Tản mạn về một trò chơi đố

04/03/2013 18:38

-

(Baonghean) - Ra đời từ cuộc sống tinh thần phong phú của người Việt, thể đố không ngừng phát triển để hướng tâm hồn người Việt tới Chân-Thiện-Mỹ. Thoáng nhìn cứ ngỡ “mảnh vườn” câu đố bị khuất lấp bên “cánh đồng” tục ngữ ca dao Việt Nam hàng ngàn năm tuổi, nhưng chịu khó “xắn quần lội ruộng” thì không phải vậy!

Hồi bé, một lần do phạm lỗi, tôi bị bà nội bắt đứng khoanh tay tựa cột nghe ra đố với điều kiện, nếu tôi giải trúng hai câu thì bà cho rời khỏi cột, trúng ba câu thì cho ra sân cùng đám trẻ để tiếp tục làm Tôn Ngộ Không… Câu thứ nhất bà đố:

Con gì có thịt không xương

Đằm trong nắng dãi, mưa tuôn chẳng nề

Hiên ngang đọ sức thủy tề

Giữ cho đồng ruộng bốn bề xanh tươi?

Cũng may, nhà tôi ở ven bờ tả Lam, đối diện bên kia hữu ngạn là huyện quê cụ Nguyễn Du với tuyến đê ngăn lũ cao quá đầu người. Hằng ngày tuyến đê ấy đập vào mắt nên nó giúp tôi thông minh đột xuất, tôi trả lời con đê. Bà gật đầu tự hào về sự thông minh đột xuất của thằng cháu, và đọc tiếp câu thứ hai:

Con gì bé tí bé ti

Mình ở dưới đất bóng đi trên trời?

Thừa thắng xông lên ắt sẽ... thông minh hơn, tôi hấp tấp đưa ra một loạt giải đố gồm con chuồn chuồn, con muỗi, con chích chòe, con vẹt, con sáo ngà... Tất cả đáp án đều trật khấc. Dường như biết tôi không động não và đang nghĩ cách ù té chuồn, bà vội đứng dậy giơ roi nghiêm nghị:

- Mặt khá má hư, đó là con rươi, dễ ợt thế cũng không biết.

Mặt tôi nóng bừng vì tự ái. Giả bộ như không biết tôi đang xấu hổ, bà chậm rãi đọc tiếp câu thứ ba:

Ngả lưng cho thế gian ngồi

Ngồi rồi trở lại kêu người bất trung - là cái gì?

Lần này thằng cháu của bà luôn tự phong Tôn Ngộ Không vẫn phải vò đầu bứt tai. Nó không nghĩ ra lời giải, nó đang muốn xin bà cho phép bỏ cuộc thì đã nghe bà hạch tội:

- Tề Thiên với chả Đại Thánh, đến cái phản gỗ trong nhà cũng không biết, chỉ giỏi phơi nắng suốt ngày!

Từng bị xấu hổ vì trí tuệ của dân gian, về sau tôi mới để tâm tới đố, mới tìm đọc một số ý kiến có lý khi cho rằng chức năng nguyên thủy của đố thiên về giải trí, bồi đắp tư duy, phổ biến kiến thức phổ thông cho lứa tuổi nhi đồng. Ngoài ra, còn hướng người chơi vào mục đích tìm hiểu sự kiện lịch sử, chiến công dựng nước giữ nước của các anh hùng dân tộc, khơi dậy ký ức lịch sử bi hùng của dân tộc, góp phần hun đúc tinh thần yêu nước cho các thế hệ đương thời và hậu thế.

Để tạo được một câu đố mà nội hàm phản ánh đúng bản chất đặc trưng của sự vật, hiện tượng, người ra đố phải có một vốn sống, vốn hiểu biết phong phú, đặc biệt là khả năng liên tưởng sáng tạo. Một trong những “phép thuật” tạo nên sự hấp dẫn của đố là khả năng liên tưởng phá vỡ quy luật logic thông thường, tạo ra quy luật “logic của logic” (chứ không phải phi logic) để được mọi người chấp nhận. Chẳng hạn như câu đố sau:

Chân cao lỏng ngỏng

Da đét tận xương

Hồn đi bốn phương

Chân còn để lại (là gì?)

Sau khi giải đố được đưa ra ai cũng tâm phục khẩu phục thừa nhận đúng là cây hương...

Hay câu đố sau đây nói về cái máng nước, người ra đố nhất thể hóa “nước” (CO2 - một trong những thành phần cơ bản duy trì sự sống), với “nước” mang ý nghĩa “quốc gia, lạnh thổ”:

Một lòng vì nước, vì nhà

Người mà không biết, trời đà biết cho

Ngày 20/11/2000, câu đố này được GS TS Ngôn ngữ học Nguyễn Tài Cẩn đưa vào bài diễn văn đáp từ của ông tại Lễ mít tinh do Đại học quốc gia Hà Nội tổ chức mừng ông được Nhà nước trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về Cụm công trình Ngữ học. Thiển nghĩ “bồ chữ” Nguyễn Tài Cẩn không hề thiếu chữ, song ông vẫn mượn câu đố này là mượn sự liên tưởng táo bạo của trí tuệ dân gian. Và dường như chỉ có trí tuệ dân gian mới nói hộ được tiếng lòng của ông.


Giao Hưởng