Nuôi bò hàng hóa ở Nghi Lộc

28/02/2013 20:35

(Baonghean.vn) -Lượng lao động dư thừa lớn, đất đai thuận lợi cho sản xuất cây trồng nông nghiệp không nhiều, khó phát triển các làng nghề và nghề phụ… Những hạn chế đó từng đặt ra cho Nghi Lộc một hướng phát triển kinh tế đầy kỳ vọng: nuôi bò hàng hóa.

3 năm gần đây, dịch bệnh trên đàn lợn xảy ra nhiều, thức ăn tăng giá, giá thịt lợn giảm, người chăn nuôi thua lỗ, nên tổng đàn lợn ở Nghi Lộc đang ở đồ thị giảm hàng nghìn con mỗi năm.

Với thực tế trên, chăn nuôi bò hàng hóa hiện đang được Nghi Lộc chú trọng. Huyện đã thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ cho sind hóa đàn bò; chỉ đạo triển khai tốt chương trình sind hóa đàn bò ở các xã Nghi Diên, Nghi Vạn, Nghi Long, Nghi Trường, Nghi Hợp, Nghi Khánh. Bên cạnh tập huấn, chuyển giao KHKT về chăn nuôi cho nông dân, đã xây dựng các mô hình trình diễn về chăn nuôi để nông dân học tập và làm theo như Đề tài ứng dụng tiến bộ KHKT trồng cỏ kết hợp chăn nuôi bò sinh sản tại Nghi Kiều; Dự án nuôi gà an toàn sinh học cho các hộ nghèo tại xã Nghi Đồng; mô hình nuôi bò vỗ béo tại Nghi Hợp, Nghi Khánh, Nghi Hưng; mô hình trồng cỏ voi kết hợp chăn nuôi bò thịt tại xã Nghi Hợp, Nghi Đồng, Nghi Lâm cho hiệu quả kinh tế cao. Các xã Nghi Hợp, Nghi Trường từng duy trì hội thi chăn nuôi bò giỏi hàng năm…

Thực hiện đề án chăn nuôi giai đoạn 2011 - 2015, huyện Nghi Lộc đã có quy hoạch cụ thể thúc đẩy chăn nuôi trâu bò phát triển theo điều kiện tự nhiên các vùng màu và vùng nông giang, vùng bán sơn địa. Trong đó, chú trọng các xã vùng màu phía đông nam huyện vốn có truyền thống nuôi bò hàng hóa. Hiện tại, huyện đang chỉ đạo các địa phương bám sát nuôi bò thịt, xây dựng kế hoạch nuôi bò hàng hóa hàng năm trong giai đoạn tới. Theo tính toán của người chăn nuôi ở Nghi Lộc, thì nuôi bò hàng hoá là nghề cho lãi cao mà lại ít ủi ro. Bắt đầu từ trung tuần tháng Mười âm lịch, các hộ dân tập trung tiền vốn đi mua gom bò về để nuôi. Nếu trước đó, hộ nuôi ít, chỉ 2 đến 3 con thì nay họ nuôi 4 đến 5 con. Những hộ nuôi bò hàng hóa “lành nghề” thì con số này lên tới 12 đến 14 con.

Dịp cuối năm, thời tiết cũng thuận lợi cho bò phát triển, nguồn thức ăn lại dồi dào. Về thị trường, vào dịp Tết Nguyên đán vừa qua, bò thịt của Nghi Lộc tiêu thụ rất tốt và được giá. Người chăn nuôi bò hàng hóa ở Nghi Lộc nay đã có thể phân loại được đối tượng nuôi, đó là: vỗ béo bò to, loại trên 3,5 tạ hơi để liên kết các hộ gần nhau gom lại đưa đi Hà Nội tiêu thụ, loại nhỏ hơn thì bán cho tư thương ở thành phố Vinh, thị xã Cửa Lò. Những hộ chuyên nghề nuôi bò hàng hóa, thì thường xuyên nuôi 7 đến 8 con bò thịt sẽ đảm bảo được vấn đề tiêu thụ và có lãi 10 triệu đồng/ tháng; dịp Tết Nguyên đán, có thể tăng đàn lên 10 – 15 con, kèm với việc tăng giá thực phẩm cuối năm, sẽ cho thu lãi ở hai tháng dịp Tết khoảng 20 triệu đồng/tháng.

Từ hiệu quả nuôi bò hàng hóa trong dân, thực tế cho thấy không những đem lại giá trị kinh tế cao mà còn có ý nghĩa về mặt xã hội như tạo việc làm cho nhiều lao động nông nhàn, trong đó có lao động có đất sản xuất bị thu hồi; đến nay nhiều xã trong huyện Nghi Lộc coi đây là hướng đi mới trong phát triển kinh tế nông nghiệp của địa phương trong những năm tiếp theo.


Thùy Vinh