Nào ta cùng nhảy dù

14/03/2013 18:10

(Baonghean) - Vừa gọi điện thoại thống nhất ý kiến với một người bạn nước ngoài về bữa tối mình được mời tới, mình chợt...

(Baonghean) - Vừa gọi điện thoại thống nhất ý kiến với một người bạn nước ngoài về bữa tối mình được mời tới, mình chợt nhận ra đây là lần đầu tiên được người bạn này mời tới nhà, mặc dù quen biết cũng được một thời gian kha khá. Tại sao mình lại để ý đến điều này ấy hả? Là vì thấy khác với Việt Nam mình quá.

Câu cửa miệng của người mình trong những cuộc hội thoại là "Bao giờ rảnh mời anh (chị) đến nhà chơi", hay "Anh (chị) ở lại dùng cơm với gia đình", nhưng cái "bao giờ rảnh" nghe mơ hồ và mông lung quá, biết bao giờ là bao giờ? Cũng tương tự thế, lời mời dùng bữa cũng là một phần của ngôn ngữ giao tiếp xã hội, mang tính lịch sự và thể hiện thiện chí với người được mời chứ không thực sự là một lời mời theo nghĩa đen. Thường khi nhận được những lời đề nghị như trên, người khách sẽ trả lời một cách ước lệ tượng trưng "Vâng, khi nào rảnh tôi sẽ qua chơi" và từ chối lời mời cơm "Tiếc quá nhưng tôi phải về thôi, xin để khi khác".

Ở nước ngoài, văn hoá mời khách và thăm viếng có chút khác biệt. Chủ nhà một khi đã nói lời mời nghĩa là họ có ý định nghiêm túc và đã sắp xếp mọi thứ đâu vào đó để sẵn sàng đón tiếp khách. Thế nên lời mời chỉ được đưa ra một lần (và như thế là đủ), với ngày giờ, những đối tượng được mời cụ thể. Đổi lại, khách chỉ đến thăm viếng khi nhận được lời mời từ chủ nhà hoặc đã thông báo trước cho chủ nhà và được xác nhận là ngày đó, giờ đó, chúng tôi từng đó người có thể ghé qua chơi mà không gây phiền hà, bất tiện gì cho sinh hoạt của gia đình chủ nhà. Thông báo trước của họ có thể là cả tháng trước, vài tuần trước hay chí ít là vài ngày trước, chứ không bao giờ theo kiểu "lính thuỷ đổ bộ" thông báo trước mươi, mười lăm phút hoặc tệ hơn là cứ thế tồng tộc đến gõ cửa nhà người ta như nhiều người ở mình hay làm.

Thế mới có chuyện những người nước ngoài khi sang Việt Nam chơi, trong sổ tay những điều cần lưu ý khi tiếp xúc với người Việt (thực ra là với người châu Á nói chung) luôn gạch đít, viết đậm một câu: "Chỉ nhận lời mời đến nhà chơi nếu gia chủ lặp lại lời mời ít nhất là ba lần". Để thấy văn hoá mời khách và viếng thăm ở ta còn mang tính xã giao, đãi bôi là chủ yếu, chứ sự chân thành thật ra cũng chẳng được bao nhiêu. Chính từ đây sinh ra nhiều chuyện dở khóc dở cười.

Hôm trước mình gọi điện về Việt Nam, vừa nghe ông bà cụ ở nhà than phiền về nạn "khách nhảy dù" đem lại nhiều phiền toái và bất tiện. Nhà vừa dọn cơm chuẩn bị ăn thì khách ở đâu lù lù mò đến, ngồi cà kê mãi những chuyện không đâu, hai ông bà nhìn mâm cơm nguội ngắt chỉ biết rủa thầm trong bụng người đâu mà vô ý thức. Hoặc như đêm hôm hai cụ đang âu yếm nhổ tóc, đấm lưng cho nhau thì khách lại đến (tất nhiên là không báo trước), làm hai cụ phải quáng quàng ăn vận chỉnh tề xuống nhà ngồi tiếp khách mãi đến khuya. Hoặc một lần hai cụ lên kế hoạch đi về quê, xe vừa ra đến cổng: lại khách, thế là bị trễ mất cả buổi sáng, chuyến đi chơi tự nhiên thành ra gấp gáp, lại trong tâm trạng cáu bẳn, mất hết cả vui.

Tất nhiên không thể đổ mọi tội vạ lên đầu những vị khách đam mê độ cao và thích nhảy dù như trên, vì nếu không có những lời mời không xác định "bao giờ rảnh" thì liệu người ta có vô tư để mà "bây giờ rảnh" nên ghé qua chơi bất thình lình như thế không?

Trách người thì phải ngó lại ta, nếu chính những lời mời cũng còn qua loa thiếu thành ý thì đương nhiên cái sự khách đến chơi nhà sẽ không còn là niềm vinh dự, sự mong mỏi của chủ nhà nữa, mà thành ra một thứ ôn dịch phiền phức ai ai cũng muốn tránh xa. Người châu Á nói chung và người Việt Nam chúng ta nói riêng vẫn thường tự hào về lòng hiếu khách và sự cầu kì trong cung cách tiếp khách của mình, nhưng trước vấn nạn "khách nhảy dù" hay là câu hỏi đầy hoài nghi về văn hoá thăm viếng trên, không biết liệu chúng ta còn có thể đến chơi nhà người mà không khỏi băn khoăn về suy nghĩ, tâm tư của gia chủ đằng sau nụ cười xởi lởi kia không?


Hải Triều (Email từ Paris)