Nên "luật hóa" Khoản 2, Điều 4 của Hiến pháp

28/02/2013 15:21

(Baonghean) - Chủ trương của Đảng là xây dựng Nhà nước ta là nhà nước pháp quyền, tất cả mọi cá nhân, mọi tổ chức đều phải triệt để tuân thủ hiến pháp và pháp luật, kể cả các đảng viên, các tổ chức, trong đó có Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Đảng cũng chủ trương rằng quyền lực phải được kiểm soát cho nên việc luật hóa sự lãnh đạo của Đảng tức cũng là để cụ thể hóa sự giám sát và kiểm soát quyền lực được ghi ở Khoản 2, Điều 4 một cách có hiệu quả. Nội dung của Khoản 2, Điều 4 trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp ghi: “Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình”.

Ở hội nghị lấy ý kiến về dự thảo sửa đổi Hiến pháp của MTTQ Việt Nam, ông Lê Quang Vịnh - nguyên Phó Tổng thư ký UBTƯ MTTQ nói: “Thực tế như Nghị quyết T.Ư 4 đã đề cập, hiện trong Đảng vẫn tồn tại một khoảng trống quyền lực, chưa được giám sát kịp thời, nên dễ sinh ra chuyện lạm quyền. Dự thảo sửa đổi lần này có bổ sung thêm Khoản 2 (Điều 4) là cần thiết, song vẫn chưa đủ vì chưa rõ cơ chế giám sát. Cần tạo ra một khuôn khổ pháp luật, đó là xây dựng luật về Đảng. Trong bộ máy hiện tồn tại một số cơ quan kiểm tra, giám sát. Song ở cấp cao nhất trong cơ quan Đảng vẫn còn khoảng trống quyền lực chưa được giám sát. Những người có chức, có quyền có thể lợi dụng sự sơ hở đó để làm việc vì mục đích cá nhân, lợi ích nhóm, làm lu mờ lợi ích chung. Do đó, nhiều luồng ý kiến đưa ra đề xuất phải có luật về sự lãnh đạo của Đảng. Nếu chỉ nói Đảng chịu sự giám sát của nhân dân chung chung mà không có luật thì chỉ là khẩu hiệu, là mệnh lệnh mà thôi!”. Ông Lê Truyền, nguyên Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, khẳng định: “Trong tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền, mọi tổ chức, mọi cá nhân không ai có thể đứng ngoài pháp luật. Việc xây dựng luật về Đảng, cũng nhằm khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng, đảm bảo cơ sở cho sự lãnh đạo đó gắn với pháp luật, với sự giám sát của dân. Đây là thời điểm phù hợp và chín muồi để soạn thảo và ban hành luật về Đảng”.

Vấn đề xây dựng luật về Đảng không phải là chuyện mới! Theo ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBT.Ư MTTQ Việt Nam cho biết, từ thời đồng chí Lê Quang Đạo còn là Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Quốc hội cũng như khi chuyển sang làm Chủ tịch MTTQ Việt Nam, đồng chí vẫn kiên trì đề xuất xây dựng luật này. Năm 1993, khi soạn thảo Nghị quyết 07 của Bộ Chính trị, vấn đề luật về Đảng cũng được đặt ra trong Bộ Chính trị nhưng rồi từ đó đến nay, vì nhiều lý do luật vẫn chưa ra đời. Ông Túc cho rằng, nếu không có luật về Đảng thì hiện tượng thoái hóa biến chất trong Đảng không thể đẩy lùi. Đây là vấn đề đã được đặt ra từ Đại hội 6 (năm 1986), nay là thời điểm cần quyết tâm thực hiện!


Thạch Quỳ (TP. Vinh)