Sản xuất hàng giả bị phạt tới 200 triệu đồng

01/04/2013 20:01

Theo dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, người buôn bán hàng giả không có giá trị sử dụng, công dụng có thể bị phạt tới 100 triệu đồng; còn người sản xuất các loại mặt hàng trên có thể bị phạt tới 200 triệu đồng.

Theo dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, người buôn bán hàng giả không có giá trị sử dụng, công dụng có thể bị phạt tới 100 triệu đồng; còn người sản xuất các loại mặt hàng trên có thể bị phạt tới 200 triệu đồng.



Ảnh minh họa

Cụ thể, các đối tượng có hành vi buôn bán các loại hàng giả không có giá trị sử dụng, công dụng, tùy theo mức độ vi phạm có thể bị phạt từ 1 – 100 triệu đồng. Khung phạt này được áp dụng đối với 4 nhóm hàng giả, gồm:

1. Hàng hóa không có giá trị sử dụng, công dụng; có giá trị sử dụng, công dụng không đúng với nguồn gốc bản chất tự nhiên, tên gọi của hàng hoá; có giá trị sử dụng, công dụng không đúng với giá trị sử dụng, công dụng đã công bố hoặc đăng ký;

2. Hàng hóa có hàm lượng, định lượng chất chính, tổng các chất dinh dưỡng hoặc đặc tính kỹ thuật cơ bản khác chỉ đạt mức từ 70% trở xuống so với tiêu chuẩn chất lượng, quy chuẩn kỹ thuật đã đăng ký, công bố áp dụng hoặc ghi trên nhãn, bao bì hàng hoá;

3. Thuốc phòng bệnh, chữa bệnh cho người, vật nuôi không có dược chất; có dược chất nhưng không đúng với hàm lượng đã đăng ký; không đủ loại dược chất đã đăng ký; có dược chất khác với dược chất ghi trên nhãn, bao bì hàng hoá;

4. Thuốc bảo vệ thực vật không có hoạt chất; hàm lượng hoạt chất chỉ đạt từ 70% trở xuống so với tiêu chuẩn chất lượng, quy chuẩn kỹ thuật đã đăng ký, công bố áp dụng; không đủ loại hoạt chất đã đăng ký; có hoạt chất khác với hoạt chất ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa.

Cũng theo quy định tại dự thảo, mức phạt nêu trên sẽ được tăng gấp 2 lần đối với một trong 3 trường hợp: 1. Người sản xuất, người nhập khẩu hàng giả hoặc người buôn bán hàng giả là người nhập khẩu hàng giả đó; 2. Hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh, thức ăn chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự; 3. Hàng giả là phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, chất tẩy rửa, diệt côn trùng, trang thiết bị y tế, xi măng, sắt thép xây dựng, mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy và hàng hóa thuộc danh mục hàng hóa hạn chế kinh doanh.

Bên cạnh đó, các đối tượng vi phạm còn chịu hình phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm; tiêu hủy hàng hóa; tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề từ 3 – 6 tháng hoặc đình chỉ hoạt động từ 3 – 6 tháng nếu vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm...

Kinh doanh hàng nhập lậu bị phạt tới 50 triệu đồng

Ngoài ra, dự thảo cũng quy định hành vi buôn bán hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa (trường hợp nhãn hàng hoá, bao bì hàng hoá giả mạo tên thương nhân, địa chỉ của thương nhân khác; giả mạo tên thương mại, tên thương phẩm hàng hoá, mã số đăng ký lưu hành, mã vạch hoặc bao bì hàng hoá của thương nhân khác; nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa ghi chỉ dẫn giả mạo về nguồn gốc hàng hoá, nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng hoá) thì mức phạt tiền từ 500 nghìn đồng - 70 triệu đồng.

Còn vi phạm về kinh doanh hàng hóa nhập lậu sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200 nghìn đồng - 50 triệu đồng (tùy giá trị hàng hóa nhập lậu). Trường hợp người trực tiếp nhập lậu hàng hóa thực hiện hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu (nếu không bị truy cứu trách nhiệm hình sự) thì mức phạt sẽ gấp 2 lần mức trên.

Dự thảo đang được Bộ Công Thương công bố lấy ý kiến nhân dân.


Theo (Chinhphu.vn) – L.T