Ăn gì để không độc hại?

12/08/2013 18:10

Bún làm trắng, rồi sữa nhiễm khuẩn... liên tục được công bố rộng rãi trên các phương tiện truyền thông Trong hơn tháng qua, khiến người tiêu dùng trong cả nước không khỏi “bàng hoàng”. Dư luận quan tâm rằng còn biết bao nhiêu loại thực phẩm có chứa chất phụ gia độc hại mà cơ quan chức năng chưa phát hiện ra?

(Baonghean) - Bún làm trắng, rồi sữa nhiễm khuẩn... liên tục được công bố rộng rãi trên các phương tiện truyền thông Trong hơn tháng qua, khiến người tiêu dùng trong cả nước không khỏi “bàng hoàng”. Dư luận quan tâm rằng còn biết bao nhiêu loại thực phẩm có chứa chất phụ gia độc hại mà cơ quan chức năng chưa phát hiện ra?

Đầu tiên là việc cơ quan chức năng phát hiện bún, phở bán trên thị trường TP. Hồ Chí Minh có chứa chất làm trắng quang học Tinopal (còn gọi là huỳnh quang). Trong 30 mẫu bún, bánh hỏi, bánh canh, bánh phở, bánh cuốn... Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn về tiêu dùng (thuộc Hội Tiêu chuẩn bảo vệ người tiêu dùng) đã khảo sát trên thị trường TP. Hồ Chí Minh thì có đến 24 mẫu có chứa chất Tinopal và chất bảo quản hàm lượng cao gấp nhiều lần mức cho phép.

Tại Đồng Nai, lực lượng chức năng tỉnh lấy mẫu thử tại 10 sạp kinh doanh các mặt hàng thực phẩm ở chợ Biên Hòa (TP. Biên Hòa) đã phát hiện 6 sạp có bán mặt hàng mì sợi chứa hàn the ở mức đậm đặc. Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường tỉnh Tây Ninh cũng vừa phát hiện 2 cơ sở sản xuất bún trên địa bàn Thị xã Tây Ninh có chứa chất Tinopal và hàn the... Đây đều là những chất không được phép sử dụng trong thực phẩm; gây hại đến đường tiêu hóa, dẫn đến viêm loét dạ dày. Nghiêm trọng hơn, người ăn phải loại bún chứa chất huỳnh quang lâu dài sẽ bị suy gan, thận và có thể bị ung thư.



Ảnh minh họa

Gây chú ý nhất trong thời gian này là việc Công ty sữa Abbott Nutrition Việt Nam đã phát đi thông báo đề nghị khách hàng đổi hoặc hoàn trả sữa Similac GainPlus EyeQ mới số 3 dành cho trẻ 1 - 3 tuổi loại hộp 400g và 900g, thuộc 10 lô sản xuất ở NewZealand. Bởi phát hiện một lượng đạm whey sử dụng trong quá trình sản xuất có thể bị nhiễm vi khuẩn Clostridium Botulinum gây độc thần kinh, liệt cơ... Nhiều bà mẹ Việt như đang "ngồi trên lửa" khi hay thông tin về việc hàng loạt lô sữa sản xuất tại New Zealand bị nhiễm khuẩn phải thu hồi, nhất là khi sự việc không chỉ dừng lại ở một loại sữa như ban đầu. Từ Abbott, Karicare đến nay là Dumex, thương hiệu khá quen thuộc với người tiêu dùng Việt Nam cũng đã lên tiếng thu hồi sản phẩm. Thông tin hãng sữa phải thu hồi những lon sữa bị nghi nhiễm khuẩn ngày càng dài ra, nỗi lo lắng của các bà mẹ cũng tăng lên theo cấp số nhân...

Trên địa bàn Thành phố Vinh, những băng rôn mang dòng chữ: “Người tiêu dùng hãy tự bảo vệ mình” càng khiến nhiều người tiêu dùng thêm lo.

Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã cố gắng kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm, nhưng nguy cơ mất vệ sinh ATTP vẫn luôn thường trực. Một câu hỏi lớn không lời đáp hiện nay lại thuộc về một vấn đề khá nhỏ bé, đó là miếng ăn: Ăn gì để không bị độc hại? Người ta có thể kể ra cả ngày không hết về những món ăn, thức uống có phụ gia, có khả năng gây bệnh về lâu dài. Thức ăn thì từ bó rau cho đến thịt, trứng, cá, giò chả… Thức uống thì từ hộp sữa cho trẻ, đến chai nước lọc, “trà chanh chém gió” hay sữa trân châu cho tuổi "teen" cũng bị nhiễm độc. Hay thịt, nội tạng gia súc, gia cầm thối được nhập lậu…

Điều đáng suy ngẫm trong những vụ việc u ám kể trên là vì sao một bộ phận những người sản xuất, kinh doanh lại trở thành những kẻ bất lương, hám lợi đến thế? Vì sao không ít nông dân chân chất có thể xịt thuốc trừ sâu bừa bãi để bán rau cho người tiêu dùng mà mình lại không dùng loại rau đó. Có thể thấy một điều rằng thời nay, ngay cả những người lao động chân chất dù có ý thức hay không, giờ cũng dùng cái mà giới ngoại giao hay kinh doanh gọi là "tiêu chuẩn kép"- Tôi có thể thật thà, chân chính với tôi hay những người thân thôi, chứ những người lạ thì không nhất thiết (?). Không ít nông dân đang có một thửa ruộng, mảnh vườn, đàn gia cầm riêng để dùng cho gia đình, khác với những sản phẩm chăm sóc đại trà mà họ sẽ bán ra thị trường.

Trước thực trạng "vàng thau lẫn lộn" của thực phẩm được bán tràn lan hiện nay, người tiêu dùng thật khó phân biệt để chọn lựa được bữa ăn vừa ngon, vừa an toàn cho gia đình mình. Khi vụ bánh phở có chứa formol dùng ướp xác nổ ra (cách đây khoảng 10 năm), Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh - phụ trách vệ sinh an toàn thực phẩm lúc bấy giờ có đề xuất thành lập một trung tâm chuyên bán hóa chất phụ gia thực phẩm riêng biệt, tách hẳn khỏi chợ Kim Biên. Người chế biến thực phẩm phải mua hóa chất phụ gia thực phẩm tại đây với đầy đủ giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ thì sẽ dễ dàng kiểm tra kiểm soát. Nhưng tất cả rơi vào quên lãng, khu chợ này vẫn bày bán đủ loại hóa chất, từ hóa chất dùng trong công nghiệp đến các loại phụ gia, hương liệu độc hại, không nhãn mác, xuất xứ, ai mua cũng được, giá nào cũng có.

Muốn đảm bảo VSATTP không chỉ là đảm bảo khâu bày bán ở chợ mà phải đảm bảo cả chuỗi từ khi chọn giống vật nuôi, cây trồng, đất, nước, thức ăn chăn nuôi, phân bón, sử dụng thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, quá trình chế biến, vận chuyển và tăng cường bảo quản ngay khi thực phẩm đã bày bán ở chợ. Bất kỳ một khâu nào không an toàn thì thực phẩm đó không thể đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng. Để kiểm soát việc buôn bán, sử dụng hóa chất độc hại trong thực phẩm có hiệu quả, cần tách bạch nơi bán hóa chất công nghiệp và hóa chất dùng trong thực phẩm.

Mặt khác, người bán hàng phải có trình độ chuyên môn nhất định để có thể tư vấn, cung cấp thông tin cho người mua - như quy định kinh doanh thuốc chữa bệnh để hạn chế mức độ thiệt hại mà hóa chất có thể gây ra cho người sử dụng. Song song đó, các cơ quan chức năng cần xử phạt nghiêm minh đối với các trường hợp vi phạm, kiểm soát thật chặt chẽ các hoạt động sản xuất, quảng cáo, khuyến mãi, tiếp thị sản phẩm. Tuyên truyền nâng cao phẩm chất đạo đức cho nhà sản xuất và kinh doanh dịch vụ. Về lương tâm và trách nhiệm xã hội để tránh thói tham lam, vì lợi nhuận chạy theo đồng tiền kiếm lợi bằng mọi giá, coi thường sức khoẻ của người tiêu dùng.


Ngọc Anh