời nhà Trần. Khi giặc Bồn Man quấy nhiễu vùng biên cương, Nguyễn Đắc Đài được vua Trần xuống chiếu cầm quân đi dẹp giặc. Ông đã lập được nhiều chiến công, góp phần đánh đuổi giặc ngoại xâm và được nhà vua nhiều lần ban thưởng. Sau đó, giặc phương Bắc lại quấy nhiễu biên cương, Nguyễn Đắc Đài lại được cử cầm quân dẹp giặc. Trong một trận đánh ác liệt, quân ta giành được chiến thắng nhưng ông bị thương nặng, quyết phi ngựa về quê và mất khi vừa về đến nhà. Khi qua làng Hoàng Trù, ông rỏ xuống một giọt máu nên người dân nơi đây quyết định lập đền thờ. Có lẽ, khí thiêng của núi Chung đã góp phần hun đúc cho mảnh đất Nam Đàn những con người kiệt xuất và lưu danh muôn thuở, trong đó có Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Cách đây gần 1 năm, tại núi Chung, UBND tỉnh Nghệ An đã tiến hành làm lễ khởi công Đền thờ song thân và anh chị em của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Công trình hoàn thành sẽ trở thành một địa chỉ tâm linh, du khách đến đây sẽ được bày tỏ niềm kính phục, tấm lòng tri ân đối với tấm lòng và sự hy sinh của những người thân yêu của Bác. Và cũng từ đó, núi Chung sẽ có thêm một nguồn thiêng để quê hương, đất nước mãi được thanh bình, no ấm.
Tường Anh